Dân Việt

Khẩn cấp đóng cửa một số sân bay do bão số 7

Thế Anh 14/10/2020 09:40 GMT+7
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo "nóng" đóng cửa các sân bay Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ 12h đến hết 21h ngày 14/10, do ảnh hưởng của bão số 7 (tên quốc tế là NANGKANG).

Cùng với việc đóng của các sân bay, hàng loạt chuyến bay tới Vinh, Thanh Hóa đã bị hủy và điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh huởng của cơn bão số 7.

"Khẩn cấp" đóng cửa một số sân bay do bão số 7 - Ảnh 1.

Cục Hàng không yêu cầu đảm bảo an toàn hàng không do bão số 7 gây ra.

Trong ngày 14/10, trên đường bay giữa Vinh và Đà Lạt, Vietnam Airlines hủy các chuyến bay VN1571, VN1570; Thành phố Hồ Chí Minh và Vinh hủy các chuyến bay VN1266, VN1267, VN7260, VN7261; Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa hủy các chuyến bay VN1278, VN1279.

Các chuyến bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Vinh, Thanh Hóa và Hà Nội bao gồm VN1260, VN1263, VN1264, VN1265, VN1274, VN1275, VN7715, VN7714 sẽ rời thời gian khởi hành tới trước 12 giờ trưa.

Hãng hàng không Pacific Airlines rời thời gian khai thác 4 chuyến bay BL6442, BL6443, BL6432, BL6433 trên đường bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Vinh và Thanh Hóa tới trước 12 giờ trưa.

VASCO rời thời gian khai thác 2 chuyến bay 0V8204, 0V8203 trên đường bay giữa Hà Nội và Điện Biên tới trước 12 giờ trưa.

Ngày 15/10, Vietnam Airlines triển khai 2 chuyến bay bù trên đường bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Vinh. Bên cạnh các chuyến bay đến, đi từ Vinh, Thanh Hóa, các chuyến bay nội địa khác của Vietnam Airlines Group cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do cơn bão.

Hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay Vinh, Thanh Hóa trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin của hai hãng nhằm chủ động lịch đi lại.

"An toàn tuyệt đối cho hành khách và chuyến bay luôn được hai hãng đặt lên hàng đầu và mong nhận được sự thông cảm của hành khách trong trường hợp lịch khai thác phải thay đổi do ảnh hưởng của cơn bão số 7," đại diện Vietnam Airlines Group cho hay.

Cũng do ảnh hưởng của bão số 7, các chuyến bay đi/đến miền Trung của các hãng hàng không Vietjet Air và Bamboo Airways cũng được điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho hành khách, cùng như việc khai thác, an toàn với nhân viên hàng không.

Trước đó, khi bão số 6 đi vào đất liền, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu bão, thường xuyên cập nhật, thông báo kịp thời diễn biến cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ hàng hải hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Trong đó, đặc biệt chú ý các điểm đen: Cảng Quy Nhơn, Cửa Gianh; khu vực cửa sông tại Quảng Bình.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam điều động các tàu cứu nạn chuyên dụng đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao chỉ đạo các đơn vị thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu; Tập trung nguồn lực chủ động khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu...

"Kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất; Chỉ đạo các cục quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các sở GTVT và lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, báo hiệu những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, sạt lở...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước...; Huy động nguồn lực, kịp thời khắc phục hậu quả của mưa, lũ.