Theo đó, các phi công Mỹ đã lo sợ khi hệ thống phòng không tiên tiến S-300V4 của Nga theo dõi họ ở khoảng từ 200 đến 300 km, Trung tướng Alexander Leonov, Giám đốc Các lực lượng phòng không Nga chia sẻ với Izvestia. Không rõ phi công lái máy bay thuộc chủng loại gì dù Mỹ đã đưa nhiều mẫu máy bay tới Syria, bao gồm F-22, F-15, F-18 và máy bay không người lái.
Trung tướng Leonov cho biết thêm rằng, S-300V4 đã được triển khai tới Syria vào năm 2016 để mở rộng quyền kiểm soát không phận phía đông Syria, cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công của phiến quân vào sân bay Khmeimim và căn cứ tiếp liệu ở cảng Tartus.
Ông Leonov cũng tiết lộ những cải tiến trong hệ thống phòng không của Nga và nhấn mạnh, kể từ năm 2014, phiên bản sửa đổi mới nhất của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V4 - có tầm bắn xa nhất trong cùng loại - đã được đưa vào sử dụng. Tên lửa S-300V4 nâng cấp có khả năng sát thương cao hơn đối với máy bay và tên lửa đạn đạo.
Ông Leonov cho biết Nga cũng đã cải tiến Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk, bao gồm radar nâng cấp cho mẫu Buk-M2 với khả năng phát hiện máy bay và tên lửa hành trình bay ở tầm cực thấp tốt hơn. Kể từ năm 2016, quân đội Nga đã nhận được phiên bản mới nhất của hệ thống Buk-MZ.
“Do được trang bị trạm radar đa chức năng với ăng-ten mảng pha và tên lửa mới, hệ thống Buk-MZ vượt trội hơn hai đến ba lần so với khả năng của các phiên bản trước đó thuộc lớp này", Trung tướng Leonov nhấn mạnh.
Cùng tham chiến ở Syria, lực lượng không quân Nga và Mỹ đã không ít lần chạm trán. Tờ New York Times năm 2018 đưa tin, tiêm kích F-22 của Mỹ từng suýt giao chiến với máy bay cường kích Su-24 của Nga khi Su-24 tấn công phiến quân do Mỹ hỗ trợ ở Syria.
Truyền thông Nga cũng từng đưa tin các phi công Mỹ sợ chạm trán máy bay Nga khi phi công tiêm kích F-22 của Mỹ được cho là đã quay đầu bỏ chạy vào không phận Iraq sau khi đối đầu với một "tiêm kích siêu cơ động đa chức năng Su-35S" tại Syria.