Dân Việt

Thế Giới Di Động đặt cược vào Bách Hóa Xanh, đưa điện máy về vùng sâu, vùng xa

Phúc Minh 22/09/2020 16:42 GMT+7
Tháng 8, Bách Hóa Xanh đóng góp gần 2.000 tỷ đồng cho Thế Giới Di Động. Đây là mức doanh số tháng cao nhất từ trước đến nay. "Ông lớn" bán lẻ này cũng muốn mang cửa hàng điện máy siêu nhỏ về vùng sâu, vùng xa.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2020, doanh thu đạt hơn 8.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 325 tỷ, đi ngang so với tháng 7 và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của TGDĐ đạt 72.970 tỷ đồng, tăng 6% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 1% so với cùng kỳ, còn 2.679 tỷ đồng. Kết quả này giúp TGDĐ hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý, cập nhật về tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 2, TGDĐ cho biết trong tháng 8, có hơn 180 cửa hàng điện thoại và điện máy phải đóng cửa hoặc bị giới hạn về số lượng khách. Tuy nhiên, kết quả hoạt động vẫn khả quan nhờ chuỗi "em út" Bách Hóa Xanh.

Bách Hóa Xanh lần đầu mang về gần 2.000 tỷ/tháng

Tháng 8, chuỗi Bách Hóa Xanh chỉ tăng thêm 34 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán lên 1.595 tại thời điểm 31/08/2020. Theo TGDĐ, việc này nhằm chủ động điều chỉnh tốc độ mở mới để tập trung tăng doanh số của các cửa hàng hiện hữu.

Thế Giới Di Động đặt cược vào Bách Hóa Xanh, đưa điện máy về vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1.

Tháng 8, Bách Hoá Xanh mang về gần 2.000 tỷ đồng doanh thu. Ảnh: Phúc Minh.

"Mặc dù có số lượng cửa hàng mở mới trong tháng thấp nhất kể từ tháng 3/2020, Bách Hóa Xanh đã đóng góp hơn 1.980 tỷ đồng cho MWG trong tháng 8 và đây cũng là mức doanh số tháng cao nhất từ trước đến nay của chuỗi này", TGDĐ cho biết. So với cùng kỳ, Bách Hóa Xanh đã tăng trưởng đến 88%.

Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng đạt hơn 1,2 tỷ đồng trong tháng 8. Đây là tháng thứ hai liên tiếp mức doanh thu bình quân của chuỗi Bách Hóa Xanh tăng trưởng trở lại từ mức 1,1 tỷ đồng trong tháng 6.

Theo loại cửa hàng, chuỗi có 277 cửa hàng diện tích từ 300m2 trở lên (bao gồm mô hình 3 tỷ và 5 tỷ - tức cửa hàng được kỳ vọng mạng lại doanh thu 3-5 tỷ/tháng), chiếm 17% tổng số cửa hàng. 

Tính đến cuối tháng 8, số lượng cửa hàng 5 tỷ đã lên con số 25, hiện diện tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, và Bến Tre. Các cửa hàng này ghi nhận mức doanh thu bình quân trong tháng 8 là 4 tỷ đồng/cửa hàng, tăng trung bình khoảng 50% so với tháng liền trước chuyển đổi. Cá biệt, có cửa hàng đạt doanh số hơn 5,5 tỷ đồng.

Với định hướng các cửa hàng Bách Hóa Xanh 5 tỷ sẽ chia sẻ mặt bằng với nhà thuốc An Khang như CEO TGDĐ Trần Kinh Doanh tiết lộ, đến nay đã có 6 cửa hàng "mẹ bồng con" này. TGDĐ dự tính sẽ tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới để nhân rộng chuỗi nhà thuốc An Khang.

Đưa cửa hàng siêu nhỏ về vùng sâu, vùng xa

Về chuỗi điện thoại và điện máy, TGDĐ cho biết lũy kế doanh thu 8 tháng năm, nhóm sản phẩm gia dụng và điện lạnh tiếp tục tăng trưởng dương, máy tính xách tay mang về gần 2.200 tỷ đồng (tăng 58%).

Nhóm sản phẩm đồng hồ bán ra 600.000 chiếc, tổng doanh số xấp xỉ 900 tỷ đồng.

TGDĐ nhận định dù vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng lũy kế âm, kết quả kinh doanh của nhóm sản phẩm điện tử và điện thoại trong tháng 8 đã khả quan hơn so với các tháng trước. Nguyên nhân do tập đoàn tiếp tục mở rộng các cửa hàng Điện Máy Xanh mini/supermini và triển khai bán hàng thành công cho các sản phẩm mới ra mắt.

TGDĐ đã thử nghiệm mô hình cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ này cách đây vài tháng. Ban lãnh đạo nhận định mang về kết quả tích cực nên đã nâng số lượng điểm bán của chuỗi Điện Máy Xanh supermini từ 9 điểm bán cuối tháng 7/2020 lên 19 cửa hàng cuối tháng 8, tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và Hậu Giang.

Dù chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng Điện Máy Xanh supermini đã đóng góp cho MWG gần 40 tỷ đồng doanh thu lũy kế tính đến cuối tháng 8 (trung bình mỗi cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/tháng). 

"Từ tháng 9 trở đi, Điện Máy Xanh supermini sẽ đẩy nhanh tiến độ mở rộng để khai thác nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng tốt tại các huyện, xã, thị trấn vùng sâu vùng xa", TGDĐ cho biết. Đây được xem là một chiến lược mới của TGDĐ khi nhu cầu về hàng điện máy, điện tử ở nông thôn vẫn rất cao nhưng chưa có doanh nghiệp lớn nào nhảy vào.