Dân Việt

Truyện dự thi: Con gà rừng

Vân Hạ 14/10/2020 15:32 GMT+7
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của tác giả Vân Hạ (Nha Trang).

Ông già trải bức tranh lên bàn. Ông vuốt hai bàn tay về hai phía cho phẳng. Bức tranh mờ ảo tựa như bức ảnh bị làm nhòe. Cảnh vật trong tranh đều mờ nhòe như kí ức đã quá xa, chỉ thấy thấp thoáng hình một con gà đang vỗ cánh trong một vạt rừng rậm. Bà khách nữ biết ý chặn tay giữ góc dưới bức tranh. Bà lẩm nhẩm đọc thành tiếng: "Gà rừng".

- Nó là con gà tôi nhìn thấy trong Thung Dài. Nó vừa quác quác loạn lên vừa bay ra từ một bụi lau rậm. Một con mái có bộ lông hoa mơ vừa đẻ trứng hay vừa từ ổ ấp xuống, cũng có thể do chúng tôi chặt củi động ổ làm nó hoảng sợ bay ra…

Ông già chợt dừng khi thấy người phục vụ đang bưng khay nước đứng chờ. Ông đẩy nhẹ bức tranh sang một bên, vừa hỏi bà khách nữ:

- Có một điệu chèo tên là Con Gà Rừng phải không? Chị, à cháu, có thấy điệu hát ấy như mô phỏng tiếng quác quác và những động tác bới đất, chạy trốn, quay cuồng bảo vệ đàn con của gà rừng không?

- Chịu, cháu có biết hát chèo đâu mà cậu.

Vậy ra hai người là họ hàng, không phải tình nhân. Người phục vụ cảm thấy thoải mái hơn khi bước đến gần. Anh ta đặt ly "nước mâm xôi" trước mặt ông già, một chai nước suối trước mặt bà khách nữ. Ông già "cảm ơn", cầm ngay ly nước màu đỏ đưa lên cao ngang tầm mắt ngắm nhìn, tay ông hơi run như xúc động. Chợt ông hỏi đây là si rô hay nước quả ép? Anh chàng phục vụ ấp úng. Dạ thưa, là… nước ngọt hương mâm xôi, không có nước quả ạ.

Bà khách nữ nói có nước dừa, nước mía hay nước gì nguyên chất không đổi cho ông.   

- Thôi lỡ kêu rồi cứ để đây đi - ông già nói và đặt ly nước xuống.

Người phục vụ đưa quyển thực đơn. Ông già chuyển cho bà khách nữ, nói cháu gọi trước đi. Bà khách không giở ra, gọi luôn hai niêu cơm rồi đưa lại cho ông già. Cậu gọi đi. Cháu dễ tính lắm ăn gì cũng được.

Người phục vụ, một chàng trai nông dân 21 tuổi mới được thu nạp (tuyển dụng) cảm thấy như có lỗi vì nhà hàng đã lừa ông già khi in trong menu mấy chữ "nước mâm xôi" kèm hình ảnh quả mâm xôi chín mọng. Thêm nữa mấy tiếng "dạ thưa" anh nói chưa quen còn lí nhí ngượng ngập. Ở làng anh người ta vẫn dị ứng với cách nói thưa gửi màu mè kiểu cách. Bà khách nữ là người địa phương, nghe giọng nói và thoáng nhìn anh biết ngay người cùng xứ mắm cáy mắm tép mình. Nhưng ông già, tuy giọng ông vẫn đúng giọng quê, nhưng cách nói năng có khác. Ví như câu "thôi lỡ kêu rồi cứ để đây đi". Nếu là người ở đây họ không nói vậy. Họ nói "giờ cái gì cũng hương, toàn chất hóa học" rồi thở dài cam chịu, nhà hàng lớn tiếng tăm thế này chắc phải có ông lớn nào đứng sau chứ, mình làm gì được. Còn các đại gia hổ báo sẽ trợn mắt quát đây gọi là nước mâm xôi à và nhất định phải kèm một câu chửi tục.

- Nếu có lang quân nhà cháu ở đây hôm nay, ngài ấy không cho cậu uống nước quả mâm xôi như này đâu, phải rượu tây - bà khách nữ nói

- Thế à. Vậy để tôi mua một chai mang về. Không biết anh ấy thích loại nào?

- Không, cậu không phải mua. Các ông ấy mà uống thì không bao giờ uống một chai. Nhưng giờ lang quân nhà cháu không có nhà, ngài đang bận dẫn một ông bạn đi mua mấy quả núi.

- Mua mấy quả núi… làm gì?

- Dạ mua để lấy đất đá bán cho các dự án đô thị mới. Cậu cứ hình dung ruộng lúa nước sâu như vậy mà đổ thành đất nền cao hơn mặt đường cả mét, rồi lại nâng tiếp mặt đường lên, thì núi cũng bay ấy chứ. Cứ xúc hết một quả núi "mình" còn được mặt bằng chỗ ấy nữa.

- Anh ấy làm nghề gì?

- Dạ trước nhà cháu có nghề làm hòn giả sơn. Quanh năm đi đắp núi giả, làm thác nước giả cho các khu du lịch. Làm ăn với các đại gia nhiều nên cũng đỡ hơn nông dân chúng cháu.

Ông già gọi mấy món đặc sản "quê hương" rồi gập cuốn menu lại. "Núi vốn là đá, nhưng  đá không phải núi, phải vậy không?".

- Dạ nó thì vậy - bà khách cười.

Anh chàng phục vụ cầm phiếu đi vào nhà bếp. Biết ngay mà. Nhìn cung cách lịch thiệp vậy chứ đừng hi vọng ông già sẽ "đập phá" nhiều. Nói cho nhanh ông không thuộc băng nhóm những bố già có tiền, chịu chơi.

Truyện dự thi: Con gà rừng - Ảnh 1.

Khi người phục vụ mang các món ra, ông già vội cuộn bức tranh cùng mảnh lụa gói cho vào trong chiếc ống nhựa, đóng nắp lại để nằm sát tường, vừa nói tiếp câu chuyện đang dở:

- Năm ấy lụt trắng đồng, lúa mất hết. Người làng bỗng chốc thành rảnh rỗi rủ nhau vào rừng kiếm củi bán đổi gạo. Hôm ấy cũng  là ngày đầu tiên tôi theo chị Hái đi rừng. Chị Hái lúc ấy hai mốt, đã làm dâu nhà cụ Đồ được hai năm. Bố cháu lúc ấy đang đi học trường Tây. Bố cháu mười bảy, kém mẹ cháu bốn tuổi.

Chúng tôi nhập đoàn cùng nhiều người làng. Đi từ đêm. Vào đến rừng mới tờ mờ sáng. Khi đi qua những dải đồi, sương trên lá còn quệt ướt quần áo, nhiều hoa sim hoa mái rất đẹp. Lúc bắt đầu chuẩn bị leo qua Quèn Vôi, tôi đã chứng kiến một không khí thần bí nghiêm trọng. Cả đoàn tiều phu im lặng dồn sức vào những bậc đá chênh vênh trên lối mòn, thở phì phò. Có lẽ trong đầu ai cũng nghĩ đến "ông" nhưng không ai dám nhắc. Tôi đã được dặn trước, khi leo qua quèn không được nhắc đến "ông". Tuyệt đối không được nhắc hai tiếng hùm với hổ. Trong rừng chỉ được hú, không được gọi thẳng tên ai.

Lúc thấy con gà rừng đã gần trưa. Nó làm tôi giật mình vừa kịp kêu "Gà rừng, gà rừng" thì nó đã lủi mất dạng sau bụi mây gai chằng chịt. Chắc chắn ổ nó trong bụi lau này, tôi nghĩ, khấp khởi vạch tìm. Chị Hái bảo không tìm được đâu, gà rừng giấu ổ kĩ lắm. Chị nói trong lúc vẫn chặt củi không dừng tay.

Con gà giấu ổ kĩ thật. Rõ ràng tôi thấy nó bay ra từ bụi lau, nhưng tìm đi tìm lại không thấy gì cả. Biết đâu nó đang cười thầm dõi theo tôi từ một bụi rậm khác, một kẻ thù mới chậm chạp hơn nó nhiều nhưng cũng thích trứng nó và cả thịt nó chẳng khác lũ thú rừng. Những người đang kiếm củi gần đấy cũng không ai bận tâm đến con gà như tôi. Chắc họ đã biết không thể nào tìm được ổ trứng, càng không thể bắt được con gà. Ngày rất ngắn. Người ta phải kiếm thật nhanh, thật nhiều cho một ngày đi rừng.

Buổi trưa tôi với chị Hái ăn chung một nắm cơm với một nắm lang khô nấu đậu đen ngào mật gói lá chuối khô. Lang khô nấu đậu đen ngào mật là món của nhà giàu. Thường thì người ta chỉ nấu mỗi khoai lang khô với muối. Chị Hái nói gà rừng khôn lắm, nếu nó bay ra từ bụi lau thì ổ nó phải ở chỗ khác cách đấy xa. Khi xuống ổ nó im lặng chui luồn qua nhiều bụi rậm khác, thấy khoảng cách đủ an toàn rồi nó mới xổ ra tiếng quác quác .

"Nhưng lúc trứng nở nó cũng phải dẫn lũ gà con ra rừng bới đất kiếm mồi chứ, làm sao giấu mãi được".

Chị Hái không nói gì. Chị đã xong bữa ăn bằng một chùm quả chấm muối tráng miệng. Chị nhìn đống củi như ước lượng không biết sang chiều đã đủ gánh chưa. Tôi ăn nốt miếng khoai cuối cùng với dúm muối vừng còn trên lá. Vừa xong đã nghe tiếng chặt phát loạt xoạt, mọi người đã đứng lên tiếp tục. Người ta làm nhanh ăn nhanh, đã kịp nghỉ ngơi được 15-20 phút. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện nên lâu.

Cháu kêu thêm gì đi. Thích gì cứ gọi tự nhiên đi. Lâu quá tôi mới được thấy lại các món này.

- Dạ được rồi, cậu kệ cháu.

- Cứ tưởng làm tiều phu đốn củi như Thạch Sanh thì có gì không làm được. Nhưng nghề nào cũng cần có "tay nghề". Tôi không làm được ngay từ công đoạn đầu tiên là xoắn hai cây múc tươi cho dẻo để nối lại với nhau thành sợi dây đai bó củi. Tay tôi không đủ sức, không sao xoắn cho cái cây cứng như vậy thành mềm dẻo để bắt chúng lại với nhau.

Nhìn tôi lóng ngóng mãi, chị Hái nói "nhìn đây", rồi chị nối làm mẫu cho tôi hai dây. Nối xong chị thở dài chặt tiếp bốn cây múc nữa, nối giúp luôn hai dây còn lại, trải sẵn xuống một chỗ tương đối bằng để tôi chặt được cây củi nào thì bỏ lên. Cây múc là loại cây nhỏ bằng ngón tay, thân mọc thẳng, lá tròn to bằng lá mướp, vỏ dày màu nâu nhiều xơ như vỏ cây đay. Cây ngắn, phải nối hai cây lại mới được một dây. Không hiểu sao nhìn cái cây cứng như vậy mà người ta lại nghĩ ra việc dùng nó làm dây bó củi được. Có lẽ đó cũng thuộc về nghề, vì không phải chỗ nào cũng sẵn dây rừng.

Củi đun thì thế nào cũng được, nhưng củi bán phải chắc phải đẹp. Muốn kiếm được những cây củi chết róc to bán được tiền phải vào thung sâu, leo lên sườn núi cao, chui vào bụi rậm. Củi chết róc là những cây những cành đã chết khô nhưng còn chắc chưa mục, vẫn phải chặt. Mọi người đều thạo việc. Họ chặt phát nhanh, gọn, ít tốn sức. Tôi chặt ba, bốn nhát mới được một cây, vừa mệt vừa rát đỏ tay.

Trên núi không có đường mòn, phải tự tìm chỗ đặt chân lên đất đá hay quặp chặt 5 đầu ngón chân vào rễ cây để leo. Đi người không đã khó nên không thể vác củi. Người ta phải lao xuống từng chặng một cho đến khi xuống đến chân núi. Tôi bắt chước chị Hái cũng đạp một chân lên bó củi, hai tay siết hai đầu dây cho thật chặt rồi mới xoắn hai đầu cây múc vào nhau thật nhiều vòng. Thế nhưng khi tôi vác lên lao xuống, cả hai bó củi đều xổ ra tung tóe. Lúc ấy tôi chỉ muốn khóc. May có cô Phin ở gần đến thu nhặt giúp rồi bó lại lao xuống tiếp cho.

Công đoạn cuối cùng là cắm một đầu đòn càn xuyên vào giữa bó củi xốc lên cao quá đầu, tì đòn vào vai để cắm tiếp đầu kia xuống bó củi thứ hai, nhấc gánh lên, nhún thử mấy bước xem đã cân bằng chưa rồi mới hất gánh xuống khỏi vai ngồi nghỉ chờ người khác. Tất cả đều cần thể lực và cơ bắp. Tôi thấy mọi người khi thực hiện "kĩ thuật" này đều phải gồng hai bắp tay, rùn đầu gối xuống, cố hết sức. Người càng khỏe gánh củi của họ càng to. Nhiều người bị loạng choạng  nhưng ai cũng tự làm lấy được, không ai nhờ ai giúp, như đã thành lệ của nghề.  

