Sáng ngày 7/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
9 lần điều chỉnh giá điện chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là người đặt câu hỏi đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu, chủ trương của Đảng là vận hành ngành điện theo kinh tế thị trường, kể cả giá điện đầu vào và giá bán nhưng thực tế hiện nay giá điện chưa bám sát kinh tế thị trường. "Điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng?", ông Hiển hỏi.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu vấn đề, từ năm 2011 tới nay đã có 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện song chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm.
Phó Chủ nhiệm Hoàng Quang Hàm đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ điện năng, giá điện chưa hợp lý.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Theo ông Tuấn Anh, theo đề án Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 thì thị trường điện cạnh tranh được xây dựng theo lộ trình có 3 cấp độ.
Đầu tiên, thị trường phát điện cạnh tranh, chúng ta bắt đầu thực hiện năm 2011; thứ 2 là thị trường bán buôn điện canh tranh, triển khai từ 2018 và thứ 3 là bán lẻ cạnh tranh dự kiến tới năm 2024 mới bắt đầu thực hiện sau khi có tổng kết thí điểm từ năm 2021 - 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi hiệu quả của mô hình này.
"Đến lúc đó thật sự có giá điện theo cơ chế thị trường", Bộ trưởng Công Thương nói và cho biết thêm, điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay tiêu dùng sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với phân phối bán điện giá rẻ.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, "cơ chế điện này có tăng có giảm theo đúng kinh tế thị trường". Nhà nước chỉ quản lý các phí của hệ thống truyền tải và phân phối.
"Đến năm 2024 thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường còn hiện nay chưa làm được điều đó", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Tương, trong thời gian vừa qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, trong đó có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo...
"Chúng tôi cũng thấy tiếc…"
Về vấn đề giá điện chỉ tăng chứ không giảm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế thời gian qua khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá thành của giá điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư.
Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm...
"Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng tới đây khi hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự công khai, minh bạch. Tôi tin rằng lúc đó giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường", người đứng đầu ngành Công Thương cho hay.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng biểu giá bán lẻ điện. Tuy nhiên, làm sao để cơ cấu giá điện bảo đảm giải quyết ổn thoả, mang lại lợi ích và hiệu quả cao thì rất cần một giải pháp tổng thể.
Do đó, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đang xin ý kiến của dư luận về giá điện bán lẻ bậc thang, cũng như giá bán lẻ điện một giá.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, sau khi nghiên cứu và đánh giá, tiếp thu các ý kiến đóng góp thấy vẫn còn nhiều tồn tại. Nếu áp dụng cơ chế điện một giá thì cũng không bảo đảm được các mục tiêu vừa hỗ trợ người dân, vừa bảo đảm yêu cầu sản xuất, đồng thời bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện.
"Do vậy, chúng tôi đã chủ động tiếp thu, xin rút lại phương án cơ chế điện một giá, tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.