Những ngày đầu tháng 10/2020 theo tìm hiểu của Dân Việt, tháng 11/2011 Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự toán kinh phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng, diện tích khoảng 20 hécta, được giao cho UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư.
Đến năm 2014 dự án được thông qua quy hoạch chi tiết, tổng kinh phí đầu tư cho cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây trên hơn hơn 66 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 4/2014 đến 4/2017 là 38,82 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ tháng 4/2017 đến 4/2018 hơn 27,8 tỷ đồng.
Cụm Công nghiệp Tam Mỹ Tây sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các loại hình công nghiệp như chế biến nông - lâm sản và thực phẩm, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng... Dự kiến, cụm công nghiệp này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động.
UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương giao cho Cty TNHH Đầu Tư Xuân Vượng san lấp mặt bằng dự án và được phép "tận thu" nguồn đất đồi tại đây. Trong khi mục đích chính là xây dựng Cụm công nghiệp chẳng thấy đâu, thì gần 1 triệu m3 đất san lấp, có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng đã bị lấy đi bán. Đến khi gặp phải lớp đá lộ thiên, không thể tận thu được nữa thì doanh nghiệp được cấp phép lập tức "bỏ của chạy lấy người", để lại vô vàn hậu quả... Đầu tiên là nguy cơ lãng phí nguồn vốn đầu tư giải phóng và san lấp mặt bằng, tiếp đến là phí phạm hàng chục hécta đất sản xuất…
Không nỡ nhìn đất bị bỏ hoang, người dân địa phương đã tranh thủ tận dụng để trồng keo. Nhưng việc này là không thể, vì đây là đất đã thu hồi cho dự án.
Ông Phan Văn Nỷ (trú thôn 8, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bức xúc: "Khi nghe tin nơi đây được đầu tư mở cụm công nghiệp ở đây, người dân ai cũng phấn khởi bởi sẽ giải quyết một lượng lớn lao động. Gia đình tôi có 2 hec ta đất trồng keo bị thu hồi, được bồi thường. Tuy nhiên thấy dự án được triển khai một thời gian khá lâu, đơn vị thi công ào ạt san ủi đồi núi, lấy đất đem đi bán chỉ để lại những tảng đá như những cái bẫy…".
Ông Nỷ bức xúc thêm, người dân địa phương ấm ức là vì họ đồng ý nhận bồi thường đất sản xuất với giá thấp, để khi cụm công nghiệp mọc lên sẽ tạo việc làm cho con em họ. "Nay thì dự án bị "treo" không biết đến bao giờ, trong khi mỗi hec ta sẽ mang lại cho người dân hàng trăm triệu đồng, sau một chu kỳ trồng keo. Tiếc thì vẫn tiếc, nhưng bây giờ vẫn chịu thôi…", ông Nỷ ấm ức.
Ông Phan Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, dự án Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây là do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư.
"Khi triển khai dự án, chính quyền và người dân ở đây rất mừng. Nhưng trong quá trình thực hiện do nguồn ngân sách khó khăn nên đến giờ này dự án vẫn chưa thực hiện được", ông Dung nói.
Ông Dung cho biết thêm, sự chậm trễ của Cụm công nghiệp sẽ ảnh hưởng, khó khăn nhất hiện là có khoảng 3 hec ta đất ruộng của người dân không sản xuất được.
"Vì khi triển khai dự án, một số lượng đất đá trôi chảy xuống lấp diện tích đất của người dân. Trước việc này, 2 năm nay UBND huyện đưa ra giải pháp hỗ trợ tiền sản xuất cho người dân. Về lâu dài, UBND huyện và xã bàn giải pháp tính quy hoạch chuyển đổi mục đích 3 hec ta đất ruộng người dân bị bồi lấp sang mục đích khác nhằm đem hiệu quả cho người dân, chứ việc khắc phục thì rất tốn kém", ông Dung nói thêm.
Ông Nguyễn Quang Thạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quỹ đất huyện Núi Thành, cho biết: "năm 2016 chỗ Công ty Xuân Vượng được UBND tỉnh cấp phép san lấp mặt bằng, thời gian cấp phép là 4 năm. Trong quá trình doanh nghiệp tận thu đất đồi thì bị "vướng" do có nhiều tảng đá lớn lẫn trong đồi đất nên không tận thu được, từ đó dự án cụm công nghiệp phải dừng lại. Đến nay tỉnh cũng đã thu hồi giấy phép của công ty Xuân Vượng.
Để phá được số lượng đá lộ thiên này thì nguồn ngân sách bỏ ra quá nhiều, trong khi ngân sách huyện khó khăn nên khó thực hiện được. Hướng lâu dài, hiện Ban đang xúc tiến thủ tục, tham mưu cho UBND huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư làm kết cấu hạ tầng…", ông Thạnh nói.