Vay vốn “tậu trâu” nông dân tỉnh Tuyên Quang khá giả

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 30/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Từ nguồn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hội viên, nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có điều kiện vay vốn, phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn, trong đó có mô hình nuôi trâu...
Bình luận 0

Thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi

Gia đình ông Nguyễn Thọ Hùng (thôn Hòa Mục, xã Thái Long, TP.Tuyên Quang) được biết đến là một trong những hộ vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.


Vay vốn “tậu trâu” dân xứ Tuyên khá giả - Ảnh 1.

Sau khi vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, ông Nguyễn Thọ Hùng (thôn Hòa Mục, xã Thái Long, TP Tuyên Quang) đã mua thêm trâu về nuôi. Ảnh: M.N

Thông qua Hội ND TP.Tuyên Quang, năm 2017, ông Hùng vay vốn từ Ngân hàng CSXH với số tiền hơn 40 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại và mua trâu về nuôi. Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập trên 50 triệu đồng từ bán trâu. Từ số tiền bán trâu ông Hùng trả nợ Ngân hàng CSXH sau 1 năm vay vốn.

Sau 7 năm gắn liền với "danh hiệu" hộ nghèo, sang đến năm 2020 gia đình ông Hùng đã vươn lên là hộ cận nghèo. Không dừng lại ở đây, tháng 5/2020, gia đình ông Hùng đã tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mở rộng chuồng trại, mua thêm trâu về nuôi. "Sau khi vay vốn Ngân hàng CSXH, tôi đã sửa lại chuồng trại, mua thêm trâu về nuôi. Hiện tại, 2 con trâu đã có chửa, cuối năm nay, tổng đàn trâu của gia đình sẽ có 4 con" - ông Hùng vui mừng chia sẻ.

Cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, bà Đỗ Thị Hòa (thôn Đồng Mon, xã Thái Long, TP.Tuyên Quang) cho biết, gia đình bà đã 2 lần vay vốn để phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Từ nguồn vốn vay này, gia đình bà Hòa đã vươn lên, không còn là hộ cận nghèo. Theo đó, năm 2018, bà Hòa vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để phát triển cây ăn quả. Sau khi đã trả nợ, năm 2020, bà Hòa tiếp tục vay 50 triệu để mở rộng diện tích trồng ổi Đài Loan và bưởi Diễn.

Từ diện tích trồng ổi Đài Loan và bưởi diễn, mỗi năm, bà Hòa đã có lợi nhuận trên 40 triệu đồng. "Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, từ nay gia đình đã thoát hộ cận nghèo" - bà Hòa chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Đồng Mun, xã Thái Long cho biết, hiện, thôn đã có 52 hộ vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang. Tổng số vay vốn của tổ gần 1 tỷ đồng. Hiện, tổ chỉ có duy nhất 1 hộ nghèo.

"Ngân hàng CSXH thường xuyên xây dựng, phối hợp với các cấp Hội ND tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch việc xây dựng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách".

Ông Vũ Thế Anh

"Từ nguồn vốn được cho vay, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn thôn. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang giảm dần theo từng năm" - bà Ngọc cho hay.

Hàng nghìn hộ dân được vay vốn

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang, doanh số cho vay thực hiện 8 tháng đầu năm 2020 đạt 679,2 tỷ đồng, với trên 17,7 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.

Trong đó, tập trung ở một số chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo 155,2 tỷ đồng, với 3.452 lượt khách hàng vay vốn; cho vay hộ cận nghèo 171,7 tỷ đồng, với 3.658 lượt khách hàng vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo 73,9 tỷ đồng, với 1.558 lượt khách hàng vay vốn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 81,9 tỷ đồng, với 4.313 lượt hộ vay vốn, đầu tư trên 8.626 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay giải quyết việc làm 35,7 tỷ đồng, với 865 lượt khách hàng vay vốn...

Không chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, khó khăn vay vốn. Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện cho vay xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, 8 tháng đầu năm 2020, kết quả cho vay các xã xây dựng NTM: Đạt 977,3 tỷ đồng với 28.363 hộ vay vốn, trong đó: 37 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM có tổng dư nợ đạt 726,06 tỷ đồng, với 21.982 hộ vay vốn; 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt có tổng dư nợ đạt 251,3 tỷ đồng, với 6.381 hộ vay vốn.

Ông Vũ Thế Anh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND các cấp cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ước thực hiện đến 30/9/2020 đạt 7,2 tỷ đồng/9,7 tỷ đồng, đạt 74,2% kế hoạch giao tăng trưởng năm 2020.

Mặt khác, hàng năm, từ tỉnh đến các huyện đều đã dành một phần ngân sách tiết kiệm để ủy thác cho Ngân hàng CSXH tạo nguồn vốn, cho vay đối với các hộ nghèo, cận nghèo, từ đó tạo công ăn việc làm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngân sách tỉnh đã cấp 5 tỷ, huyện và thành phố đã trích 1 tỷ đồng, thấp nhất là 500 triệu đồng để tạo nguồn vốn cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem