Dân Việt

GS.TS Ngô Xuân Bình: Cần có chính sách KH&CN đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Nhóm PVKT 13/10/2020 10:12 GMT+7
Theo GS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và công nghệ) thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều điểm yếu "cốt lõi" trong hầu hết các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt liên quan đến vấn đề khoa học và công nghệ.

Sáng nay (13/10), tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V năm 2020, với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà".

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chủ trì điều hành Diễn đàn. Tham dự chủ trì Diễn đàn còn có lãnh đạo các Bộ Khoa học Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…

Tham dự diễn đàn còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các hiệp hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

GS.TS Ngô Xuân Bình: Cần có chính sách KH&CN đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V năm 2020.

Điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam

Tại Diễn đàn, GS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN khẳng định, một trong những vấn đề mang tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của sản phẩm đó là "Chất lượng sản phẩm". Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, chế tạo được giám định kỹ lưỡng về tiêu chuẩn, mà còn đi kèm với kiểu dáng, mẫu mã, bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất khi đưa ra thị trường. Điều đó rất cần tác động của KH&CN.

Thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều điểm yếu "cốt lõi" trong hầu hết các sản phẩm của Việt Nam.

Đối với sản phẩm nông nghiệp: điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam là khâu thu hoạch, chế biến đa dạng hóa sản phẩm. Dù tự hào đứng đầu thế giới về nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, tôm, cá các loại trong nhiều năm nhưng bài toán về giá vẫn rất nan giải.

Việt Nam là nước có điều kiện thiên nhiên ưu đãi và có nhiều mặt hàng nông sản được người nước ngoài ưa chuộng nhưng những năm trước đây các doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất thật nhiều mà chưa quan tâm đến việc sản phẩm làm ra bán cho thị trường nào, bao bì mẫu mã ra sao nên những ưu điểm đó đã không thể phát huy được, các doanh nghiệp không thể tập trung diện tích đất lớn để ứng dụng khoa học công nghệ toàn diện, đạt năng suất, hiệu quả cao nhất.

GS.TS Ngô Xuân Bình: Cần có chính sách KH&CN đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

GS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN trao đổi tại diễn đàn.

"Ngay cả với sản phẩm "gạo Việt Nam" đã có bề dày xuất khẩu khá lâu và đứng vào tốp các nước dẫn đầu thế giới nhưng lại mang thương hiệu của nước khác", ông Ngô Xuân Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, trên thực tế, Bộ KH&CN quan tâm hỗ trợ cho các địa phương thông qua việc triển khai một số nhiệm vụ KH&CN theo đề xuất từ địa phương, đồng thời các cơ quan Trung ương cũng đề xuất nhiều nội dung nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia).

Nhiều địa phương cũng đã dành được sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN khá lớn (Quảng Ninh, Thanh hóa, Bình Định, Phú Yên….). Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ khi được phê duyệt triển khai cơ bản đang mang tính rời rạc, giải quyết theo quy mô vụ việc; việc triển khai đều do đơn vị chủ trì tại địa phương hoặc cơ quan Trung ương thực hiện với sự giám sát quản lý của cơ quan Trung ương.

Vì thế, sau một chu kỳ thời gian (5 năm hoặc 10 năm), nhìn nhận lại vẫn rất khó đánh giá sâu được kết quả từ việc hỗ trợ của Bộ với địa phương cũng như sự đóng góp cho tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ từ KH&CN.

Bài toán cần giải ở đây đang đặt ra là cần phải tiếp cận theo hướng xem xét, lựa chọn và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương rất cần sự vào cuộc đồng bộ cả từ Trung ương đến địa phương trong việc xác định đầu tư phát triển sản phẩm. Yếu tố khoa học và công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến tất cả các khâu trong từng sản phẩm và cần phải được đi trước một bước.

Vì vậy, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương có ý nghĩa rất lớn, nó sẽ tạo ra được sản phẩm được khẳng định từ vai trò của KH&CN, trực tiếp tạo ra giá trị và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Ông Bình dẫn chứng, nhiều địa phương nhờ áp dụng KH&CN vào nông nghiệp đã cho năng suất và chất lượng cao, cải thiện rõ rệt. Ví dụ, trước kia giống nhãn Miền Thiết (Sơn La) được trồng rất nhiều trong miền Nam, nhưng đã được chuyển dịch ra trồng tại tỉnh Sơn La; giống Nhãn Hưng Yên đã được di thực và đang phát triển ở quy mô rộng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Mỹ…

Áp dụng giống mới và các biện pháp KH&CN kỹ thuật ghép mắt, chăm sóc cân đối dinh dưỡng đã thay thế giống nhãn truyền thống của địa phương trong một thời gian ngắn. Phủ lên những diện tích đồi trọc đất dốc và thay thế cho cây mía, cây ngô có giá trị kinh tế thấp. Kết quả đã đem lại những giá trị kinh tế rất lớn (chiếm 1/3 sản lượng nhãn của cả nước và cải thiện thu nhập cho bà con) giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh hình thành một vùng sản xuất trái cây lớn nhất Miền Bắc.

Hay tại Ninh Thuận với việc phát triển sản phẩm cừu. Đây là loài vật nuôi mang tính đặc trưng của tỉnh do điều kiện có quá nhiều vùng khô hạn, Cừu đã được du nhập và phát triển trên địa bàn từ khá lâu.

Tháng 10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận nên đã khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường cả nước, người tiêu dùng ngày càng thích sử dụng thịt cừu Ninh Thuận, khiến cho giá mặt hàng này tăng mạnh.

Tuy nhiên chưa khai thác hết tiềm năng và nhất là tạo giá trì từ sản phẩm Cừu vì thế việc nghiên cứu phát triển sản phẩm Cừu sẽ là một hướng đi cần quan tâm. UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh.

Trên thực tế, Bộ KH&CN quan tâm hỗ trợ cho các địa phương thông qua việc triển khai một số nhiệm vụ KH&CN theo đề xuất từ địa phương, đồng thời các cơ quan Trung ương cũng đề xuất nhiều nội dung nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (Các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia). Nhiều địa phương cũng đã dành được sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN khá lớn (Quảng Ninh, Thanh hóa, Bình Định, Phú Yên….).

Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ khi được phê duyệt triển khai cơ bản đang mang tính rời rạc, giải quyết theo quy mô vụ việc; việc triển khai đều do đơn vị chủ trì tại địa phương hoặc cơ quan Trung ương thực hiện với sự giám sát quản lý của cơ quan Trung ương.

Vì thế, sau một chu kỳ thời gian (5 năm hoặc 10 năm), nhìn nhận lại vẫn rất khó đánh giá sâu được kết quả từ việc hỗ trợ của Bộ với địa phương cũng như sự đóng góp cho tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ từ KH&CN.

Cần hỗ trợ chính sách KH&CN đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Từ đó, tại Diễn đàn ông Xuân Bình kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bao gồm các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp/ người dân đầu tư trực tiếp hoặc liên kết tổ chức, cá nhân để nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Ưu tiên đầu tư, triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ, theo chuỗi giá trị của sản phẩm nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm truyền thống, đặc sản, ứng dụng KH&CN mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phục vụ xuất khẩu.

Tập trung đầu tư, hỗ trợ chính sách KH&CN đối với một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, mang lại hiệu quả cao thông qua các hoạt động như: xây dựng trang trại thông minh, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, công tác dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp; sáp nhập, hợp tác liên kết, liên doanh trong phát triển các sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp...

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao trong doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao năng lực tiếp thu tiến bộ KH&CN, quản lý tổ chức phát triển mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu quả cao. Ứng dụng, phát triển công nghệ tạo chuyển biến nhanh trong sản xuất, để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt với các thị trường mới có tiềm năng và giá trị gia tăng cao.

Đẩy mạnh việc bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù, thế mạnh, chủ lực của địa phương, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thành lập doanh nghiệp KH&CN, liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.