Dân Việt

Yên Bái: "Thủ phủ" măng tre Bát Độ, bóc vỏ đem bán mà thu gần 100 tỷ đồng/năm

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, thời gian qua, huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh trồng cây măng tre Bát Độ theo hướng hàng hoá, thúc đẩy hình thành các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Chỉ nhờ trồng tre lấy măng, nông dân huyện Trấn Yên thu về gần 100 tỷ đồng/năm.

Do đặc biệt phù hợp với điều kiện đất đồi dốc địa phương, đến giờ cây măng tre Bát Độ đã phủ xanh khắp nơi, giúp bà con các dân tộc ở Trấn Yên thoát nghèo, vươn lên khấm khá. 

Cây xóa nghèo của người dân miền núi Yên Bái

Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, cây tre măng Bát Độ phát triển tốt trên địa hình đất đồi dốc, không đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc quá phức tạp, rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân vùng cao Yên Bái. 

Là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh chủ động nghiên cứu, triển khai hiệu quả chương trình tre măng Bát Độ, đến nay diện tích và sản lượng măng của huyện Trấn Yên ngày một tăng, không chỉ giúp nhiều hộ xoá đói giảm nghèo mà còn có thu nhập cao, ổn định.

Gia đình ông Dương Kim Hùng (ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành, Trấn Yên) bắt đầu trồng tre lấy măng từ khá sớm. Hiện ông đang có khoảng 7ha trồng măng tre, trong đó 4ha đã cho thu hoạch với sản lượng 30 tấn. Trung bình hàng năm, chỉ cắt măng đem bán, gia đình ông bỏ túi hơn 100 triệu đồng.

Hiệu quả liên kết 4 nhà ở “thủ phủ” măng tre Bát Độ  - Ảnh 1.

Người dân huyện Trấn Yên đang bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch măng tre Bát Độ chính vụ. Ảnh: Nguyễn Xuân

Thời gian qua huyện Trấn Yên đã tập trung nhiều giải pháp triển khai chương trình trồng măng tre, phấn đấu đưa măng tre trở thành sản phẩm hàng hoá xuất khẩu. Huyện đã hỗ trợ phân bón cho bà con, tập huấn kỹ thuật thâm canh, các đơn vị thu mua ký hợp đồng theo các tổ nhóm, thu mua sản phẩm thuận lợi...

Theo ông Hùng, trồng măng tre Bát Độ không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần phát cỏ và bón phân NPK 1 lần. Đây là loại cây đem lại thu nhập ổn định và nhanh hơn so với những cây trồng truyền thống khác.

Còn nhớ, quãng năm 2003, khi tỉnh Yên Bái chính thức nhập khẩu giống tre măng Bát Độ từ Trung Quốc về trồng ở hai huyện Trấn Yên và Yên Bình, do quá trình vận chuyển xa xôi, lại gặp nắng nóng nên diện tích tre măng Bát Độ mới trồng bị chết quá nửa, nhiều hộ dân ngao ngán. Không chỉ thế, những năm đầu, măng làm ra không biết bán cho ai, người ta đành để mọc thành rừng tre, rồi chặt bán cho các nhà máy giấy.

Đến năm 2005, nhìn thấy giá trị của cây tre măng Bát Độ có thể xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty CP Yên Thành đã quyết định đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến măng xuất khẩu. Từ đó người dân mới thực sự chú ý phát triển cây tre măng Bát Độ, ngoài diện tích mà các doanh nghiệp đầu tư, người dân tự mua giống, vật tư phân bón về trồng.

Thực tế cho thấy măng tre Bát Độ nhanh cho thu hoạch. Trung bình trong 3 năm giai đoạn kiến thiết cơ bản, tre măng Bát Độ cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Vào giai đoạn kinh doanh, thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 7 năm, 1ha tre Bát Độ sẽ cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng.

Đến nay, toàn huyện Trấn Yên có khoảng 3.578ha tre Bát Độ, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 2.500ha. Bên cạnh đó, cây tre Bát Độ cũng được trồng khá phổ biến ở Yên Bình khoảng 200ha, Lục Yên 200ha, Văn Chấn 150ha, Văn Yên 100ha… Đáng chú ý là nhờ phát huy hiệu quả mối liên kết "4 nhà" mà những năm qua, đầu ra của măng Bát Độ khá ổn định, hiếm khi gặp phải tình trạng được mùa rớt giá.

Hiệu quả liên kết 4 nhà ở “thủ phủ” măng tre Bát Độ  - Ảnh 3.

Măng tre Bát Độ sau khi bóc vỏ, sơ chế được người dân đem luộc rồi bán cho doanh nghiệp, thương lái.

Chỉ tính riêng 2 Công ty Vạn Đạt và Yên Thành, sản lượng thu mua măng đã chiếm khoảng 70% lượng măng của toàn tỉnh, còn lại 30% được bà con tự tiêu thụ tại các chợ địa phương hoặc một số doanh nghiệp khác đến thu mua.

Tùy thời điểm, giá thu mua măng tươi của công ty khoảng 4.000 đồng/kg, măng luộc 4.500 đồng/kg. Sản phẩm măng chế biến gồm măng khô sợi nhỏ, măng muối, măng khô... Tổng sản phẩm măng xuất khẩu khoảng trên 12.000 tấn.

Đầu tư mạnh cho cây trồng chủ lực

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Yên Thành cho biết, để sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường Đài Loan, Nhật Bản, công ty đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm măng tre Bát Độ; đầu tư đúng quy trình từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch và thực hiện chuỗi liên kết "trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm" với một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. 

Năm 2019, công ty đã sản xuất, tiêu thụ 2.220 tấn măng muối và măng khô, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…

Với diện tích măng tre Bát Độ lên tới gần 1.800ha, xã Kiên Thành đang được xem là "thủ phủ" trồng măng tre, với những đồi tre bạt ngàn, "đẻ" ra tiền. Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, nhờ trồng tre lấy măng mà đến nay Kiên Thành đã thay da đổi thịt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 36 triệu đồng/năm.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, năm 2019, huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ" tại 4 xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, với diện tích 1.000ha tre kinh doanh/780 hộ tham gia. Các hộ được tập huấn kỹ thuật vệ sinh nương tre, chặt tỉa cây mẹ, kỹ thuật bón phân và thu hoạch măng, đồng thời được hỗ trợ phân bón vật tư... 

Nhờ vậy mà năm 2019, sản lượng măng thương phẩm toàn huyện Trấn Yên đạt trên 22.000 tấn, trị giá trên 70 tỷ đồng.

Năm nay, do tiếp tục được thâm canh nên tre sinh trưởng, phát triển tốt, bước vào đầu vụ thu hoạch măng đã cho sản lượng rất cao. Dự kiến, năm nay sản lượng măng thương phẩm ước đạt 30.000 tấn, giá trị kinh tế ước khoảng 100 tỷ đồng. 

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo