Trước hết, xin chúc mừng ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất, XK nông sản. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả này trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu?
- Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 52,8 tỷ USD, trong đó XK ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2%; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều đáng ghi nhận, chỉ trong tháng 9/2020, kim ngạch XK nông sản ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 8/2020 và là tháng đạt kim ngạch XK cao nhất trong 9 tháng qua; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt trên 1,6 tỷ USD (giảm 0,1%), lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD, tương đương, thủy sản đạt 820 triệu USD (tăng 0,6%) và chăn nuôi đạt 34 triệu USD (tăng 17,2%)…
Mặc dù còn nhiều mặt hàng XK giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị XK tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, giá trị XK gạo đạt 2,5 tỷ USD (tăng 12,0%); rau đạt 515 triệu USD (tăng 7,6%); sắn đạt 110 triệu USD (tăng 89,9%), XK tôm thu về gần 2,75 tỷ USD (tăng 12,7%); quế đạt 168 triệu USD (tăng 30,8%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,5 tỷ USD (tăng 12,4%); mây, tre, cói thảm đạt 425 triệu USD (tăng 24,8%).
Hiện đã có 08 nhóm, mặt hàng XK trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị XK trên 2 tỷ USD (cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD).
Về thị trường XK, tính chung 9 tháng, Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần; thị trường ASEAN ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần; XK sang các nước EU đạt khoảng 2,83 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần; XK sang Nhật Bản đạt 2,51 tỷ USD.
Trong tháng 8/2020, chúng ta ghi nhận liên tiếp các mặt hàng gạo, tôm, chanh leo, cà phê, trái cây được XK sang châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội mà hiệp định này mang lại?
- Ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ NNPTNT đã xây dựng ngay chương trình hành động cho ngành nông nghiệp.
Trước đó, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu, từ khâu giống, vật tư đầu vào đến quy trình nuôi,...
Nhờ vậy, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, các doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu đã đón sóng cơ hội.
Chỉ trong 2 tháng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD. Giá trị kim ngạch XK nông sản sang EU trong tháng 8 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020, sang tháng 9, giá trị kim ngạch XK nông sản sang EU tăng tới 35% so với tháng 8.
Cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp Việt ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản.
Về phía Bộ NNPTNT đã tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Tôi tin, trong thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản, giá trị kim ngạch XK vào EU sẽ còn lớn hơn nữa.
Trong số các mặt hàng có lợi thế vào EU, tôi đánh giá cao mặt hàng tôm và cá tra. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay cho sản lượng lớn, giá cao, cơ hội vào EU rất tốt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đảm bảo đủ các tiêu chí XK vào thị trường khó tính nhất nhì thế giới này.
Với mặt hàng cá tra, sau một thời gian chững lại, giá trị kim ngạch XK tháng 7 đã tăng tới 13%, bước sang tháng 8 - 9, XK cá tra tiếp tục khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu cũng đã tăng 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Với hai sản phẩm chủ lực này, ngoài việc giữ vững và tiếp tục mở rộng thị trường ở 27 nước EU mà chúng tôi coi việc XK sang EU cũng là cầu nối đưa tôm, đặc biệt là cá tra sang thị trường Nga. Hiện, đã có doanh nghiệp ký XK 300.000 tấn cá tra mỗi năm vào thị trường Nga.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc ưu đãi thuế quan chỉ là những thuận lợi bước đầu để đưa hàng nông sản sang EU, muốn đi đường dài, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết. Thứ trưởng có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường EU?
- Đúng là như vậy, ưu đãi thuế quan chỉ là bước khởi đầu để các doanh nghiệp bước vào thị trường EU. Muốn nâng cao kim ngạch XK vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy trình phía EU yêu cầu, từ tổ chức sản xuất, sử dụng giống, vật tư đầu vào, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đến khâu chế biến, vận chuyển phải đảm bảo an toàn và minh bạch.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT):
5 mặt hàng vượt 2 tỷ USD
9 tháng năm 2020, đã có 5 mặt hàng nông sản đạt giá trị kim ngạch 2 tỷ USD (gạo, cà phê, hạt điều, đồ gỗ, tôm). Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường XK, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK nông sản trước diễn biến mới của dịch Covid - 19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm. Kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường XK, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về XK nông sản sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp XK) sang các nước.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT):
Nguồn cung thịt lợn sẽ dồi dào
Bộ NNPTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi bò, gia cầm,... đảm bảo nguồn cung thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng thịt hơi các loại quý III ước đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng 9,0%, 9 tháng đạt khoảng 3,9 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, đàn lợn cả nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn tại các địa phương nhìn chung vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.483,1 tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (riêng quý III ước đạt 846,2 nghìn tấn, tăng 9,7%). Với tốc độ tái đàn như hiện nay, trong quý IV/2020 và dịp Tết Nguyên đán sắp tới nguồn cung thịt lợn sẽ tương đối dồi dào.
Khánh Nguyên (ghi)