Những năm qua, hoạt động doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả tích cực từ đối thoại, một số doanh nghiệp cho rằng: Còn không ít sở ngành chậm trễ, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đối thoại.
Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19: Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn. Đặc biệt, là các loại hình kinh doanh du lịch, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...
Nắm bắt thực trạng này, 8 tháng năm 2020, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức một số hội nghị, buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp. Đặc biệt, trong và sau đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo những sở ngành liên quan triển khai ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất tỉnh Điện Biên năm 2020 diễn ra ngày 10/7 ông Nguyễn Chí Ba, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: "Từ đầu năm 2020 đến trung tuần tháng 7/2020, toàn tỉnh có 90% doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh, 65% doanh nghiệp giảm doanh thu trên 50%, 30% doanh nghiệp giảm doanh thu từ 30- 35%, chỉ có 5% hoạt động cầm chừng và ổn định".
Trao đổi thêm với ông Nguyễn Chí Ba, được biết: Trước tình hình đó, Hiệp hội đã kiến nghị với UBND tỉnh 5 nhóm ý kiến bao gồm: UBND tỉnh cùng các sở ngành quyết liệt và tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp trong tiếp cận, làm thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ thiệt hại do đại dịch Covid-19. Rút ngắn thủ tục hành chính, các sở ngành cần sâu sát, khắc phục triệt để tình trạng ngâm hồ sơ. Tăng cường công tác phối hợp chấn chỉnh hoạt động, thanh tra, kiểm tra, khắc phục tình trạng chồng chéo, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp. Việc quy hoạch, cấp phép đầu tư khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng đang diễn ra ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành vào cuộc chấn chỉnh sai phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, Các cơ quan chức năng, khảo sát thị trường, định giá và điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng mới phù hợp với quy định của Bộ Xây dựng và phù hợp với đơn giá thực tế trên thị trường. Đề nghị trước khi ban hành đơn giá vật liệu xây dựng, cơ quan có thẩm quyền ra thông báo để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia góp ý kiến, hoàn thiện đơn giá, tránh trường hợp công bố giá thấp hơn thực tế.
Liên quan đến việc quy hoạch, cấp phép đầu tư khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Văn Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại (CPĐTTM) Hưng Long cho hay: Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty CPĐTTM Hưng Long đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền nghiền cát, đá đạt chất lượng theo tiêu chuẩn và áp dụng quy trình sản xuất hợp quy, hợp chuẩn, kiểm tra chất lượng định kỳ theo quy định Nhà nước.
"Nhưng trên công bố giá của liên sở Tài chính và Xây dựng mới đây, liên tục niêm yết giá bán cát nhân tạo của các cơ sở không có dây chuyền, công nghệ sản xuất. Việc này làm lũng đoạn thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến Công ty. Vì vậy Công ty kiến nghị UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và cấp phép không theo quy luật cung cầu của thị trường, không đúng các quy định hiện hành", ông. Hưng bức xúc.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hưng thông tin thêm: Ngoài lần tham gia hội nghị gặp mặt đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên, ông còn được tham gia đối thoại cùng lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở ngành tỉnh thêm 2 lần nữa.
"Song tôi luôn có cảm giác, những kiến nghị của mình chưa được một số sở ngành triển khai nghiêm túc, mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt. Tôi tin rằng: Tình trạng "Trên nóng, dưới lạnh" đã và đang tồn tại trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Hưng phân tích.
Có cùng quan điểm như ông Hưng, ông Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Số 6 cho rằng: "Rào cản lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên chính là thủ tục hành chính (TTHC): Cách làm thiếu chuyên nghiệp, cán bộ thiếu trách nhiệm dẫn đến trì trệ trong thực hiện TTHC… Đã và đang làm tuột cơ hội đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Nội dung này đã được doanh nghiệp kiến nghị với UBND tỉnh nhiều lần. Sau mỗi lần kiến nghị, lãnh đạo UBND tỉnh đều chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao chất lượng cải cách TTHC.
Ông Giang cũng cho rằng mình chưa cảm nhận được thay đổi tích cực của chất lượng cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, cũng như giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày 20/8, ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thành Đô, cho biết: "Để kịp thời khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp về giãn, hoãn thời gian nộp thuế, BHXH, tiền thuê đất. Nhóm giải pháp về tín dụng, nhóm giải pháp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi và minh bạch".
Qua thực tế cho thấy các doanh nghiệp tại tỉnh Điện Biên rất phấn khởi trước những giải pháp của UBND tỉnh, song một số doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng: Để cụ thể hoá được giải pháp do UBND tỉnh Điện Biên đã đề ra thì UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo cũng như đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã và đang diễn ra thời gian vừa qua.