Thủ tướng tham quan triển lãm tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. (Ảnh: VGP)
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức đã chính thức kết thúc với nhiều nút thắt được đại diện khu vực kinh tế tư nhân chỉ ra. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện các Bộ, Ban, ngành đã cùng thảo luận, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp và đưa ra những giải pháp để tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế Việt Nam.
Dân Việt đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Võ Trí Thành và TS. Cấn Văn Lực xung quanh vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn.
10 từ khoá kích hoạt kinh tế tư nhân và thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thưa ông, trong số 4 cụm từ khoá được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho khu vực kinh tế tư nhân là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”, ông ấn tượng nhất với cụm từ nào?
TS. Võ Trí Thành: Tôi ấn tượng nhất với cụm từ “trao cơ hội”. Cụm từ này vừa thể hiện sự đánh giá cao đối với khu vực kinh tế tư nhân, vừa thể hiện nỗ lực cải cách của Chính phủ. Cụ thể, nó là cơ hội sản xuất-kinh doanh mang lại cho tư nhân nhiều hơn và đồng thời phản ánh bản chất của quá trình cải cách, đổi mới ở Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều, nhưng hôm qua, vẫn có một vị đại biểu nhắc tới cụm từ “Trên nóng, dưới lạnh, giữa thờ ơ”. Theo ông, vì sao tình trạng này vẫn tồn trại trong nền kinh tế Việt Nam?
TS. Võ Trí Thành: Thực tế, quá trình cải cách luôn tồn tại khó khăn. Nhận xét “Trên nóng, dưới lạnh, giữa thờ ơ” đúng, nhưng khi tìm hiểu sâu, chúng ta sẽ thấy câu chuyện không chỉ nằm phía dưới hay phía giữa, thậm chí có thể nằm ở phía trên. Ở đây là vấn đề về tư duy của nhà hoạt định chính sách, cải cách bộ máy Nhà nước với những chức năng phù hợp với một nền kinh tế thị trường hội nhập, thưởng-phạt đàng hoàng và công minh.
TS. Võ Trí Thành. (Ảnh: Internet)
Tôi xin đặt ra một vấn đề nhỏ. Đó là người công chức, trong quá trình làm việc, luôn phải đối mặt với sự xung đột giữa một bên là lợi ích riêng tư và một bên là mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, hướng tới sự phát triển. Chúng ta hay đòi hỏi người công chức phải chuyên nghiệp, minh bạch và đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Nhưng có một vấn đề gần đây chúng ta mới thảo luận là hệ thống động lực để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Một vấn đề khác là công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những điều luật pháp không cấm. Vậy dư địa, không gian sáng tạo của công chức nằm ở đâu?
Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bùng nổ hiện nay, còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết. Trong khi đó, mong muốn của chúng ta là đi cùng, đi trước thời đại. Vậy chúng ta có cho phép công chức được phạm sai lầm hay không? Hôm qua, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có dám chấp nhận rủi ro không?”. Rõ ràng, luật pháp đang đi sau, nhưng chúng ta lại mong muốn đất nước vượt lên phía trước.
Tồn tại rất nhiều vấn đề mà chúng ta không chỉ nhận xét một cách máy móc, đơn thuần rằng: “Trên nóng, dưới lạnh, giữa thờ ơ”, cần phải lý giải rõ ràng nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và phương án giải quyết ra sao. Chúng ta phê phán quá nhiều, trong khi bản thân mỗi công chức đều là con người, họ cũng có những sai lầm, thất bại. Ngược lại, chúng ta cũng lập luận rằng: “Không thể vì số ít doanh nghiệp phạm sai lầm mà không thông thoáng với những doanh nghiệp còn lại”. Tôi muốn nói rằng, ngay cả những điều chúng ta tưởng rằng đúng chưa chắc đã đúng và chưa chắc đã đúng hết.
Mọi người đều mong muốn một bộ máy hoạt động minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng chúng ta nên nhìn sâu vào một bộ máy và chức năng của nó trong nền kinh tế thị trường, những xung đột lợi ích có thể xuất hiện bên trong bộ máy, giữa các công chức và hệ thống thưởng-phạt với họ. Những vấn đề này, chúng ta đều cải cách quá chậm.
- Ông đánh giá như thế nào về thông điệp “nền kinh tế phải vỗ bằng hai bàn tay nhà nước và thị trường”?