Hiểu như vậy nên tôi loay hoay tự làm. Cũng xiên đầu nhọn đòn càn vào giữa bó củi ráng nhấc lên, nhưng bị mất thăng bằng đứng không vững, một tích tắc nữa là tôi ngã ngửa xuống chân núi nếu không có chị Hái với vài người nữa nhanh chân chạy đến. Tôi đã tin chắc sẽ bị bó củi rơi ụp xuống mặt đè lên người.

- Chắc vì sợ đi củi quá nên cậu bỏ nhà đi?

Ông già lắc đầu.

- Hôm ấy cả đoàn tiều phu cất gánh lên vai vào khoảng ba giờ chiều. Lên tới đỉnh quèn thì ngồi nghỉ. Tôi đau vai quá chỉ muốn nghỉ lâu lâu. Đòn càn làm bằng một khúc tre già rất cứng, nó không cong không nhún nhảy như đòn gánh, đau vai lắm. Nhưng cả đoàn đã cất gánh. Người ta giục nhau đi nhanh ra khỏi rừng trước giờ "ông" bắt đầu đi kiếm mồi.

Mãi đến khi ra hẳn khỏi cửa rừng mới được hạ gánh nghỉ lần nữa. Lần này ngồi lâu hơn. Khi ấy tôi mới biết anh Viềng đã gặp "ông". Anh Viềng thấy "ông" đang nằm ngủ, đống bọt mép đã to bằng cái nồi ba! Mọi người xôn xao bàn tán, vừa chia nhau những quả me rừng. Cháu biết me rừng không? Nó bằng hòn bi ve, tròn đúng như hòn bi ve màu xanh, chua lắm, nhưng ăn xong uống nước vào sẽ thấy có vị ngọt ở cổ.

Tôi để ý thấy trên gánh củi của ai cũng có thêm một thứ gì đó lấy từ rừng. Một chùm lá mơ ren mang về phơi khô để gội đầu, một cuộn dây bòng bong để giặt chiếu, một bọc quả bồ hòn để giặt quần áo thay xà phòng, những củ nâu để nhuộm vải, một bọc hạt gắm người ta nói lấy từ đống cứt của "ông", không biết chuyện này có thật không? Chị Hái cũng lấy về một bó dây lá nhằng để phơi khô làm trà cho cụ Đồ. Bó lá còn tươi xanh như mọc lên từ gánh củi khô, còn nguyên cả mấy cái hoa nhỏ xíu trắng muốt thơm lựng. Tôi hỏi sao chị không cắt phơi từ sáng? Vì cụ Đồ có làm thuốc, cụ dạy rằng những cây thu hái thân lá thì hái buổi sáng là tốt nhất.

"Hái buổi sáng thì ngon nhưng hại cây. Ban đêm cây ngấm sương hút nước dự trữ để ban ngày chống chọi với nắng. Mới sáng ra mình đã cắt cụt mất làm cả ngày cây bị mất nước, nó khát".

Người nói câu này là cô Phin, không phải chị Hái. Phin mười sáu, hơn tôi có một tuổi nhưng gánh củi của cô ấy gấp đôi của tôi, cây to đều chằn chặn. Lúc chiều khi tôi vừa xuống đến chân núi thì bỗng nhiên một đàn khỉ rất đông ào tới, nó quăng mình chuyền từ cây này sang cây kia ào ào như gió cuốn làm tôi sợ quá hét lên. Phin nhìn thấy, cô ấy cười bảo khỉ nhện đấy mà, không sợ đâu. Tôi xấu hổ quá. Tại buổi sáng trước khi leo quèn, tôi nghe mọi người kể những chuyện hung dữ của khỉ Thung Dài. Họ còn dặn cánh đàn bà con gái nếu gặp khỉ phải kêu đàn ông con trai đến ngay! Để chữa ngượng, tôi với bẻ một cành hoa lung lăng. Hoa này đẹp mà thơm lắm, phải vào thung sâu mới có. Phin lại kêu lên "Đừng!". Nhưng tôi đã bẻ rồi. Cô ấy nhìn chùm hoa, nói khi bị ngắt khỏi cây "nó" sẽ chết. Đấy, nó bắt đầu rũ xuống rồi kìa.

À, cháu hỏi có phải vì sợ đi củi mà tôi bỏ nhà cụ Đồ đi? Tôi biết cháu đùa, nhưng tôi đi là đi theo cô Phin. Trẻ con mà. Cô Phin sau đấy đi ở cho một nhà ở làng Đạo. Nhà họ hay ra thành phố cất hàng về bán, họ hay đưa cô ấy theo để gánh hàng từ ga tàu về. Khi họ di cư vào Nam cô ấy đi theo, hay họ mang cô ấy đi tôi cũng không biết.

- Dạ.

Bà cháu gái "dạ" và nhìn ông già chờ nghe tiếp, nhưng ông lại nói:

- Cảm ơn cháu đã lắng nghe. Tôi nói nhiều quá. Cháu chắc đi củi giỏi lắm nhỉ?

- Bây giờ làm gì còn đi củi nữa hở cậu.

- À phải tôi quên mất. Bây giờ bếp điện bếp gas rồi.

- Dạ không. Bếp điện bếp gas thì chưa. Nhưng rừng giờ… không có củi nữa.

- Cháu nói gì?

- Bây giờ nấu than nhàn lắm cậu ạ. Than nhà máy nhiệt điện thải ra mênh mông, có hai đồng một xe bò, rẻ như cho ý mà. Chứ rừng giờ người ta xây nhà ở trong ấy rồi. Có cả nhà hàng nhà nghỉ, có cả đường ô tô rồi chứ cậu. Giờ vào Thung Dài không phải leo qua Quèn Vôi nữa.

Ông già im lặng. Bà cháu gái nói tiếp. Bây giờ làm ruộng cũng nhàn lắm. Phun thuốc diệt cỏ xong mới gieo sạ nên không phải làm cỏ. Đến mùa thì thuê máy gặt họ tuốt ngay tại ruộng cho, không khổ như ngày xưa. Ngày xưa kinh thật cậu nhề. Nghe mẹ cháu kể đi làm khát nước cứ lấy nón múc nước ruộng lên uống. Đói bới trộm khoai non của hợp tác xã mang xuống ngòi rửa qua quýt cắn ăn rau ráu.Vậy mà không biết sao các cụ cứ sống chín mươi, một trăm.

- Này - ông già nói - Hôm ấy có con gì ở trong núi nó cứ kêu goam… goam… goam suốt cả ngày từ sáng tới chiều. Nó cứ kêu như vậy, chậm rãi đều đều như một cuốn băng. Tiếng nó vang vọng khắp thung lũng. Buổi sớm nắng lên nghe thấy vui. Nhưng càng chiều xuống càng thấy buồn buồn. Mình không nhìn thấy nó, không biết nó là con gì?

- Cháu chịu - cô cháu gái lắc đầu và lại cười.

- Tôi thấy trong thực đơn nhà hàng có nhiều thịt thú rừng. Nào kỳ đà, nai, nhím, cheo, chồn…

- Họ mua từ nơi khác chở về đấy cậu, quanh đây không có đâu.

- Thế không bị cấm à?

- Dạ cũng cấm nhưng mà… chả biết sao họ vẫn bán.

- Ngày trước làng mình không ai biết đi săn, cả mấy làng lân cận cũng vậy, không hiểu tại sao. Mãi tới khi có một người đàn ông xứ Nghệ lưu lạc ra, ông ta thành thợ săn duy nhất trong vùng, trước và sau ông ta không có ai. Mỗi khi ông ta săn được thú mang về cánh đàn bà trẻ con hay rủ nhau đến xem. Các cô các bà hay xin mấy chiếc lông nhím mang về khêu ốc, làm trâm cài tóc, thật là hoang dã (ông lắc đầu). Bọn trẻ con hay xin nắm vảy tê tê về chơi. Còn sừng hoẵng, nanh lợn lòi ông ta không cho. Ông ta còn bắt được cả bò rừng con mang về bán, gọi là bò quèn. Người làng phục lắm, nhưng vẫn không ai theo. Không biết có phải do tập quán ngại nghĩ nhiều, ngại thay đổi, hay do tính cách thụ động di truyền chỉ biết kiếm nhặt những thứ có sẵn, chứ nói do thiện lương thì không hẳn. Tôi nhớ lúc nhìn thấy con gà rừng tôi đã rất vui mừng nghĩ đến món thịt gà.

Ông già cười. Bà cháu gái cũng cười. "Đấy là ngày xưa thôi, bây giờ khác rồi cậu".

