Dân Việt

Thái Bình: Ở nơi này, nông dân làm giàu nhờ trồng cây đào

Thu Hà 18/09/2020 06:00 GMT+7
Từ một vài hộ nhỏ lẻ trồng đào ban đầu, nhưng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân (ND), bà con nông dân phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã liên kết cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật ghép gốc đào rừng với mắt đào phai, đào bích.

Từ đó nâng cao giá trị kinh tế cùng một đơn vị diện tích. Trung bình 1 sào trồng đào bà con nơi đây có thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Nhiều hộ trồng đào có thu nhập cao

Tổ hợp tác (THT) sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát, phường Hoàng Diệu được Hội ND thành lập từ năm 2016 với 99 thành viên, đến nay đã thu hút 115 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng đào hơn 12ha.

Ông Vũ Đình Khởi - Tổ trưởng THT sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát chia sẻ: Để hỗ trợ các thành viên, ngay sau khi thành lập THT, Hội ND tỉnh đã giải ngân 300 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 10 thành viên trong tổ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện, trong THT có nhiều thành viên trồng đào với quy mô lớn từ 400 - 500 gốc đào rừng, đào cổ và hàng trăm gốc đào phai.

Nông dân quê lúa làm giàu với cây đào - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN thăm và đánh giá cao hiệu quả THT trồng đào Sa Cát, phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình. Ảnh: Thu Hà

Thời gian tới, Hội ND phường Hoàng Diệu sẽ phối hợp các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây đào, các loại hoa, cây cảnh khác; đồng thời tổ chức cho hội viên nông dân đi tham quan những mô hình trồng đào hiệu quả để nâng cao giá trị của cây đào trên đất Hoàng Diệu.

Theo ông Khởi, thuận lợi nhất với các hộ trồng đào ở Hoàng Diệu là chất đất ở đây đặc biệt thích hợp để trồng loại cây này. Nụ hoa và cánh hoa đào phát triển đều, đẹp và to hơn trồng ở những nơi khác. Đặc biệt, tham gia THT các hộ đã biết liên kết, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật ghép gốc đào rừng với mắt đào phai, đào bích. Từ đó nâng cao giá trị kinh tế cùng một đơn vị diện tích. Trung bình 1 sào trồng đào bà con ở phường Hoàng Diệu có thu nhập 150 triệu đồng/năm.

"Hiện nay, THT có hơn 38.000 cây đào cảnh, gần 7.000 cây đào rừng, hơn 42.000 cây đào giống, hơn 14.000 cây quất cảnh, hàng nghìn cây ăn quả, cây bóng mát. Đây là những con số biết nói, minh chứng rõ nhất về sự khởi sắc của làng đào Sa Cát, sự năng động, sáng tạo của từng thành viên trong tổ hợp tác trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình"- ông Khởi khẳng định.

Liên kết tạo sự mới mẻ, độc đáo

Hộ gia đình anh Vũ Đình Phiên là 1 trong nhiều thành viên trong THT có thu nhập cao từ trồng đào. Anh Phiên cho biết: Từ diện tích trồng lúa năng suất kém, gia đình anh đã cải tạo để tập trung phát triển kinh tế từ nghề trồng đào cảnh. Với diện tích vườn đào rộng 2.200m2, hiện nay, gia đình anh Phiên trồng 500 cây đào cảnh, 120 cây đào rừng với đủ chủng loại như đào bích, đào phai… được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tết Nguyên đán hàng năm, đào cảnh của gia đình anh không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh mà còn có nhiều thương lái đến thu mua mang đi phục vụ thị trường trong cả nước. Từ trồng đào cảnh, mỗi năm gia đình anh Phiên thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng.

Bên cạnh những dáng cây cổ truyền, anh Phiên và các thành viên THT sản xuất tiêu thụ cây đào cảnh Sa Cát thường xuyên giao lưu, trao đổi, truyền cho nhau kinh nghiệm để tạo ra những cây đào với thế lạ, kiểu dáng độc đáo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi đào. Ngoài ra, hiện nay, các thành viên trong THT còn nhân giống và phát triển một số loài hoa lan để ghép bám vào gốc, cành đào, tạo sự độc đáo, mới mẻ cho cây, thu hút người mua. "Thời gian tới, chúng tôi còn thử nghiệm ghép cành đào để có thể tạo ra cây đào vừa có hoa vừa có quả bán ra thị trường đúng dịp tết cổ truyền dân tộc để nâng cao giá trị của cây đào" - anh Phiên thông tin.

Ông Trần Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội ND phường Hoàng Diệu đánh giá: Hiệu quả từ việc trồng đào của các thành viên THT đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của phường. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các thành viên THT còn tạo việc làm cho nhiều hội viên, nông dân khác. Nhờ vậy, đời sống của hội viên ngày càng được cải thiện và nâng lên. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được phương tiện đi lại thuận lợi, tích cực tham gia hiến đất, làm đường giao thông, tham gia xây dựng đô thị văn minh.