Nông dân trồng rau xanh "khóc ròng"
Đập vào mắt người xem khi đến thăm những vườn rau sạch tại TP Đà Nẵng những ngày này, là màu rau cỏ cháy, màu đất bạc trơ trụi và lác đác những màu xanh của rau quả. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến những ruộng rau sạch chậm phát triển, thiếu nước cây chết, thậm chí bỏ hoang.
Ghi nhận tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ), nông dân bỏ canh tác hàng chục thửa ruộng vì đất nhiễm mặn, nhiễm phèn. Nhiều giếng khoan nước được khơi dòng phục vụ tưới tiêu, nhưng vì độ nhiễm mặn cao khiến nước tưới đến đâu cây chết đến đó.
Một nông dân tại HTX than thở: "Tôi có tổng diện tích 1ha đất canh tác tại vườn rau La Hường, nhưng mùa này chỉ cày xới trồng vài sào rau sạch. Trời đã nắng hạn kéo dài, lại gặp nguồn nước tưới nhiễm mặn, tưới lên cây thì muối nổi lên trắng xóa. Ngày nào tôi cũng hì hục với máy bơm nước, nhưng tưới cầm chừng vậy thôi chứ không cây nào sống nổi".
May mắn hơn nhiều nông dân khác, ông Toàn có hơn 6 sào mướp được trồng trên đất cát pha, độ nhiễm phèn thấp nên giàn cây vẫn trĩu trái.
Những tưởng vụ này sẽ bội thu, nhưng giá rau quả giảm mạnh khiến vợ chồng ông buồn rầu: "Thời gian người dân tạm dừng mọi công việc vì dịch Covid-19 khá dài, nên đa phần họ đã quen với nếp sống "cây nhà lá vườn", tự sản xuất rau theo quy mô hộ gia đình. Đồng thời, nguồn hàng từ các vựa rau lớn ở tỉnh Quảng Nam được nhập vào chợ đầu mối, các chợ truyền thống nên rau tại địa phương bán chậm hơn, giá tại vườn giảm mạnh từ 3.000-5.000 đồng/kg".
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX rau sạch La Hường cho biết: "Hiện tại đang vào cuối mùa, nên HTX chỉ thu mua khoảng 20-30% sản lượng, cung cấp cho các đầu mối 3 tạ rau củ quả mỗi ngày, còn lại đa số bà con tự tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn. Do thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm nguồn nước và đất nhiễm mặn cao nên sản lượng giảm mạnh, bà con bỏ đất trống nhiều. Hi vọng vụ đông sắp tới sẽ giải quyết được tình trạng canh tác khó khăn của nông dân trồng rau tại La Hường".
10 ngàn đồng 3 bó rau to bự mà vẫn ế
Tại vườn rau sạch của HTX Túy Loan (huyện Hòa Vang), rất nhiều nông dân đang "khóc ròng" vì giá rau xanh giảm sâu, thậm chí thương lái không thu mua. Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, hoạt động buôn bán tại chợ vẫn tuân theo quy định ba ngày đi chợ một lần khiến hàng hóa bán chậm.
Bà Nguyễn Thị Phước (64 tuổi, trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vừa bó hành lá vừa tâm sự: "Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến ruộng rau kém phát triển, sâu bệnh, cỏ dại cứ chi chít mọc lên. Ngày nào tôi cũng ra chăm nôm ruộng rau tỉ mỉ, tưới nước ngày đêm, mong có cái để bán mưu sinh.
Thế nhưng, gần một tuần nay rau bán rất rẻ, mười nghìn ba đến bốn bó, không ai mua nên tôi cũng không thu hoạch. Bởi vì phần đông người dân nghỉ dịch ở nhà nên tự trồng rau để ăn, dân công sở cũng có vườn rau nhỏ tại nhà nên người đến chợ mua rau ít, tiêu thụ chậm, nông dân mùa này "đói quá trời".
Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau sạch Túy Loan cho biết, mỗi ngày HTX thu mua hơn 1 tấn rau quả của các xã viên để sơ chế, cung cấp sản phẩm sạch bày bán tại các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, HTX chỉ giải quyết một phần sản lượng rau của nông dân vì tình hình tiêu thụ hiện nay yếu, bà con tự bán hàng cho các thương lái hoặc đem bán tại chợ nhưng cũng không được nhiều.
Cắt vài bó rau muống năn nỉ thương lái thu mua, bà Đặng Thị Tiện (65 tuổi) chua xót: "Rau lang, rau muống, rau dền, rau gì cũng 10 ngàn 3-4 bó rõ to, trồng được cải ngọt thì may ra bán được 4.000 đồng/bó. Nắng nóng làm ra cọng rau sạch đã khó, mà nay để bán được càng khó hơn. Mùa dịch này tôi phải dậy từ 2-3 giờ sáng để được vào chợ Túy Loan bán rau, ngồi nài nỉ bán được năm, sáu bó lời lãi được mấy đồng bạc đâu, khổ lắm".
Theo ghi nhận, giá rau quả tại các vườn rau trên địa bàn TP Đà Nẵng tuy sụt giảm sản lượng, giá giảm so với trước từ 2.000-5.000 đồng/kg (hoặc bó), nhưng hàng rau tại các chợ vẫn giữ giá như trước hoặc tăng nhẹ.