Vắng khách quán bar, vũ trường bán thêm cà phê, khoai tây chiên để cầm cự
TP.HCM: Vắng khách quán bar, vũ trường bán thêm cà phê, khoai tây chiên để cầm cự
Phúc Minh
Thứ ba, ngày 08/09/2020 14:17 PM (GMT+7)
Dù đã được hoạt động lại nhưng vắng khách do dịch Covid-19, nhiều quán bar, vũ trường tại TP.HCM tính đến việc kinh doanh thêm nhà hàng, quán ăn, nước giải khát để phục vụ khách Việt.
Tối 7/9, hàng loạt quán bar, vũ trường tại khu phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) đã chính thức hoạt động trở lại sau khi UBND TP.HCM có công văn cho phép các cơ sở kinh doanh này được hoạt động sau gần 1 tháng đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Hồ hởi và tranh thủ dọn dẹp thật nhanh để đón khách nhưng trái với sự kỳ vọng của các quán bar, vũ trường, lượng người đến đây vui chơi trong đêm đầu tiên chỉ lác đác, chi tiêu cũng ít hơn so với trước đây.
Bán thêm cà phê, thức ăn đường phố
Chị Lâm Thúy - quản lý một quán bar trên đường Bùi Viện cho hay, năm 2020 là một năm lịch sử của khu vực này. Phố Tây được xem là khu vực không ngủ, tập trung nhiều quán bar, vũ trường nhất TP.HCM.
"Nhưng từ đầu năm đến nay, vì dịch Covid-19, Bùi Viện chắc chắn là nơi ngủ lâu nhất thành phố. Dịch vụ của chúng tôi phải tạm đóng cửa đầu tiên, rồi được nới lỏng sau cùng. Đến đợt dịch mới, bar phải đóng cửa tiếp. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ phải rơi vào cảnh này", chị Thúy nói.
Từ đợt Covid-19 lần thứ hai, để cầm cự, các quán bar, vũ trường khu vực Bùi Viện đã chủ động xoay sở bằng cách tự chuyển đổi mô hình kinh doanh. Bình thường, họ chỉ kinh doanh bar, nhạc xập xình nhưng để tuân thủ quy định, bar và vũ trường đã chuyển sang bán nhà hàng, cà phê, nước giải khát.
"Thành phố cho phép bar, vũ trường được hoạt động lại, chúng tôi ai cũng mừng bởi bán nhà hàng, nước uống thì không lời bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng tôi đã mừng hụt, ngay tối đầu tiên, bar hầu như vẫn chưa có khách, đợt trước khi phố Tây mở lại, khách đến khá đông", quản lý quán bar thất vọng.
Chia sẻ với Dân Việt, chủ nhiều quán bar tại khu phố Tây Bùi Viện cho hay với tình hình này, không có khách du lịch và người nước ngoài, họ sẽ tính đến phương án tích hợp vừa bán nhà hàng, nước giải khát vừa kinh doanh bar để phù hợp khách Việt.
"Từ quán bar mà phải kinh doanh thêm cả nhà hàng, thực ra là kê bàn bên ngoài cho khách ngồi như thức ăn đường phố thì đâu có được bao nhiêu. Thậm chí chúng tôi phải thường xuyên giảm một nửa giá để hút khách Việt, bởi kiếm khách Tây trong lúc này là đỏ con mắt", Ngân - nhân viên một quán bar thở dài.
Tình hình ảm đạm tại Bùi Viện càng hiện rõ tại khu vực giao với Đề Thám và Cống Quỳnh. Nhiều quán bar không một bóng khách trong đêm đầu tiên hoạt động lại. Nam nhân viên một quán bar nhìn menu có hàng loạt món ăn như chả giò tôm, sườn heo nướng, bò lúc lắc… nói: "Kiểu này mai bán nhà hàng tiếp".
Doanh thu giảm 70-80%
Quản lý nhiều quán bar, vũ trường cho rằng lúc này họ chỉ hoạt động cầm chừng để giữ khách. So với trước đây, doanh thu gần như sụt giảm 70-80%, nhưng chi phí về mặt bằng, đây được xem là khoản nặng nề nhất vẫn phải trả đều đặn hàng tháng.
Họ cho rằng với tình hình này, nếu không có tín hiệu khả quan hơn về khách du lịch lẫn người Việt đến vui chơi thì họ chỉ kéo dài được thêm nửa năm nữa.
"Hiện tại, chúng tôi đã sống chung với dịch Covid-19, thậm chí chuyển đổi cả hình thức kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người Việt. Chúng tôi hy vọng sẽ không bị đóng cửa lần nữa để tạo tâm lý ổn định. Chúng tôi cũng luôn tuân thủ các điều kiện phòng dịch, đo nhiệt độ và yêu cầu khách rửa tay sát khuẩn trước khi vào bar", quản lý bar M. nói.
Theo quản lý bar này, chỉ khi có tâm lý ổn định thì mới có thể yên tâm kinh doanh cũng như tạo việc làm cho các nhân viên. Chị cho hay, trước dịch Covid-19, bar có hơn 20 nhân viên nhưng do không có khách, buộc phải cho một số nhân viên về quê và không hưởng lương.
Chị nói, do chưa biết thời gian tới thế nào nên vẫn chưa thể sẵn sàng yêu cầu những nhân viên này trở lại làm việc.
Cũng vì không có khách và tình hình dịch bệnh, nhiều bar, vũ trường tại Bùi Viện và những con đường chuyên kinh doanh dịch vụ này như Lê Thánh Tôn, Pasteur (quận 1) đều đã đóng cửa, trả mặt bằng.
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, Sở đang kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM bổ sung nhóm lao động tự do bị mất việc làm, gặp khó khăn do Covid-19 để xem xét hỗ trợ. Đối tượng được đề nghị bổ sung có cả nhân viên quán bar, vũ trường, karaoke, rạp phim... liên tục bị dừng việc do các cơ sở phải đóng cửa để phòng chống dịch. Đây số lao động này không nằm trong 6 nhóm ngành nghề được hỗ trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng. TP.HCM ước tính có gần 27.500 người đủ điều kiện nhận hỗ trợ, trong đó có 6.700 người ngoại tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.