Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, cần đột phá nghề nuôi biển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, cần đột phá nghề nuôi biển
Minh Huệ
Thứ ba, ngày 08/09/2020 14:37 PM (GMT+7)
"Chính phủ biểu dương sự cố gắng của Bộ NNPTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cơ quan được giao phối hợp thực hiện phòng chống IUU, đặc biệt là các địa phương. Gốc vẫn là ở các địa phương, nếu kiểm soát tốt sẽ tái cấu trúc ngành thuỷ sản, tăng cường sản lượng nuôi trồng, giảm khai thác, ổn định sinh kế cho người dân".
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại cuộc họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia, diễn ra tại Hà Nội sáng nay.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng của Bộ NNPTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cơ quan được giao phối hợp thực hiện chống IUU và đặc biệt là các địa phương ven biển. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực xử lí các lỗ hổng, tăng cường kiểm soát tàu cá ra vào, truy xuất nguồn gốc sản lượng thuỷ hải sản đánh bắt và cả nhập khẩu...
Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể, đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC trong chống IUU vẫn còn những khó khăn, hạn chế, công tác phối hợp xử lí vi phạm chưa triệt để. Chưa hoàn thành quy định về lắp thiết bị định vị trên tàu cá, vẫn còn tình trạng tàu cá không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác hải sản, trong khi phía EC đã đề nghị phải tăng cường kiểm soát khối tàu này, không cho đi khai thác.
Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước có giảm so với cùng kì, nhưng vẫn phức tạp trong điều kiện khu vực Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, một số nơi đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ…
Chính vì lâu nay đánh bắt khai thác hải sản quá mức, theo kiểu tận diệt nên dẫn đến chúng ta bị suy giảm nguồn lợi thuỷ hải sản, dẫn tới ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều đó cho thấy cơ cấu ngành thuỷ sản hiện nay chưa phù hợp, chưa bền vững.
"Qua trao đổi với EC, có địa phương chưa chuyển biến rõ nét, trước đây không có tàu vi phạm thì nay lại xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến niềm tin của các nước trong khu vực. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có giải pháp khắc phục tốt vấn đề này, xoá bỏ những tồn tại làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành thuỷ sản nói riêng cũng như vị thế của chúng ta cả về mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao…" - Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Trước những tồn tại, hạn chế đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt mạnh mẽ hơn, thực thi những biện pháp EC đặt ra để gỡ thành công thẻ vàng.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết cần quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ NNPTNT; nhất là 28 tỉnh ven biển chủ động đề ra giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay, thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát quá trình thực hiện, chia sẻ dữ liệu dùng chung.
Kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền, trong đó có công tác xử lí các hành vi vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh truyền thông trong và ngoài nước về hiệu quả công tác chống IUU, tuyên truyền về quy định chống IUU cho ngư dân...
Đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đây là vấn đề quan trọng số 1 trong khuyến nghị của EU và cũng chính là nguy cơ dẫn tới thẻ đỏ.
Bộ Quốc phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những khu vực chồng lấn, khu vực đã được phân định, kiểm soát chặt tàu cá khi xuất bến, kiên quyết xử lí không cho xuất bến với những tàu cá vi phạm, không có thiết bị giám sát hành trình… Can thiệp đấu tranh với những trường hợp bắt giữ trái phép tàu cá Việt Nam.
Bộ Công an kiên quyết xử lí các trường hợp móc nối, môi giới đưa tàu cá đi khai thác vùng biển nước ngoài, đặc biệt lưu ý ở các dịa phương trọng điểm có nhiều tàu vi phạm.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ NNPTNT cần chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển thuỷ sản bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tăng cường nuôi trồng, nhất là nuôi biển. Nếu không phát triển được nuôi biển thì không xử lí được tận gốc vấn đề, làm sao để đời sống ngư dân bớt phụ thuộc vào khai thác, đánh bắt.
"Tiềm năng nuôi trồng thuỷ hải sản của chúng ta rất lớn, không chỉ trong đất liền mà cả nuôi biển, vì thế cần dành thời gian để biến chiến lược này trở thành bước đột phá trong ngành thuỷ hải sản" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Các địa phương hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu lắp thiết bị giám sát hành trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để khẩn trương hoàn thành việc này cũng như đánh dấu tàu cá.
Đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông sớm nghiên cứu thiết bị giám sát hành trình để làm sao đi đến đâu kêu đến đó, lúc nào cũng hoạt động được, không thể tháo ra, quan trọng nhất là máy đem lại lợi ích cho bà con ngư dân. Đi ra khơi không may gặp mưa bão, sự cố có thể phát tín hiệu kịp thời.
"Cuối cùng là phải tăng cường xử lí các hành vi vi phạm, tập trung nguồn lực điều tra, xử lí kịp thời các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Muốn làm được, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, cùng với đó là xây dựng kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng phù hợp với tiềm năng lợi thế địa phương, gắn với phát triển vùng nhưng phải lấy nhu cầu thị trường khu vực và quốc tế làm cơ sở tái cơ cấu" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.