Loài chó biết hát tái xuất hiện sau 50 năm vắng bóng

Thứ năm, ngày 03/09/2020 09:38 AM (GMT+7)
INDONESIA-Loài chó phát ra âm thanh giống cá voi lưng gù biến mất trong thời gian dài ở vùng cao nguyên New Guinea, nhưng được tìm thấy ở nửa kia của hòn đảo.
Bình luận 0

Chó biết hát New Guinea, giống chó vô cùng hiếm nổi tiếng với tiếng sủa và hú đặc trưng, có thể phát ra âm thanh du dương giống tiếng kêu của cá voi lưng gù. 

Loài chó biết hát tái xuất hiện sau 50 năm vắng bóng - Ảnh 1.

Chó biết hát ở gần mỏ Grasberg tại Papua. Ảnh: CNN.

Chỉ có khoảng 200 con chó biết hát còn sống trong môi trường nuôi nhốt ở các trung tâm bảo tồn hoặc vườn thú. Chúng là hậu duệ của một số con chó hoang được bắt vào thập niên 1970. Loài vật này thường được lai cùng dòng do thiếu gene mới.

Không có con chó biết hát nào được phát hiện ở môi trường tự nhiên trong suốt nửa thế kỷ. Mãi tới năm 2016, một đoàn thám hiểm xác định vị trí và nghiên cứu 15 con chó hoang ở vùng cao nguyên Papua xa xôi phía tây Indonesia. 

Họ quay trở lại nghiên cứu khu vực vào năm 2018 để thu thập mẫu vật sinh học nhằm xác nhận những con chó hoang cao nguyên có phải là tổ tiên của chó biết hát hay không.

Kết quả so sánh ADN lấy từ mẫu máu thu thập ở hai quần thể chó cho thấy chúng có trình tự gene rất giống nhau và có quan hệ gần gũi với nhau hơn bất kỳ giống chó nào khác, theo nghiên cứu công bố hôm 31/8 trên tạp chí PNAS.

Tiếng kêu của chó biết hát. Video: CNN.

Dù hệ gene của chúng không giống nhau hoàn toàn, nhóm nghiên cứu cho rằng chó cao nguyên chính là chó biết hát New Guinea hoang dã. 


Theo Elaine Ostrander, nhà nghiên cứu ở Viện Sức khỏe Quốc gia, tác giả chính của nghiên cứu, chó hoang dã cao nguyên có hệ gene trùng khớp 70% với quần thể chó nuôi nhốt. Sự khác biệt giữa chúng là kết quả từ quá trình lai cùng dòng.

New Guinea là hòn đảo lớn thứ hai trên thế giới. Nửa phía đông của đảo là Papua New Guinea trong khi nửa phía tây thuộc Indonesia gọi là Papua. Chó biết hát được mô tả lần đầu tiên sau khi giới nghiên cứu tìm thấy một cá thể ở độ cao khoảng 2.100 m tại tỉnh Trung tâm của Papua New Guinea năm 1897.

Dù có nhiều lời đồn và ảnh chụp chưa xác nhận trong những năm gần đây, nhiều người lo ngại chó biết hát New Guinea đã tuyệt chủng do mất môi trường sống và lai tạp với chó làng. Tuy nhiên, chúng được tái phát hiện năm 2016 gần mỏ vàng và đồng Grasberg ở Papua. 

Tại đó, các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái quanh mỏ đã tạo ra một khu bảo tồn cho phép chó biết hát hoang dã phát triển. Người đứng đầu đoàn thám hiểm tìm ra chúng là James McIntyre, nhà nghiên cứu thực địa kiêm sáng lập viên Tổ chức chó hoang cao nguyên New Guinea.

Hai năm sau, đoàn nghiên cứu của McIntyre quay trở lại để thu thập mẫu máu, tóc, mô và nước bọt bất chấp thời tiết khắc nghiệt và địa hình gồ ghề. Họ cũng đo kích thước, cân nặng, độ tuổi, đánh giá sức khỏe và tình trạng cơ thể của những con chó. Nhóm nghiên cứu còn đeo vòng cổ định vị qua vệ tinh cho hai con chó để nghiên cứu thói quen đi lại và lãnh thổ của chúng.

Theo vườn thú San Diego Zoo, khớp và xương của chó biết hát vô cùng linh hoạt. Chúng leo trèo và chạy nhảy như mèo. Kết quả siêu âm cho thấy tiếng kêu độc đáo của chúng tương tự như khúc hát của cá voi lưng gù. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể lai một số con chó biết hát hoang dã ở cao nguyên thông qua mẫu tinh trùng. Họ cũng muốn tìm hiểu sâu hơn về loài vật này trước khi chúng được thuần hóa.

An Khang (Vnexpress.net/New York Times)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem