Dân Việt

Nông dân lúc nào cũng “đói” vốn, khát công nghệ

Minh Huệ 07/10/2020 06:00 GMT+7
Tại buổi họp báo chiều 6/10 do Trung ương Hội NDVN tổ chức còn có sự góp mặt của 3 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 đến từ Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên.

Nông dân áp dụng khoa học công nghệ ngày càng nhiều

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt cho biết, năm nay là năm thứ 8 Trung ương Hội NDVN tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 63 nông dân Việt Nam xuất sắc, đại diện cho 63 tỉnh, thành phố. 

Những năm đầu tiên tổ chức chương trình, các gương mặt có doanh thu từ 5-10 tỷ đồng/năm đã được xem là rất hoành tráng, nhưng càng về sau, lại càng xuất hiện những "siêu" nông dân có doanh thu "khủng", lên tới 20-30 tỷ đồng là chuyện bình thường.

Nông dân lúc nào cũng “đói” vốn, khát công nghệ  - Ảnh 1.

Anh Sùng Diu Sì (dân tộc Mông ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đang trồng 6ha cam đặc sản và nhãn, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho biết thêm, thời gian qua Hội ND ở một số tỉnh, thành phố đã và đang triển khai các cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản, góp phần quảng bá sản phẩm cho bà con nông dân.

"Thậm chí, có một số nông dân doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Điều đáng mừng là số nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng nhiều, bà con nông dân đã chủ động tìm hiểu và áp dụng công nghệ 4.0. Chúng tôi đã thống kê và thấy trong danh sách 63 nông dân xuất sắc năm nay, có gần 20 nông dân áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất, như máy bay không người lái, tưới tiết kiệm, điều khiển từ xa…" – ông Định chia sẻ.

Bên cạnh những bông hoa đẹp đại diện cho lực lượng nông dân cả nước, nhìn chung sản xuất của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Quan tâm đến vấn đề này, nhà báo Nguyên Huân – Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu câu hỏi: Sau khi được vinh danh, các nông dân xuất sắc có đề xuất, mong muốn điều gì để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh?

Chia sẻ về điều này, anh Lê Văn Dũng (ở Phù Cừ, nông dân xuất sắc tỉnh Hưng Yên) năm 2020 cho biết, anh có kinh nghiệm hơn 20 năm làm nông nghiệp. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, những năm qua gia đình anh sản xuất, kinh doanh rất thuận lợi. Ngay cả khi dịch Covid-19 xảy ra, việc nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm thủy sản của gia đình anh cũng gần như không bị ảnh hưởng gì.

"Chúng tôi duy trì sản xuất bằng vốn xoay vòng nên ít bị rủi ro khi dịch Covid-19 xảy ra. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn đầu tư con giống chất lượng cao, nhanh lớn nên được khách hàng toàn quốc ưa chuộng. Năm 2019, doanh thu của gia đình tôi đạt khoảng 20 tỷ đồng, năm nay còn tăng cao hơn, ước tính đạt khoảng gần 30 tỷ đồng" - anh Dũng cho biết.

Cũng theo anh Dũng, sau khi được Sở KHCN tỉnh Hưng Yên chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến nay anh đã làm chủ công nghệ sản xuất cá giống, cá nhanh lớn, chất lượng cao, khách hàng và bà con nông dân toàn quốc đặt hàng rất nhiều. 

"Qua sản xuất thực tế của bản thân và trao đổi với nhiều bà con, tôi nhận thấy khó khăn nhất đối với nông dân nói chung chính là còn yếu trình độ, chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại. Chúng tôi rất mong được Hội ND, chính quyền địa phương tổ chức cho đi thăm nhiều mô hình trong và ngoài nước để học tập, về áp dụng vào thực tế" - anh Dũng bày tỏ.

"Đói" vốn, khát công nghệ

Nông dân lúc nào cũng “đói” vốn, khát công nghệ  - Ảnh 2.

Anh Sùng Diu Sì (dân tộc Mông ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020. Ảnh: Minh Ngọc

Trong khi đó, chị Trần Thị Thanh Thoan - nông dân xuất sắc tỉnh Hà Nam năm 2020 cho biết, mảng sản xuất chính của gia đình chị là nuôi bò sữa. Ngoài sản phẩm sữa tươi, gia đình chị cũng đầu tư chế biến một số sản phẩm "ăn chơi" khác như sữa chua, sữa chua nếp cẩm…

"Tuy nhiên, ngành sữa luôn là "sân chơi" của các đại gia lớn. Khi tham gia lĩnh vực này, chúng tôi tự thấy mình thiếu rất nhiều, nhất là vốn. Các sản phẩm sữa thường tiêu thụ tốt vào mùa hè, còn mùa đông bị chậm lại. Muốn giải quyết đầu ra, chúng tôi biết phải đầu tư chế biến sâu, tuy nhiên do tiềm lực vốn có hạn nên chúng tôi vẫn đang loay hoay" - chị Thoan nói.

Chia sẻ tâm tư tại buổi họp báo, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 của tỉnh Bắc Giang - anh Phạm Văn Dũng đến từ huyện Lục Ngạn cho biết: Về vốn, chúng tôi cũng có một số khó khăn tùy thời điểm. Ngoài tự sản xuất, trồng trọt, hiện tôi tham gia quản lý HTX, có thời điểm khách hàng đặt mua từ 150-170 tấn vải thiều/ngày, trị giá 5-7 tỷ đồng, tuy nhiên quy mô vốn của HTX rất hạn chế. Mặc dù HTX có gõ cửa ngân hàng, nhưng rất khó vay, thậm chí còn khó vay hơn cả so với hộ gia đình.

“Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay, chính là công nghệ. Nông dân luôn đói công nghệ, đặc biệt là trong việc bảo quản quả vải thiều. HTX chúng tôi xuất khẩu vải thiều từ năm 2016, nhưng do khâu bảo quản còn khó khăn nên HTX vẫn chỉ dừng lại ở việc gia công cho các công ty xuất khẩu. Bên cạnh đó, các thủ tục, quy định để có thể đưa hàng tham gia xuất khẩu chính ngạch, chúng tôi rất thiếu. Mặc dù địa phương cũng có tổ chức tập huấn nhưng thông tin không đầy đủ, khiến chúng tôi vẫn phải dựa vào trung gian, xuất qua các công ty lớn” – anh Dũng cho hay.

Để giải quyết những điểm yếu này, anh Dũng cũng đề nghị Hội NDVN trở thành cầu nối giữa nông dân với hệ thống bán hàng, nhất là các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. "Bình thường tự chúng tôi tiếp cận với hệ thống siêu thị là vô cùng khó, nhưng nếu có tổ chức đứng ra giới thiệu thì sẽ thuận lợi hơn" - anh Dũng kiến nghị.