Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp là gì?

Minh Huệ - Anh Thơ (ghi) Thứ ba, ngày 15/09/2020 20:42 PM (GMT+7)
"Trong 3 khâu quan trọng của sản xuất nông nghiệp thì chúng ta mới làm tốt khâu tổ chức sản xuất, còn chế biến, thương mại chưa đồng bộ, chưa tốt ở tất cả các mũi hàng lớn. Điều đó dẫn đến chuyện thi thoảng lại phải giải cứu" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ điểm yếu của ngành khi trao đổi với báo chí.
Bình luận 0
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp là gì? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trao đổi với báo chí về Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 và những tồn tại, nút thắt của ngành. Ảnh: Trọng Hiếu

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018 đã có những thành công nhất định, tuy nhiên đâu đó vẫn có lúc chúng ta phải kêu gọi "giải cứu" thịt lợn, trứng vịt, thịt gà... Tồn tại này là do đâu thưa Bộ trưởng?  

- Trong 3 khâu quan trọng của tổ chức sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó có chăn nuôi nói riêng thì chúng ta mới làm tốt khâu tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, còn chế biến, thương mại thì chưa đồng bộ, chưa tốt ở tất cả các mũi hàng lớn. Sản xuất phát triển nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp, giá cả tiêu thụ bấp bênh, tăng lên một tí thì thừa mà co lại thì thiếu.

Vì vậy, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn mới, tới đây chúng ta phải giải quyết được nút thắt này. Muốn vậy phải tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, liên hoàn khép kín chuỗi từ sản xuất, chế biến tới thương mại.

Trong đó thương mại phải tấn công cả 2 mũi nội địa và xuất khẩu. Lấy thị trường xuất khẩu làm động lực và áp lực thúc đẩy sản xuất nông sản.

Cái này không chỉ riêng một ngành hàng nào trong lĩnh vực chăn nuôi, mà ngành nào cũng vậy thôi. Đó là nguyên tắc của tổ chức sản xuất, tạo bước phát triển nhanh nhưng bền vững, hiệu quả. 

Việt Nam không có nhiều đất đai rộng lớn để tăng hơn nữa về quy mô, sản lượng, chỉ có cách đầu tư chất lượng. Cụ thể là xây dựng chuỗi giá trị dài hơn, liên hoàn, chú trọng chế biến, thương mại…

Hiệp định EVFTA cũng như nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đang tạo ra rất nhiều thuận lợi cho sản phẩm chăn nuôi, nhưng thách thức cũng không ít, ngay cả với thị trường nội địa. Vậy chúng ta sẽ tháo gỡ thách thức khó khăn thế nào? Làm thế nào để chiến lược phát triển chăn nuôi tạo đột phá cho phát triển ngành?

- Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn tới là thúc đẩy lên giai đoạn cao hơn, trong đó có nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu, nhằm 2 mục đích: Tăng giá trị sản xuất nông sản Việt Nam, song song đó là hoàn thiện thể chế. Bởi muốn xuất khẩu được thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, có đẳng cấp về quản trị. Việc này khó nhưng chúng ta buộc phải nâng cao, hoàn thiện tất cả các công đoạn sản xuất. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp là gì? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại gà đẻ trứng của Tập đoàn Hùng Nhơn tại Bình Phước. Ảnh: T.L

Cơ sở nào để chúng ta thực hiện được các tiêu chuẩn đó? 

- Đó là thời gian qua chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đáp ứng cho việc hội nhập này. Tới đây, trong tháng 10 chúng ta sẽ khánh thành nhà máy xuất khẩu thịt gà công suất 100 triệu con. Để có nhà máy này, phải có chuỗi đi kèm gồm 5 tổ hợp nhà máy sản xuất trứng, con giống, thức ăn, khu vực chăn nuôi của người dân, nhà máy chế biến và nhà máy phân bón hữu cơ. 

Cùng với đó là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tổ chức xúc tiến thương mại tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu…

Ví dụ như đối với sản phẩm sữa, đang còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển tốt. Hiện nay sản lượng sữa của Việt Nam mới đạt 1 triệu tấn, bình quân tiêu thụ sữa trên đầu người mới đạt 20kg/năm, trong khi thế giới là 80kg/người/năm. 

Thành công nhất của ngành sữa trong thời gian qua là các doanh nghiệp đã mở được nhiều thị trường khắt khe như Mỹ, Hàn Quốc... Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường lớn, 1 năm tiêu thụ tới 120 tỉ USD tiền sữa mà chúng ta cũng đã vào được chính ngạch.

Hiện đàn bò sữa cả nước đạt 400.000 con, năng suất sản lượng sữa rất khá. Đó là những cơ sở để chúng ta xây dựng một chiến lược mới bắt nguồn từ thực tiễn, từ khát vọng.

Miễn sao, chương trình hành động phải đồng bộ từ khu vực Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân. Tất cả thành phần kinh tế cùng đồng hành với quyết tam cao nhất, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng bức tranh nông nghiệp chung.

Từ nay tới cuối năm, Bộ NNPTNT có những hoạt động nào để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra của năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19? 

- Để đảm bảo mục tiêu chung không chỉ cho năm 2020 mà cả thời gian tới, bên cạnh 2 chương trình lớn mà Bộ NNPTNT đang triển khai là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp thì Bộ cũng thúc đẩy hàng loạt chương trình khác. Sắp tới sẽ có 10-12 dự án lớn được khánh thành, khởi công.

Trong đó Bộ tập trung nhiều vào cái yếu nhất hiện nay là chế biến nông sản. Đó là khánh thành dự án nhà máy chế biến 1,4 triệu con lợn; khánh thành nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản. Dự án này cũng chính là 1 chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam, thể hiện mục tiêu "win-win" trong hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam. 

Tiếp đó là khánh thành nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu có công suất lớn nhất tại Bình Phước; khởi công nhà máy chế biến rau quả, chế biến dược liệu tại Sơn La.

Đặc biệt, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk, cùng với đó sẽ đánh giá lại 5 năm phát triển cây mắc ca; khởi công một dự án phát triển đàn lợn ứng dụng công nghệ cao lớn nhất tại Tây Nguyên. Đây cũng là dự án xây dựng đàn lợn giống hạt nhân, nhập khẩu đàn lợn cụ kị, ông bà từ châu Âu nhằm phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi trong dài hạn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem