Trong hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam hiện nay, 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.
Từ đầu năm đến nay, 4 ông lớn ngân hàng đang nỗ lực giảm sâu lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là các khoản vay hiện hữu. Tổng số tiền mà các ngân hàng này cam kết hỗ trợ doanh nghiệp lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như tại BIDV, trong 9 tháng đầu năm 2020, nhà băng này BIDV đã 5 lần giảm lãi suất cho vay khách hàng với mức giảm 30% - 40%/năm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Ngoài ra, BIDV đã triển khai rất nhiều gói tín dụng ưu đãi đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô doanh số lên đến khoảng 200.000 tỷ đồng.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ trong nửa đầu năm, VietinBank đã hỗ trợ hạ lãi suất lên tới 2%, trung bình ở mức 0,6%/năm cho gần 9 nghìn khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất lên tới hơn 242 nghìn tỷ đồng; cơ cấu gốc và lãi cho hơn 8,4 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, lãi của gần 1,7 nghìn khách hàng.
Đồng thời, VietinBank cũng hỗ trợ tối đa cho khách hàng để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh với tổng doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch lên tới trên 184 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận.
Thực tế là trước đó, để tự "cứu mình", các ngân hàng này cũng đã có hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn về tăng vốn, như tăng vốn qua giảm sở hữu Nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài…
Thậm chí, các "ông lớn" này còn đề xuất tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả bằng tiền mặt nộp về ngân sách. Tuy vậy, trước tác động của đại dịch Covid-19, lợi nhuận các ngân hàng đều sụt giảm, nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng thì những ảnh hưởng đến an toàn vốn của các ngân hàng, nhất là 4 ngân hàng lớn đều rất lớn.
Giới phân tích nhìn nhận, nếu không sớm được cấp vốn, những ngân hàng này sẽ khó làm tốt nhiệm vụ "bệ đỡ" cho nền kinh tế. Nói cách khác, củng cố "tấm nệm an toàn" của ngân hàng chính là tạo điều kiện cho các ngân hàng này hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn nền kinh tế.
Nan giải nhất trong vấn đề tăng vốn là VietinBank khi dư địa tăng vốn hầu như đã cạn, đe dọa đến hoạt động của ngân hàng này. Trên thực tế, trong nhiều năm nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm.
Theo nhận định của Chủ tịch Lê Đức Thọ trong trong ĐHĐCĐ, việc tăng vốn điều lệ là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển của VietinBank. Ông Thọ cho rằng việc tăng vốn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới.
Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 (Vietnam Banking Forum 2020") vừa diễn ra, VietinBank lại một lần nữa nhắc lại "điệp khúc" tăng vốn của nhà băng này.
Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank nhấn mạnh, áp lực tăng vốn tự có, đặc biệt là vốn điều lệ của VietinBank trong giai đoạn 2016-2020 là rất lớn.
"Là một trong những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn nhất, giữ vị tạo lập thị trường. Song để giữ được vị thế này, VietinBank phải khẩn trương tăng vốn điều lệ. Nếu không tăng được vốn điều lệ, VietinBank sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tác động trực tiếp đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành và theo đó tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế", ông Huân cho biết.
Cũng theo ông Huân, bên cạnh các mục tiêu về tăng trưởng, VietinBank cần phải đảm bảo duy trì mức vốn tự có đáp ứng quy định hiện hành của NHNN, đáp ứng lộ trình áp dụng chuẩn Basel II theo quy định của NHNN tại Thông tư 41 (hiệu lực từ 1-1-2020), đảm bảo tỷ lệ vốn cấp 1/Tài sản có rủi ro theo tiêu chuẩn của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại.
Lãnh đạo VietinBank đề xuất, bên cạnh tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tích lũy để lại, VietinBank rất cần sự phê duyệt của Chính phủ, NHNN và các bộ, ban ngành liên quan về việc cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. VietinBank cũng đề nghị Nhà nước bố trí nguồn lực để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước trên cơ sở duy trì tỷ lệ biểu quyết của Nhà nước ở mức tối thiểu 65%.
"Đây là điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển bền vững của VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước khác, thông qua đó tạo đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn bứt phá và tăng tốc hiện nay trước khi bước vào giai đoạn phát triển ổn định và gặt hái thành quả sau này", ông Huấn kiến nghị.
Đề án tái cơ cấu hoạt động và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được xây dựng với 3 nội dung trọng yếu: Nâng cao năng lực tài chính; Nâng cao năng lực quản trị điều hành; Xử lý nợ xấu đi đôi với kiểm soát chất lượng tăng trưởng.
Trong đó, trọng tâm của nâng cao năng lực tài chính là tăng vốn đến nay vẫn là khó khăn lớn của VietinBank. Mặc dù ngân hàng đã tập trung tái cấu trúc danh mục tài sản, tái cấu trúc danh mục đầu tư sử dụng vốn tự có, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2… song bài toán tăng vốn vẫn chưa thể giải quyết. Đây là lý do khiến VietinBank chưa được công nhận đạt chuẩn Basel II.
Trước đó, trong văn bản triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc chỉ đạo NHNN cần khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước, tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (VietinBank, Vietcombank) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần.
Thống đốc kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015 để có cơ sở thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, xây dựng lộ trình tăng vốn cho các NHTM giai đoạn 2021-2026, trong đó có phần tăng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Hay nói cách khác, việc tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh nằm trong nhiệm vụ nửa cuối năm của NHNN nhưng đến nay vẫn còn "bỏ ngỏ".