Trong đó, ngành khai khoáng giảm 5,1%, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,1%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,7%, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cụ thể, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng các năm 2012-2020 lần lượt là: 6,3%; 5,4%; 6,5%; 9,8%; 7,2%; 8,2%; 10,8%; 9,5%; 2,2%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung,…
Đánh giá về tình trạng trên, đại diện Bộ Công Thương nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể.
"Dịch bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hợp lý tại một số địa bàn, khu vực có ổ dịch hoặc có khả năng lây nhiễm cao.
Trong khi đó, vẫn duy trì hoạt động kinh tế ở các địa phương khác, không áp dụng giãn cách xã hội trên quy mô lớn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm", đại diện Bộ Công Thương phân tích.
Cũng theo số liệu từ phía Bộ Công Thương, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sản xuất xe có động cơ giảm 14%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%, sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%, sản xuất đồ uống giảm 6,9%, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 5,1%,…
Bên cạnh các ngành giảm, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 14,4%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,3% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,8%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,4%,…
Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bia giảm 14,8%, dầu thô khai thác giảm 13,4%, ô tô giảm 12,5%, khí hóa lỏng (LPG) giảm 12,1%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,2%, vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,4%,…
Trong bức tranh ảm đạm chung của cả ngành công nghiệp, ngành sản xuất sản phẩm điện tử vẫn duy trì được tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tháng 8/2020 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 23,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đạt 31,5 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên môn, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong quý tiếp theo của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
"Hiện nay, Tập đoàn Samsung cũng đã lên kế hoạch và kịch bản ứng phó với tình hình này trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu hệ thống phân phối, đưa ra các chương trình ưu đãi, hỗ trợ vượt trội cho khách hàng trong việc mua bán sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử cũng như các dịch vụ khuyến mại, bảo hành, chăm sóc khách hàng đặc biệt khác nhằm kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm của Samsung", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.