- Này, lúc ở trên núi nhìn xuống tôi thấy Thung Dài giống hình lòng thuyền, phải vậy không? Mạn thuyền đằng kia bạt ngàn sim đang nở hoa. Còn đằng này  bạt ngàn cây cơm nếp. Giống như hai loại cây này phân chia lãnh thổ vậy. Phần lãnh thổ nào cũng có xen những cây rừng khác, nhưng nhìn xa chỉ thấy một phía toàn sim, một phía toàn cơm nếp. Lúc ấy tôi tưởng sim có hai loài hoa tím và trắng. Nhưng khi xuống núi tôi đến gần nhìn kĩ mới thấy không phải vậy. Cũng một cái hoa ấy thôi, khi mới nở nó màu tím sẫm. Sau mấy ngày sắc tím nhạt dần rồi bạc trắng ra. Khi chuyển màu trắng là lúc hoa sắp rụng. Nhờ hoa sim mà tôi nhận ra cách vận hành của sự vật. Ban đầu khác với sau đó, cuối cùng là đổi màu.

- Dạ vâng.

- Còn cây cơm nếp chưa có hoa. Khi có hoa cây bắt đầu già rồi tàn dần. Nhưng lúc ấy nó chưa có hoa, đang non mơn mởn. Mỗi lần có cơn gió qua thung, cả vạt rừng cây cơm nếp  lại dập dờn như sóng lúa. Không, không phải sóng lúa. Thế nào nhỉ. Nó giống như khi mình đi trên đê nhìn xuống bãi ngô bạt ngàn ven sông lúc ngô sắp trổ cờ, màu xanh của cây mới lớn đang độ thanh tân, mát mắt lắm.

- Ối. Bãi ngô giờ thành sân "gôn" rồi cậu ạ. Sân "gôn" quê mình 54 lỗ to nhất nước cậu nhé, nghe nói đẹp nhất cả Đông Nam Á, được in hẳn một bộ lịch tờ đấy.

- Ồ! - ông già ngồi đờ ra mấy giây - Vậy còn… ngôi miếu trên đỉnh Quèn Vôi còn không?

- Dạ còn, bây giờ gọi đền Quèn Vôi thiêng lắm đấy cậu. Ngày tết, mà nhất là rằm tháng bảy, người đi lễ cứ đông nườm nượp, lửa đốt mã cứ rừng rực như đám cháy rừng suốt ngày. Nguyên lò hóa vàng phải bằng nửa gian nhà. Thanh minh năm nay nhà cháu cũng đốt cho ông bà hết một chỉ vàng đấy. Bây giờ không chỉ đốt quần áo nón mũ dép guốc như ngày xưa đâu, phải đốt cả tivi tủ lạnh điện thoại ngựa xe nhà cửa cho các cụ nữa. Cứ mỗi thứ 3 nhân 3 là 9 bộ xếp một hàng dài thế này này, đốt cho cả cửu huyền thất tổ mà cậu. Xe phải xe hơi. Nhà phải nhà cao tầng hay biệt thự, chứ hàng mã người ta không làm nhà nhỏ.

- Nhà cao tầng mà có thang máy không?

Ông già hỏi và cười. Cô cháu gái cũng cười.

- Sao đã ngựa lại còn xe. Sao phải đốt tất cả những thứ ấy. Cứ gửi tiền xuống để ông bà tự mua sắm theo ý mình không được à?

- Có tiền vàng nữa chứ cậu, nhưng tiền vàng chỉ để các cụ ăn quà thôi. Mình con cháu phải sắm cho ông bà đầy đủ ông bà mới phù hộ chứ.

- Cháu nói thật hay đùa?

- Dạ thật chứ cậu. Có người còn đốt cả bàn cờ tướng cần câu nàng hầu cho các cụ ông, hoa tai khăn nhiễu cho các cụ bà. Nàng hầu trên đền Quèn Vôi có cả kho, cô nào cũng mặt hoa da phấn lộng lẫy như công chúa. Người ta nói hàng mã trên đền Quèn Vôi mình  còn đẹp hơn cả hàng mã bán ở Hà Nội thời Pháp nữa đấy. Quê mình giờ phát triển, tâm linh cũng phát triển lắm cậu ạ.

- Tại sao? Đồng tiền làm ra không dễ dàng, cho dù có dễ dàng cũng không thể ném vào đống lửa như vậy. Cháu nói bán một tấn lúa mới đổi được một chỉ vàng. Đốt giấy mã hết một tấn lúa? Cháu biết tục đốt mã có từ đâu không? Cháu có biết phát triển tâm linh là thế nào không. Là tâm thức người ta ngày càng đến gần Chúa trời, à gần Phật tính hơn. Cháu theo Phật giáo phải không?

