Dân Việt

Vụ Red Bull bị tẩy chay: Điểm lại những lần người dân "quay lưng" với sản phẩm gây rúng động thị trường Việt

Quang Dân 11/09/2020 08:57 GMT+7
Bức xúc với một số doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt từng thực hiện nhiều cuộc tẩy chay thương hiệu rúng động thị trường như CocaCola, BigC, Vedan...

Mới đây, thương hiệu Red Bull bị người Thái kêu gọi tẩy chay toàn cầu do nhãn hàng này đang trở thành một biểu tượng bất bình đẳng tại Thái. Câu chuyện bắt nguồn từ việc cháu trai nhà sáng lập bị buộc tội có liên quan tới một vụ tai nạn giao thông làm chết một viên cảnh sát từ 8 năm trước, nhưng chỉ bị tạm giữ vài ngày, mới đây được tuyên bố xóa bỏ mọi cáo buộc.

Điều này khiến người dân phẫn nộ, cho rằng chính phủ đã có sự đối xử "đặc biệt" với tầng lớp siêu giàu tại Thái. Hashtag #BoycottRedBull lan rộng trên mạng xã hội kể từ khi tuyên bố trên được đưa ra tới nay.

Trên thế giới, không ít doanh nghiệp đã từng "nếm mùi" bị cộng đồng tẩy chay. Tại Việt Nam, khoảng vài năm gần đây, người dân cũng ý thức được nhiều hơn về quyền từ chối mua của mình với doanh nghiệp. Họ kêu gọi việc tẩy chay sản phẩm khi phát hiện một doanh nghiệp có hành vi không tốt với sức khỏe cộng đồng, môi trường, xã hội.

Vụ Red Bull bị tẩy chay: Điểm lại những lần người dân "quay lưng" hàng hóa rúng động thị trường Việt - Ảnh 1.

Co Coca-Cola từng bị tẩy chay vì dính nghi án chuyển giá, trốn thuế

CocaCola từng bị tẩy chay vì dính nghi án chuyển giá, trốn thuế

Những ngày đầu năm 2020, thông tin về kết quả truy thu hơn 820 tỷ đồng tiền thuế, phạt và tiền chậm nộp với Coca-Cola Việt Nam đã khiến nhiều người Việt bức xúc cho biết, sẽ “nghỉ chơi” với loại đồ uống có ga này.

Trên các diễn đàn, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ bức xúc về việc DN này hoạt động 2 thập kỷ tại Việt Nam, kinh doanh trên đất nước Việt Nam và đươc hưởng nhiều ưu đãi từ nước sở tại nhưng “quên” đóng thuế là hành động khó chấp nhận.

Facebook Mai Ngọc cho hay, sẽ nghỉ uống Cocacola dù đây là loại đồ uống cô đã yêu thích nhưng thái độ suốt ngày kêu lỗ và giờ bị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế khiến cô cảm thấy, cần phải tẩy chay loại đồ uống này. Tương tự, Facebook Dinh Thang đặt câu hỏi trong một diễn đàn: “Liệu bạn đang uống Cocacola hay Cocacola đang uống chính bạn?”.

Đây không phải là lần đầu tiên Coca-Cola Việt Nam bị nhiều người Việt quay lưng và kêu gọi tẩy chay. Trước đây, DN từng bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Thông tin trên đã gây ra một làn sóng phản đối trong dư luận Việt và tẩy chay thương hiệu Coca-Cola.

Dân mạng đồng loạt tẩy chay siêu thị Big C vì ngừng nhập hàng Việt

Tháng 7/2019, thông tin siêu thị Big C ngừng nhập các mặt hàng dệt may của doanh nghiệp Việt Nam đã khiến cộng đồng mạng dấy lên làn sóng chỉ trích, kêu gọi cùng tẩy chay chuỗi siêu thị này để ủng hộ hàng Việt Nam.

Nguồn cơn xuất phát từ một bức thư được cho là của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) gửi cho các đối tác tại Việt Nam cung cấp hàng hoá cho hệ thống siêu thị Big C của tập đoàn này. Theo thông báo, Big C sẽ tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam..

Lý giải cho động thái này, thông báo Tập đoàn Central Group cho rằng, đây là việc làm nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Trước thông tin trên, các dân mạng đòi tẩy chay siêu thị Big C vì "kì thị" hàng dệt may Việt Nam.

Trước sức ép của dư luận, đại diện Big C đã lên tiếng cho rằng, đây chỉ là kế hoạch tạm thời, trong thời gian khoảng 2 tuần chứ không phải là dừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, đây là chiêu "trở mặt" được dự đoán từ trước của thương hiệu này.

Tẩy chay Công ty Vedan vì "giết" sông Thị Vải

Cách đây hơn 10 năm, Vedan đã chịu sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng vì không tuân thủ các quy định về môi trường, xả thải gây ô nhiễm nặng nề sông Thị Vải, ảnh hưởng tới sức khỏe, nguồn sống của nhiều hộ dân.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường công bố các vi phạm của Vedan. Theo thống kê, bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông Thị Vải. Tại khu vực này, nước sông bị ô nhiễm nặng nề, nước có màu đen hôi, cá chết hàng loạt...

Giữa năm 2010, hàng loạt siêu thị, chợ và người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay các sản phẩm của Công ty Vedan. Lý do là vì công ty này đầu độc môi trường và không chịu bồi thường cho người dân.

Sau đó, Vedan đã cam kết bồi thường 100% thiệt hại ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM với số tiền gần 220 tỷ đồng. Cụ thể, người dân Đồng Nai nhận gần 120 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu nhận hơn 53,6 tỷ đồng và TP HCM nhận hơn 45,7 tỷ đồng.