Theo đó, tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 15 HĐND TP.Hà Nội khóa XIV, ngày 17/7, trả lời câu hỏi của cử tri liên quan đến quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là vấn đề được lãnh đạo TP quan tâm từ những năm 2000.
Giai đoạn 2005 – 2006, TP đã mời các đơn vị tư vấn thiết kế của Hàn Quốc. Thành phố Seoul của Hàn Quốc kết nghĩa với Thủ đô cũng đã có dự án tặng cho thành phố 5 triệu USD để nghiên cứu quy hoạch này.
Theo Chủ tịch Hà Nội, trong thời gian qua quy hoạch này chưa thành hiện thực vì vướng nhiều luật.
"Tại phiên họp HĐND TP vừa qua, tôi cũng đã phát biểu là chúng ta đã bỏ lỡ một nhịp vào tháng 12/2017. Đáng lẽ toàn bộ quy hoạch về phân lũ sông Hồng, sông Thái Bình, đặc biệt là sông Hồng và sông Đuống chảy qua trên địa bàn Hà Nội đã được Viện Quy hoạch Thủy lợi của Bộ NN&PTNT hoàn thành và thông qua Ban cán sự Đảng UBND TP, Thường trực, Thường vụ và lúc đó đáng lẽ trình kỳ họp, nhưng sau đó hoãn lại và vướng vào Luật Quy hoạch mới.
Vừa qua để tháo gỡ vấn đề này, Bí thư Thành ủy cũng đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT. Hiện TP đang phối hợp tích cực với Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng để thực hiện quy hoạch phân lũ này" - ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội thông tin thêm, ngay từ 2016, TP đã đưa việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng công khai kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Có 3 tập đoàn Geleximco, Sun Group và Vingroup xin có văn bản đề nghị tài trợ cho TP toàn bộ kinh phí lập quy hoạch này và họ đã mời tất cả các chuyên gia của nhiều nước vào nghiên cứu. Bước 1 đã đưa ra ý tưởng về lập quy hoạch.
"Thực ra chúng tôi rất trăn trở với quy hoạch hai bên sông Hồng. Vào thời điểm năm 2016 có trên 800.000 dân, nhưng hiện nay có khoảng 900.000 dân đang cư trú hai bên bờ sông Hồng, khoảng trên 40km từ trên Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ cho đến đoạn Phú Xuyên. Vấn đề thứ hai là vì nó vướng Luật Đê điều và quy hoạch phân lũ cho nên toàn bộ các công trình về điện đường trường trạm ở ngoài khu vực bờ sông không triển khai được. Thứ ba là người dân thậm chí ở những khu vực có sổ đỏ nhưng cũng không được cấp phép xây dựng, rất bức bách"- ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Để giải quyết vấn đề trên, Chủ tịch Hà Nội cho biết, hiện nay TP thống nhất những công trình nào, nhà dân nào có sổ đỏ đã ở hợp pháp thì vẫn cấp phép để xây dựng.
"Phải khẳng định, nếu nhìn vào thực lực tài chính của TP, ngân sách của Trung ương thì trong 5 – 10 năm tới rất khó khăn trong việc bố trí đủ kinh phí để xây dựng hai con đê qua đoạn sông Hồng qua các quận nội thành. Điểm thứ hai là cũng không có đủ kinh phí để di dời hơn 900.000 dân theo Luật Đê điều. Do vậy, TP đưa ra định hướng là xây dựng quy hoạch xây dựng đê kết hợp với đường sát mặt nước, đảm bảo chống lũ cấp 3, tần suất 500 - 700 năm" - ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
"Hiện nay nếu mức 3 là đê phải cao trên 12 mét, nhưng nếu đặt vấn đề tần suất lũ 700 năm thì phải là 13,4 mét. Chống lũ cấp 3 thì tương đương với con đê đang hiện hữu. Làm theo hướng này sẽ tạo được con đê chắc chắn chống lũ được, người dân ở trong vùng sau khi có đê sẽ được xây dựng theo đúng quy định bên trong con đê. Nếu để ở cấp 2 thì người dân bắt buộc phải xây dựng theo hướng để tầng 1 trống để có diện tích chứa nước khi nước dâng cao và có công trình phục vụ thoát nước sau lũ. Chính vì vậy định hướng con đê phải đảm bảo ngăn lũ cấp 3. Quan điểm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT là chống được lũ cấp 3" - ông Nguyễn Đức Chung nói thêm.
Theo Chủ tịch Hà Nội, đê sẽ kết hợp với đường, tạo thành 2 con đường ven hai bên bờ sông, kết nối giảm ùn tắc giao thông và kết nối với các cây cầu bắc qua sông trong tương lai và hiện tại; kết nối với các bãi nổi để sau này trở thành khu du lịch sinh thái trên bãi nổi.
"Nếu làm theo quy hoạch hướng này, vừa đảm bảo bảo tồn, vừa có điều kiện cải tạo dân cư hiện hữu, vừa có điều kiện phát triển các khu đô thị mới mang tính chất văn hóa lịch sử, thể thao, đô thị sinh thái mật độ 5 – 15% theo tinh thần quyết định của Thủ tướng. Nếu làm theo hướng đó thì mới có điều kiện lấy nguồn lực tại chỗ để đắp con đê, con đường này. Vừa tạo được đường giao thông, vừa có đê an toàn, vừa phát triển đô thị mới, vừa có nguồn lực, vừa tạo được đường du lịch mới là đường thủy" - Chủ tịch Hà Nội nhìn nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.