- Dạ vâng. Chồng cháu làm ăn nên tháng nào cháu cũng đi lễ. Các đền chùa thiêng xa mấy cháu cũng đi.

Ông già im lặng. Lúc sau ông trở lại giọng nhỏ nhẹ.

- Vậy chắc không phải. Ngôi miếu xưa nhỏ lắm, cửa miếu phải cúi đầu chưa chắc đã chui lọt. Nó cách đường mòn khoảng chục bước chân, dưới một vòm cây rậm ánh nắng không rọi xuống được nên có vẻ âm u. Chung quanh chỉ có đá núi rừng hoang rậm rạp, không có gì cả.

- Đúng mà cậu. Trên Quèn Vôi chỉ có một ngôi đền đó thôi. Tất cả những lò hóa vàng, nhà bếp nhà nghỉ cho khách thập phương, khu bán vàng mã với am thờ ông Đục đều mới xây thêm sau này.

- Am thờ ai?

- Dạ ông Đục. Ông Đục con ông Tràng thợ mộc ngày xưa, không biết cậu còn nhớ?

- Nhưng sao lại thờ ông ta?

- Quê mình mang ơn ông ấy mà cậu. Cả tỉnh có mình ông ấy được phong anh hùng lao động đấy. Thời hợp tác xã ông ấy phát động cả 3 làng tấn công vào Thung Dài khai hoang trồng sắn trồng dong cứu đói. Những gò sim gốc lớn bằng cái bàn này chúng cháu cũng đánh bật lên hết, là chỗ rừng sim cậu nói đấy. Cũng nhờ ông Đục phát động khai hoang, sau này lại cho xẻ núi mở đường vòng vào Thung Dài nên mới được như bây giờ. Sân "gôn" cũng nhờ ông ấy kéo về cho xã mình. Cũng ông ấy cho bạt đỉnh núi mở rộng đền Quèn Vôi. Xây bậc cấp lên đền cũng công của ông ấy hết chứ. Đường mòn cũ giờ nước mưa xói lở cây cối um tùm không ai đi nữa.

- Rồi ông ta cho xây am thờ mình?

- Dạ không, là người các làng tự xây. Cậu này, về làng cậu đừng nói như vậy về ông Đục nhá, người ta không thích đâu. 

- Thế những cổ thụ quanh miếu có bị chặt không?

- Phải chặt hết chứ cậu. Nhưng người ta dâng cúng nhiều chậu cây cảnh đẹp lắm. Có chậu nghe nói giá những mấy cây vàng.

- Người làng mình ngày trước sống nhờ rừng. Làm nhà vào rừng đi lau cắt tranh. Trồng rau vào rừng lấy cây rào vườn. Mùa đông vào rừng lấy gốc lấy củi sưởi. Năm nào mất mùa lên rừng hái rau đào củ nhặt hạt nhặt nấm, lấy rún, chặt cây búng báng về vạc ra giã lấy bột ăn. Rồi chặt củi hái sim bán lấy tiền đong gạo. Có lúc tôi đã nghĩ có thể ngôi miếu trên đỉnh Quèn là của người xưa lập để tạ ơn rừng. Tôi nhớ lúc bất ngờ nhìn thấy tôi đã rất sợ. Tôi chỉ cho chị Hái nhưng chị ra hiệu đi đi đừng hỏi linh tinh.

Về sau tôi có hỏi nhiều người, người nói miếu thờ thần núi, người nói miếu thờ vong hồn người bị hùm vồ, người nói thờ vong những người bỏ mạng khi đi rừng. Mọi người đều nói quanh miếu nhiều ma lắm. Chỉ có cụ Đồ với mấy người học trò bảo ngôi miếu có cả ngàn năm rồi, người xưa xây trên đỉnh dãy núi Vôi để trấn giữ kinh thành phía ấy. Mỗi lần nhớ lại tôi vẫn nghĩ chỉ cần nghiên cứu vật liệu xây hay giải mã được những chữ cổ bên trong là có thể biết miếu thờ ai, xây vào triều đại nào.

- Rún là gì vậy cậu?

- Nó là rêu đá. Chị… cháu chưa ăn rún bao giờ à?

- Chưa ạ, cháu không biết, chưa thấy bao giờ

- Vậy có ăn quả chấm muối chưa?

- Dạ chưa. À có. Quả chấm muối nhỏ như hạt cốm dẹp phải không ạ. Hồi nhỏ cháu có ăn một lần. Chua lắm.

