Trước tác động của dịch Covid-19, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo đó, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là 630.239,9 tỷ đồng (gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 97.017,2 tỷ đồng, kế hoạch vốn nguồn NSNN năm 2020 là 533.222 tỷ đồng và kế hoạch vốn địa phương giao bổ sung 55.329,6 tỷ đồng). Con số này cao gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến hết tháng 8/2020, gói đầu tư công từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân được 221.700 tỷ đồng, đạt 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%). Đây là chỉ số giải ngân cao nhất của cả giai đoạn 2016 - 2020.
Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, tốc độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ còn tăng mạnh. Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cùng với việc 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, dự kiến việc giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm sẽ tăng 25 - 30% (250.000 - 280.000 tỷ đồng).
Cũng có quan điểm tương tự, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) cũng nhận định tiến độ giải ngân sẽ được đẩy mạnh vào nửa cuối năm 2020 và năm 2021.
Trong khi đó, các bộ ngành cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chẳng hạn, Bộ Giao thông và Vận tải cho biết trong những tháng cuối năm sẽ tập trung vào các dự án đường bộ cao tốc, đặt mục tiêu đạt 85% kế hoạch giải ngân đến tháng 11 và hoàn thành 100% kế hoạch vào cuối năm.
Về phía Bộ Xây dựng, đơn vị này cũng đang đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để nhanh chóng thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án như sân bay Long Thành, Metro 2, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông…
Hòa Phát kỳ vọng chiếm "miếng bánh" lớn?
Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và ước tính, chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng. Trước dự báo khả quan này, nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành trên đã đưa ra kỳ vọng tăng trưởng hết sức khả quan trong năm 2020.
Chẳng hạn, "vua thép" Hòa Phát (HPG) năm 2020 đặt kế hoạch doanh thu 86.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với số thực hiện của năm trước. Kế hoạch đầy tham vọng này của DN hoàn toàn có cơ sở khi dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với khó khăn chung của ngành thép (sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 7 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là 6,9% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2019), nhưng Hòa Phát đang gia tăng được thị phần.
Cụ thể, theo dữ liệu từ SSI Research (Công ty CP Chứng khoán SSI), trong khi hầu hết các công ty sản xuất khác đều có sản lượng tiêu thụ giảm khoảng từ 10-20% thì sản lượng tiêu của Hòa Phát tăng 12% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020. Đồng thời, thị phần của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm 2020 ở mảng thép xây dựng chiếm 31% (cùng kỳ chỉ ở mức 25%).
Còn theo số liệu mới nhất, 8 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt sản lượng 3,2 triệu tấn thép; trong đó, thép xây dựng thành phẩm trên 2,1 triệu tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ, còn lại là phôi thép. Ngoài ra, Hòa Phát cũng đã ký hợp đồng bán 1,5 triệu tấn phôi thép cho thị trường trong và ngoài nước, giao hàng tới tháng 11.
"Nhiều dự án cao tốc chính đã được chuyển từ hình thức PPP (đối tác công tư) sang đầu tư công, và các dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, Metro 2, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ… trong thời gian tới sẽ là động lực chính hỗ trợ cho các nhóm ngành vật liệu xây dựng, trong đó Hòa Phát dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ các dự án này", một chuyên gia phân tích đến từ Chứng khoán SSI, bình luận.
Lý giải thêm về nhận định trên, chuyên gia này nói thêm, Hòa Phát có nhiều điểm thuận lợi so với nhiều DN ngành thép khác là hàng loạt các dự án đầu tư công trên cả nước thời gian qua đã sử dụng thép Hòa Phát như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Cát Bi (Hải Phòng)…
Không được nhắc tới trong "sóng" đầu tư công nhưng Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng có một kết quả kinh doanh ấn tượng trong mùa dịch Covid-19. Cụ thể, kết thúc quý 2/2020 (cũng là quý 3 theo niên độ tài chính của Hoa Sen), DN nhà ông Lê Phước Vũ vẫn lãi sau thuế hơn 318 tỷ đồng, tăng tới 500% so với quý trước (quý 1/2020, DN chỉ lãi hơn 53 tỷ đồng).
Một số DN tên tuổi khác ngành thép thì lại không có kết quả kinh doanh khả quan như vậy. Tại Thép Việt Ý (VIS), dù đây là quý kinh doanh có lãi đầu tiên của công ty sau 8 quý liên tiếp báo lỗ, song tính chung 6 tháng đầu năm 2020, Thép Việt Ý vẫn ghi nhận lỗ hơn 16 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2020 của công ty là 561 tỷ đồng.
Với Pomina (POM), trong quý 2, DN này báo lỗ hơn 88 tỷ đồng và đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp công ty báo lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 166 tỷ đồng. Trong đó nửa đầu năm 2020, DN này cũng đã lỗ 144 tỷ đồng…