Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau gần 3 năm bị Uỷ ban châu Âu (EC) phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị.
"EC đã đánh giá tốt những nỗ lực của chúng ta, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. Đáng chú ý là có 9 địa phương còn tình trạng vi phạm vùng đánh bắt cá nước ngoài, có những địa phương trước đây không vi phạm thì nay lại xảy ra vi phạm" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Phát biểu tại cuộc họp về vấn đề này, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Các vi phạm của tàu cá lặp đi lặp lại, nguyên nhân đã được chỉ rõ, vì thế xử lí cương quyết vẫn là giải pháp số 1.
Trong đó, tỉnh Bạc Liêu đã xử lí rất tốt các việc tàu cá không có bảo hiểm, không có chứng chỉ thuyền trưởng, không có nhật kí ghi chép hành trình... Kết quả là 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bạc Liêu chỉ có 1 trường hợp phải xử lí.
"Phần lớn các tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, theo dõi chặt chẽ 24/24h, thậm chí chúng tôi còn cài luôn phần mềm theo dõi trong điện thoại, có gì nắm bắt được ngay và chỉ đạo lập tức. Đặc biệt, Bạc Liêu phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng – lực lượng gắn liền với các chủ tàu để tuyên truyền, giám sát thực hiện hiệu quả" - ông Trung nói.
"Sắp tới, Bạc Liêu sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, có chính sách hỗ trợ để tất cả tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình; kiểm soát tốt việc ra - vào của tàu cá. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho cảng cá Gành Hào, vì đây là cảng đã được đưa vào quy hoạch, nâng cấp mở rộng lên thành cảng cá quy mô loại I" - ông Trung nói.
Trả lời kiến nghị của ông Trung, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hoàn toàn tán thành đề xuất của tỉnh Bạc Liêu. Cảng cá xuống cấp, chật chội thì phải nâng cấp và giao Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì, theo dõi.
"Rất biểu dương tỉnh Bạc Liêu vì trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển, đây là tỉnh duy nhất có Chủ tịch tỉnh đi họp. Chủ tịch nào cũng bận công việc, nhưng người đứng đầu địa phương nhận thức rõ vấn đề, trách nhiệm thì mới có giải pháp, quyết tâm cao thực hiện các khuyến nghị của EC để rút thẻ vàng. Đặc biệt Bạc Liêu cũng là tỉnh nuôi tôm giỏi nhất cả nước" - vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Quá trình thực hiện chống IUU, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện có trường hợp tàu cá gom các thiết bị giám sát hành trình bỏ xuống biển. Theo dõi thì cứ tưởng tàu đang ở vị trí đó, nhưng thực ra thì tàu đã di chuyển nơi khác đánh bắt. Một số trường hợp sơn tàu, mang biển số giả của nước ngoài… để cố tình vi phạm.
"Đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho hơn 80% số phương tiện, còn lại gần 20% số tàu cá không tìm được do người dân đã mua bán, trao đi đổi lại qua nhiều chủ, một số tàu ngừng hoạt động.
Tồn tại lớn ở Cà Mau là đã có 5 trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, gần đây nhất là 2 phương tiện mới bị Thái Lan bắt giữ" - ông Sử thông tin thêm.
Liên quan tình trạng này, Bộ NNPTNT cho biết hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đánh dấu tàu cá theo quy định.
Tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Nghệ An...
Đến nay, mới chỉ có tỉnh Bình Định, Ninh Bình, Phú Yên đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá theo quy định. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNTPTN Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An... đã chủ động tham mưu, ban hành chính sách hỗ trợ để ngư dân lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS đạt hiệu quả.