Dân Việt

Bí thư Vương Đình Huệ: "Đại sứ Hàn Quốc hỏi Hà Nội có kỳ tích sông Hồng không... phải có quy hoạch phát triển"

Thành An 02/10/2020 18:52 GMT+7
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Đại sứ Hàn Quốc có nói là Hàn Quốc có kỳ tích sông Hàn, Việt Nam và Hà Nội có thể có kỳ tích sông Hồng được không... Muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch về phát triển sông Hồng".

Ngày 2/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dự và phát biểu Tọa đàm cấp cao Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Tọa đàm do UBND TP.Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.Hà Nội. Đồng thời thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Phải lấy người dân làm trung tâm

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo, TP.Hà Nội tin rằng, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, TP sẽ một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Bí thư Vương Đình Huệ: "Đại sứ Hàn Quốc hỏi Hà Nội có kỳ tích sông Hồng không... phải có quy hoạch phát triển" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm.

Ông Huệ khẳng định, TP tổ chức cuộc tọa đàm cấp cao với mong muốn lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các ý tưởng, sáng kiến nhằm hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là Thành phố sáng tạo UNESCO. Đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh con người Hà Nội, con người Việt Nam và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.

"Để danh hiệu thành phố sáng tạo thành hiện thực, phải lấy người dân là trung tâm, những lợi ích của thiết kế sáng tạo hướng đến cuối cùng người dân được thụ hưởng. Để làm được việc này, phải có sự phối hợp của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phối hợp với đối tác nước ngoài", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho hay, trong việc thực hiện mục tiêu thành phố sáng tạo, cần phải giải quyết được những mâu thuẫn giữa trước mắt với lâu dài, giữa truyền thống với hiện đại. Phải có các công dân sáng tạo, doanh nghiệp sáng tạo. Vì thế, cần tập trung thiết kế, xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo liên quan đến "phần cứng, phần mềm", các thể chế chính sách quan trọng ở cấp độ quốc gia, thành phố.

TP.Hà Nội cũng cần đào tạo, phát triền nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chính sách kinh tế, chia sẻ lợi ích của các bên liên quan đến thiết kế sáng tạo. Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm phát triển các sản phẩm làng nghề.

Bí thư Vương Đình Huệ: "Đại sứ Hàn Quốc hỏi Hà Nội có kỳ tích sông Hồng không... phải có quy hoạch phát triển" - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam điều hành phần tọa đàm.

Liên quan đến các đề xuất về phát huy giá trị làng nghề của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội ví dụ, hiện nay, Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP. Bản thân ông cũng rất "mê mẩn" các sản phẩm làng nghề OCOP Việt Nam. Việt Nam mới ký chương trình OCOP được 2 năm, nhưng đến nay đã đăng cai mạng lưới sáng kiến về sáng tạo sản phẩm OCOP toàn cầu. Theo ông Huệ, ví dụ đó để chứng minh sức sáng tạo vô cùng, vô tận của người dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, ngoài hệ sinh thái, rất cần phải có cơ chế để điều hành. Có ý kiến đề xuất thành lập trung tâm, cơ quan điều phối, chủ trì để phát huy được sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, người dân trong định hướng phát triển chung của Thủ đô.

Muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch phát triển sông Hồng

Đáng chú ý, liên quan đến các góp ý của các chuyên gia liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, về thiết kế, sáng tạo, có hai đặc thù quan trọng nhất là quy hoạch và kiến trúc. Cả hai vấn đề này Hà Nội đang gặp khó.

Hiện nay, Hà Nội còn 24 quy hoạch phân khu chưa được phủ kín trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng, 4 quy hoạch phân khu nội đô và các quy hoạch sông Đuống…Quy hoạch phân khu sông Hồng đang gặp vướng mắc nhất về vấn đề trị thủy. Cao trình thoát lũ như thế nào, tốc độ thoát lũ như thế nào.

"Đại sứ Hàn Quốc có nói là Hàn Quốc có kỳ tích sông Hàn. Việt Nam và Hà Nội có thể có kỳ tích sông Hồng được không?. Muốn có kỳ tích sông Hồng thì phải có quy hoạch về phát triển sông Hồng. Trước đây chỉ có 40 cây số sông Hồng qua Hà Nội, bây giờ Hà Nội mở rộng thì có 126km chảy qua Hà Nội. Nếu làm được cái này thì có một nguồn lực hết sức to lớn, giải quyết sinh kế cho khoảng 1 triệu dân cư. Chúng tôi rất mong có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những bài toán quy hoạch", ông Bí thư Thành ủy Hầ Nội nói.

Về đề không gian ngầm của Hà Nội, ông Huệ nhắc đến việc phát triển metro hiện nay gặp nhiều khó khăn. Mỗi một tuyến lại do một nhà tài trợ làm, có công nghệ, thiết kế riêng. Vấn đề đặt ra là phải điều phối như nào để sau này khai thác, quản lý vận hành thuận lợi, chứ không thể có quá nhiều tiêu chuẩn trên cùng một địa bàn thành phố.

Ở Hà Nội, cứ đào xuống đâu cũng có thể phát hiện trầm tích lịch sử. Vì thế, phát triển hệ thống dữ liệu về không gian ngầm là rất quan trọng.

"Chúng tôi đã có hội thảo về dữ liệu không gian ngầm, thiết kế một cơ sở dữ liệu lớn về không gian ngầm của Hà Nội để phục vụ cho không gian phát triển của Hà Nội. Không chỉ vươn lên trên cao mà phải thiết kế không gian ngầm. Có kinh tế ban ngày phải có kinh tế ban đêm, có hoạt động trên mặt đất thì phải có không gian ngầm.

Vướng mắc nhất là trầm tích của Hà Nội chỗ nào cũng đậm đặc. Do đó vấn đề hệ thống dữ liệu về không gian ngầm là hết sức quan trọng. Trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo này, tôi nghĩ công tác truyền thông rất quan trọng. Vừa đóng vai trò tư vấn, vừa công khai minh bạch từ các khâu, từ các quá trình, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô, đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, nhân dân phải là trung tâm", ông Huệ cho hay.