Được sự dẫn đường của cán bộ Hội nông dân (ND) thành phố Hà Giang, PV Báo điện tử DANVIET.VN có cơ hội đến thăm gia đình chị Trần Thị Hằng, ở Phường Quang Trung. Để lên được ngôi nhà nhỏ hai vợ chồng chị đang sinh sống, chúng tôi phải vượt qua con đường dốc, khúc khuỷu.
Anh Sầm Chí Thanh, Chủ tịch Hội ND Phường Quang Trung cho biết, vợ chồng chị Hằng trước đây cũng rất khó khăn, nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng na, nuôi lợn, gà, cuộc sống đã dần khá hơn, có của ăn của để.
Đến nơi, anh Lộc Tiến Chương – chồng chị Hằng đã pha trà đợi sẵn chúng tôi, vừa kịp ngồi, chị Hằng đã đem ra một rổ, bên trong đầy ắp những trái na. Chị Hằng nói: hôm nay được cán bộ Hội ND thành phố và Phường đến thăm nên từ sáng sớm em đã ra vườn chọn những trái na đẹp, chín nhất để mời khách.
Ngôi nhà nhỏ nằm cao chót vót trên đỉnh đồi, chị Hằng cho biết, gia đình chị đã gắn bó với mảnh đất này đã mấy đời nay. Trước khi chưa trồng na chỉ trồng linh tinh vài cây ăn quả, thả ít gà, thu nhập không đáng là bao.
Năm 2000, nhận thấy cây na bở phù hợp với địa hình đất dốc và khí hậu mát mẻ, nên gia đình chị Hằng đã quyết định chuyển 100% diện tích sang trồng cây na bở. "Năm nay, tròn 20 năm gia đình tôi trồng giống na bở, thu nhập từ trồng na bở không cao nhưng giá bán ổn định, công chăm sóc ít. Đặc biệt, cây na bở rất phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất này" – chị Hằng nói.
Chị Hằng mời chúng tôi ăn thử trái na bở được hái sau vườn nhà, cảm nhận thật khác so với na dai, múi na to, ít hạt, vị ngọt thanh, còn na dai thì có vị ngọt sắc.
Khi được chúng tôi hỏi về giá cả, cũng như đánh giá của khánh hàng, chị Hằng khoe: "Giá của na bở lúc nào cũng cao hơn so với na dai, khi xuất hàng về xuôi cho thương lái, đều được khách hàng khen tíu tít".
"Trồng na bở tương đối đơn giản, không kỳ công như trồng các loại cây ăn trái khác. Bận rộn nhất là thời gian làm cỏ, cũng ít khi phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, bởi cây na ít sâu bệnh. Từ khi bắt đầu trồng, sau 3 đến 4 năm là cây cho trái" – chị Hằng chia sẻ.
Theo đó, với diện tích 1,5ha trồng na bở, mỗi vụ sẽ cho sản lượng khoảng 3 tấn quả. Vụ này, chị Hằng đã thu hoạch được trên 80% diện tích, giá xuất bán luôn giữ ở mức từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Chị Hằng nhẩm tính, riêng thu nhập từ trồng na bở (chưa trừ chi phí) mỗi vụ sẽ thu về 150 triệu đồng.
Anh Sầm Chí Thanh - Chủ tịch Hội ND phường Quang Trung cho biết, năm 2019, tổ hội nghề nghiệp trồng na phường Quang Trung đã được thành lập, với diện tích 30ha. Trong tháng 9 này, tổ nghề nghiệp trồng na đang tiến hành đề nghị vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) 550 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng na.
Năm 2020, chị Hằng cũng được Hội ND phường hướng dẫn lập dự án, hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng từ Quỹ HTND làm vốn để mở rộng quy mô trồng na bở.
Nguồn thu nhập của gia đình chị Hằng không dừng lại ở việc trồng na bở. Hiện nay, chị còn nuôi đàn lợn 200 con và 300 con gà ta lai chọi thả vườn.
Từ đầu năm tới nay, chị Hằng đã xuất bán 2 tấn lợn hơi, bình quân giá bán 83.000 đồng/kg. Thu nhập từ xuất bán lợn, chị Hằng cũng đã "bỏ túi" trên 150 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, chị Hằng nói: Tận dụng từng diện tích đất vườn, gia đình vừa trồng cây vừa chăn nuôi để có thêm thu nhập. Đàn lợn luôn duy trì trên 200 con, năm nay được giá nên cũng đã có lãi nhiều hơn. Còn đàn gà ta lai chọi vài trăm con thả vườn, thi thoảng có người mua lẻ, cũng có nhà hàng đến hỏi mua nên tiền từ bán gà cũng tương đối lớn.
Chị Hằng cho biết thêm, đối với giống gà ta lai chọi không phải cho ăn cám công nghiệp, cứ thả tự do ở vườn, chỉ cho ăn rau, cám ngô, cám gạo nên thịt rất chắc, bán được giá cao. Khi chị Hằng ném nắm thóc xuống, đàn gà vội lao tới, nhìn con nào con nấy đều to khỏe, chắc nịch. Khi xuất bán, gà đạt trọng lượng 2 đến 2,5kg/con, giá bán luôn ở mức trên 100.000 đồng/kg.
Với mô hình trồng na đặc sản, nuôi lợn và gà ta lai chọi thả vườn, gia đình chị Hằng đã có nguồn thu ổn định. Chị Hằng chia sẻ, "Năm nay, giá na bở và lợn cao nên thu nhập chắc chắn trên 300 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục xuất bán những lứa lợn tiếp theo, chắc chắn nguồn thu sẽ còn tăng lên".
Chia tay gia đình chị Hằng, chúng tôi còn được chị gửi tặng một ít na bở về làm quà, chị tươi cười nói, "Lên miền núi đá Hà Giang, để có kỷ niệm về vùng đất này, gửi tặng các chú trái na bở làm quà đi đường".
Ông Sầm Chí Thanh, Chủ tịch Hội ND Phường Quang Trung cho biết, hiện nay, phường Quang Trung có tổng diện tích trên 30ha trồng na, tập trung ở các tổ 6,7,8,9 và loại cây này được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân ở đây. Với quan điểm, giữ ổn định diện tích và nâng cao chất lượng quả na; phường đã thành lập Tổ nghề nghiệp trồng na bao gồm 51 thành viên tham gia và đang tiến hành xây dựng nhãn, mác để quảng bá thương hiệu sản phẩm.