Dân Việt

Người dân tăng cường mua hàng qua mạng, thương mại điện tử hưởng lợi

Phúc Minh 08/09/2020 17:54 GMT+7
Nửa đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hoá và chăm sóc sức khỏe lần lượt tăng 41% và 21%. Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có bước phát triển mới, vượt trội trong khu vực.

Theo báo cáo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam do iPrice Group và SimilarWeb vừa cập nhật, 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành thương mại điện tử trong nước có nhiều thay đổi lớn do tác động của dịch Covid-19.

Nhóm đánh giá, phân tích của iPrice nhận định thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có bước phát triển mới, vượt trội so với các nước trong khu vực.

Covid-19 thúc mua hàng qua mạng, thương mại điện tử hưởng lợi - Ảnh 1.

Các sàn thương mại điện tử làm ăn hiệu quả nửa đầu năm. Ảnh: Phúc Minh.

Chỉ riêng quý II/2020, tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với phần lớn các nước trong khu vực.

Cụ thể, trong quý II, tốc độ tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực Đông Nam Á là 39%, các nước mạnh về thương mại điện tử như Singapore cũng chỉ tăng 25%, Indonesia tăng 34%.

Xét con số cụ thể, Việt Nam xếp thứ ba toàn Đông Nam Á về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần toàn khu vực.

Về xu hướng mua sắm, nửa đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hoá tăng hơn 41%. Các website thuộc ngành hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khoẻ tăng 21%.

"Kết quả này chứng minh rằng nhu cầu cho hai ngành hàng bách hoá và chăm sóc sức khoẻ trên kênh trực tuyến không phải là nhất thời. Cú hích từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm", chuyên gia của iPrice nhận định.

Covid-19 thúc mua hàng qua mạng, thương mại điện tử hưởng lợi - Ảnh 2.

Lượng truy cập vào các website bách hoá và chăm sóc sức khỏe nửa đầu năm của Việt Nam lần lượt tăng 41% và 21%. Nguồn: iPrice.

Báo cáo công bố hồi quý I/2020 của iPrice cũng chỉ ra đây là hai ngành có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong mùa dịch Covid-19. Nắm bắt cơ hội, trong quý II, các sàn thương mại điện tử đã đầu tư nhiều hơn cho xu hướng tìm kiếm và nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Đơn cử, giữa tháng 4, Lazada triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống. Chỉ nửa tháng sau, Tiki cũng giới thiệu dịch vụ bán hàng tươi sống. Để cạnh tranh, các sàn tiếp tục ganh đua nhau về thời gian giao hàng. Lazada cho biết đơn hàng thực phẩm sẽ được giao nhanh trong 3 giờ, Tiki cam kết giao trong 2 tiếng đồng hồ.

Trái ngược với hai ngành hàng thời thượng trong mùa dịch là bách hoá và chăm sóc sức khỏe, ngành hàng thời trang tiếp tục ảm đạm khi tổng lượng truy cập website giảm gần 30%, thiết bị di động cũng giảm đến 13% so với quý I.

"Sự sụt giảm trong chi tiêu do nhu cầu tiết kiệm của người dân đã khiến các ngành hàng không thiết yếu chịu thiệt hại lớn", các chuyên gia phân tích.

Cũng tại báo cáo, iPrice Group cho biết top 10 ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam trong quý II lần lượt là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, theo sau là một loạt ứng dụng nước ngoài. Thế Giới Di Động là đơn vị nội duy nhất ngoài Tiki và Sendo có mặt trong top 10.