Phần nội dung của GS Patrick Deboyser về "Công tác kiểm soát đối với thực vật và sản phẩm thực vật - Các yêu cầu nhập khẩu và kiểm soát tại điểm ra vào EU đối với các sản phẩm nhập khẩu", được trình bày trực tuyến tại hội thảo phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai Hiệp định EVFTA đối với nông sản, tổ chức tạị TP.HCM ngày 8/10.
Theo GS Patrick Deboyser, ngoài các biện pháp kiểm soát thông thường (kiểm soát 1% lô hàng), EU còn áp dụng biện pháp kiểm soát tăng cường tại thời điểm nhất định đối với nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam. Những quy định này được trình bày trong phụ lục số 1, số 2 của Quy chế 2019 số 1793.
Việc thực hiện tăng cường kiểm soát có thể do nguy cơ đã biết hoặc nguy cơ khẩn cấp. Ủy ban EU cùng các quốc gia thành viên có thể quyết định tăng số lượng các chốt kiểm soát biên giới.
Lý do thứ hai là khi có bằng chứng về việc không tuân thủ ở mức phổ biến hoặc nghiêm trọng về tồn dư thuốc BVTV, thuốc trừ sâu...
Mức kiểm soát tăng cường tại thời điểm nhất định được trình bày trong phụ lục 1 của Quy chế 2019/1793. Ví dụ trong phụ lục số 1, lá rau mùi có xuất xứ từ Việt Nam bị kiểm soát 50% về tồn dư thuốc BVTV.
EU quan tâm đến việc kiểm tra danh tính lẫn kiểm tra thực tế. Việc tăng cường kiểm soát luôn liên quan đến sản phẩm cụ thể như là lá rau mùi, của quốc gia cụ thể là Việt Nam, gắn với mối nguy cụ thể là dư lượng thuốc BVTV.
EU cũng có thể sử dụng các biện pháp khẩn cấp đối với một nguy cơ cụ thể là các độc tố nấm mốc, cụ thể là Aflatoxins, Pentachlorophenol, Dionxins và cuối cùng Salmonella.
"Người ta có thể tìm thấy rất nhiều Salmonella ở trong các loại rau thơm như húng quế, rau mùi chứ không phải chỉ ở các sản phẩm động vật như lâu nay thường nghĩ", GS Patrick Deboyser nói.
Phụ lục 2 cùng Quy chế 2019/1793 một lần nữa cho thấy EU đang tăng cường kiểm soát với điều kiện đặc biệt đối với trái thanh long từ Việt Nam, với tần suất kiểm soát là 10%. Một trong 10 lô hàng sẽ được kiểm tra về tồn dư thuốc BVTV.
Quy định trong phụ lục số 2 hoạt động tương tự như việc tăng cường kiểm soát ở phụ lục 1. Nhưng phụ lục số 2 còn đi kèm những điều kiện đặc biệt khác.
Đầu tiên sản phẩm phải có mã nhận dạng. Đó là mã riêng cho mục đích kiểm soát tăng cường. Thứ hai sản phẩm phải kèm theo kết quả kiểm tra thực tế do nước xuất xứ thực hiện. Chúng phải chỉ ra được các biện pháp đã được thực hiện như thế nào và dư lượng là gì.
Cuối cùng, sản phẩm này phải đi kèm với giấy chứng nhận chính thức, giấy chứng nhận sức khỏe. Giấy chứng nhận sức khỏe này được cấp trong Modul Traces (tạm gọi là modul nhập khẩu).
Vì lý do sức khỏe của thực vật, các sản phẩm thực vật sẽ phải đi qua hệ thống Traces trước khi đến EU. Quy định về Traces tuy không bắc buộc nhưng được khuyến nghị sử dụng đối với các nước nhập khẩu.
Tham gia tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Giao, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là những thông tin bổ ích, rất đang nghiên cứu và phổ biến thường xuyên hơn cho các các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Đồng tình, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản lấy ví dụ mật ong cũng là một sản phẩm đại diện giúp rút ra các bài học về xuất khẩu nông sản vào EU
Sản phẩm mật ong mỗi năm xuất khẩu 45.000-50.000 tấn nhưng 80% là đi vào Mỹ. Vì những quy định khắc khe, chỉ mới có 5-8% vào EU. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu mật ong cảm thấy khó khăn khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.
Tuy nhiên, ông Duy khẳng định, khó không có nghĩa là nhiêu khê. Tiêu chuẩn khó mà thực hiện được mới là cách để doanh nghiệp khẳng định đẳng cấp sẩn phẩm và năng lực của mình. Vì khi đã vào được các thị trường khó tính như EU thì các thị trường khác không đáng ngại.
"Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức nhiều hơn nữa những buổi phổ biến về các rào cản kỹ thuật nhằm thực thi tốt hơn hiệp định EVFTA", ông Duy chia sẻ.