TS. Võ Trí Thành: Câu chuyện về vai trò, quan hệ giữa Nhà nước và thị trường đã được đề cập từ lâu. Một cực là kinh tế thị trường hoàn toàn tự do, việc làm gì, làm ra sao, làm cho ai đều do thị trường quyết định. Một cực là Nhà nước quyết định mọi thứ, ví dụ như kế hoạch hoá tập trung trước đây. Còn cuộc sống thực tế nằm đâu đó ở giữa hai cực.
Kinh tế học trước đây bàn rất nhiều về vai trò của Nhà nước và thị trường, diễn đạt một cách nôm na là: “Thị trường là hiệu quả, muốn hiệu quả phải rất thị trường”, không có thị trường nửa vời, thị trường phải cạnh tranh theo đúng nghĩa của nó. Song yếu tố hiệu quả và cạnh tranh không thể giải quyết tất cả vấn đề, ví dụ vấn đề xã hội. Và Nhà nước đóng vai trò phân phối để giải quyết vấn đề xã hội.
Trên thực tế, Nhà nước cũng đã gặp thất bại, thị trường cũng có những thất bại riêng. Vậy nên, họ kết”hợp bằng cách “vỗ hai bàn tay”. Nhưng để cân bằng giữa Nhà nước và thị trường, cần bên thứ ba là tổ chức xã hội.
Một điều khác là Nhà nước và thị trường đều “vỗ”, nhưng “vỗ” như thế nào và đâu là lĩnh vực cần “vỗ”? Điều này đòi hỏi những nghiên cứu khoa học sâu, phù hợp với thời đại và đặc điểm phát triển của quốc gia.
Có một điều tôi từng nói nhiều lần: thể chế là khung khổ pháp lý. Bên cạnh việc bịt những lỗ hổng rủi ro thì điều quan trọng là thúc đẩy phát triển. Thế giới năng động, đa dạng, muôn hình muôn vẻ, vượt qua suy nghĩ của những người thông minh nhất. Luật không thể làm hết mọi việc, còn Thế giới linh động hơn rất nhiều. Nếu chỉ tập trung đi bịt lỗ hổng thì mãi mãi chúng ta không thể bịt hết, lại không thể phát triển được. Thay vào đó, nên tập trung phát triển để cái tốt lấn át cái xấu và chấp nhận rủi ro trong quá trình phát triển vì còn rất nhiều điều Việt Nam và thế giới chưa biết.
Đây rõ ràng là bài toán khó với Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân
- Thưa ông, ông Trương Gia Bình đã thẳng thắn đề xuất Chính phủ “giao việc” cho tư nhân làm nhiều hơn. Ví dụ giao tư nhân làm dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam chỉ mất 10 năm thay vì 30 năm. Động thái này nói lên điều gì?
TS. Cấn Văn Lực: Đây là một tín hiệu tốt, thể hiện một số doanh nghiệp tư nhấn lớn đã chủ động, sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm, tham gia vào công việc lớn của đất nước. Điều này cũng được thể hiện thông qua cụm những từ khoá Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho khu vực kinh tế tư nhân, đó là “khích lệ” và “trao cơ hội”.
TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: Internet)
Kinh tế tư nhân đang chứng tỏ mình năng động hơn, hiệu quả hơn và quyết liệt hơn trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, giúp giảm sự trì trệ khối kinh tế Nhà nước. Và việc khối kinh tế nhà nước nên nhường sân chơi cho kinh tế tư nhân đáng lẽ cần được thực hiện từ lâu.
Song tôi cũng cho rằng, đối với những công trình, dự án lớn, mang tầm quốc gia, trước hết cần có đánh giá khách quan, độc lập về năng lực tự thân, năng lực kết nối, huy động nguồn lực của doanh nghiệp.
- Cảm nhận của cá nhân ông về Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019?
TS. Cấn Văn Lực: Diễn đàn đã diễn ra thành công, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Qua cảm nhận một số đại biểu, đây là diễn đàn về kinh tế tư nhân có quy mô lần nhất từ trước tới nay, thu hút sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhiều Bộ ngành, địa phương. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đã trở thành nơi hỏi-đáp, hiến kế một số giải pháp quan trọng. Đồng thời, trở thành không gian kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhưng điều tôi quan tâm là sau đây, chúng ta sẽ làm gì để Nghị quyết 10 và những hiến kế, giải pháp đã được đề ra đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn hai ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.