Dân Việt

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị quan tâm đến quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi

P.V 16/09/2020 19:13 GMT+7
Là đại biểu Quốc hội, đã có nhiều đóng góp xây dựng Luật Chăn nuôi, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành chăn nuôi.

Phát biểu tại hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 15/9, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam cũng như quốc tế, phù hợp với các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi.

Đặc biệt là phù hợp với Luật Chăn nuôi cũng như các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi và chiến lược phát triển kinh tế của đất nước nói chung.

Chiến lược đảm bảo tính kế thừa nhưng có rất nhiều điểm đột phá để đáp ứng đòi hỏi của ngành chăn nuôi trong bối cảnh và thách thức mới.

GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị quan tâm đến quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cũng khẳng định tính cấp thiết và không thể chậm trễ của việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi vì ngành chăn nuôi rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Dư địa phát triển chăn nuôi, lợi ích kinh tế chăn nuôi còn rất lớn và lớn hơn so với các ngành thuộc khối nông nghiệp. 

Ngành chăn nuôi đã và đang thay đổi căn bản từ chăn nuôi tận dụng, nông hộ, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, hàng hóa, cạnh tranh, Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ tháng 1/2020, chính vì vậy định hướng, điều kiện và quản lý chăn nuôi cũng cần thay đổi. 

GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, Dự thảo Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể và có định lượng rõ ràng. Tuy nhiên cần làm rõ cơ sở khoa học/căn cứ nào để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đến năm 2025 xây được ít nhất 10 vùng cấp huyện và đến năm 2030 được ít nhất 20 vùng cấp huyện.

"Tôi đánh giá cao định hướng phát triển chăn nuôi trong Dự thảo. Định hướng tập trung vào 3 trụ cốt chính: Kinh tế, môi trường, an ninh, đảm bảo cơ cấu ngành hàng áp dụng công nghệ mới, hướng tới thị trường xuất khẩu. Áp dụng triệt để mô hình kinh tế tuần hoàn để đảm bảo môi trường bền vững và tăng giá trị phát triển kinh tế" - GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.

GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị quan tâm đến quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Thị Lan trong một giờ giảng dạy của sinh viên ngành thú y.

Cũng theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự thảo Chiến lược đã đưa ra các giải pháp khá toàn diện, đồng bộ và có tính khả thi cao, khắc phục nhưng hạn chế, khó khăn và đang gặp phải.

Các nhóm giải pháp bao gồm cả về chính sách, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, chất lượng giống, thức ăn, chế biết giết mổ, phòng chống dịch bệnh, gắn với yếu tố thị trường, đặc biệt chú trọng các vấn đề then chốt là nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, năng lực quản trị ngành, chú trọng dự báo thị trường.

Dự thảo Chiến lược cũng đã đưa ra 05 đề án ưu tiên sát thực phù hợp với thực tiễn và có tính hiệu quả cao. Các đề án có thể giải quyết vấn đề chăn nuôi theo hệ thống chuỗi từ khâu giống, thức ăn, chuồng trại, xử lý chất thải môi trường, giết mổ chế biến, thị trường áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.

"Tuy nhiên trong các giải pháp thực hiện chiến lược, nếu bổ sung và làm tốt vấn đề quy hoạch tổng thể (bao gồm cả về khu vực chăn nuôi, quy mô chăn nuôi, quy hoạch về nguồn lực, công nghệ gắn dự báo thị trường…) thì hiệu quả chăn nuôi sẽ cao và phát triển bền vững hơn. Vì vậy theo tôi, chúng ta cần quan tâm chú trọng đến vấn đề quy hoạch tổng thể trong chăn nuôi" - GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực thực hiện để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.