- Chấm muối lúc còn non màu xanh, khi già nó tự sinh ra lớp phấn trắng phủ ngoài thoạt nhìn như muối nên gọi quả chấm muối. Tôi ngốc nghếch tưởng muối thật, nhấm hết cả chùm cũng không thấy mặn chỉ thấy chua. Quả rừng phần nhiều đều chua. Ngọt thì chỉ có sim với cuồng cuồng, nhưng phải chín thật mọng. Nếu chưa chín mọng, cuồng cuồng vẫn chua, còn sim thì chát.  

- Cậu đi củi có một ngày mà nhớ nhiều thế.

- Ngày tôi còn bé, mỗi lần bà ngoại cháu đi rừng về hay có quà cho tôi là một loại quả rừng tùy mùa. Chỉ có quả cuồng cuồng hình như có quanh năm. Lúc ngồi nghỉ ngoài cửa rừng, tôi thấy trên gánh củi của nhiều bà cũng treo một bọc quả rừng gói trong vuông khăn vải y như vậy, họ mang về làm quà cho con.  

- Giờ cháu biết tại sao cậu kêu ly nước quả mâm xôi này rồi.

- Nước này chỉ có hương quả thôi. Tôi vẫn quen gọi quả cuồng cuồng.

- Mẹ cháu hồi trước cũng hay kể lúc ông ngoại mất rồi bà ngoại cũng mất, cậu thành mồ côi, đêm ở nhà một mình sợ ma, ông nội cháu cho gọi cậu về nhà ông ở, nhưng cậu không thích nên bỏ đi.

- Từ nhỏ tôi được mẹ cho đến nhà cụ Đồ theo học. Mọi việc trong nhà mẹ với chị làm hết. Sau chị đi lấy chồng, rồi mẹ mất trong một tai nạn khi đi rừng… Xin lỗi năm nay cháu bao nhiêu nhỉ.

- Dạ cháu bốn bảy ạ.

- Bốn bảy. Vậy là tôi đi mười bốn năm cháu mới ra đời. Năm ấy mẹ cháu hai mốt, bây giờ cháu bốn bảy.

- Dạ vâng. Cháu là đứa thứ tám, sau cháu còn một đứa em nữa. Đấy là bố cháu hồi đi dân công bị trúng bom mất lúc mới ngoài ba mươi, nếu không chắc cháu còn em nữa. Nhà cháu chín anh chị em, nhưng giờ chỉ còn  mỗi vợ chồng cháu ở nhà. Đi tứ tán hết cả.

- Đi đâu?

- Dạ đi khắp nơi. Giờ bọn trẻ cũng vậy, cứ lớn đến đâu bỏ làng đi đến đấy. Đi nước ngoài, đi Tây Nguyên, đi vào các khu công nghiệp. Cũng quăng quật lắm. Cháu nghĩ chả đâu bằng quê hương cậu ạ.

- Mỗi lần đi một lần bỏ lại hết tất cả làm lại từ đầu. Tôi cũng lang bạt gần cả đời, cũng quăng quật lắm.

- Vâng, nhìn cậu là biết. Cháu nghe người ta nói ở nước ngoài phải làm việc khổ lắm.  Cậu này, hồi chiến tranh cậu có đi lính không?

- Có - ông già bỗng như sực nhớ ra - Tức là bây giờ tôi về chỉ gặp có hai vợ chồng cháu thôi?

- Dạ vâng. Nhưng ông Viềng ông Hành ông Sộp bà Kiệu vẫn còn. Bà Kiệu một trăm lẻ sáu tuổi rồi.

- Ồ. Bà Kiệu vẫn còn sống ư?

- Dạ vâng. Bà ấy vẫn còn quét nhà nhặt rau được. Ông Viềng chín mươi, ông vẫn còn nhớ cậu đấy. Có lần nhìn dinh cơ nhà cháu, ông ấy bảo ngày xưa cứ nói nhà ông Đồ giàu, chứ giờ cháu nội ông ấy còn giàu gấp mấy.

- Cụ Đồ mất năm nào cháu biết không?

- Dạ nghe mẹ cháu nói ông cháu mất sau năm cải cách ruộng đất.

Ông già im lặng cầm ly nước "hương mâm xôi" lên nhấp một ngụm. Ông nói gì đó nhưng đúng lúc đám khách ở bàn phía ngoài hô cụng ly ồn ào át đi.

- Cậu này, sao bây giờ cậu mới về? Ngày trước mẹ cháu cứ hay nhắc, bảo không biết cậu còn sống không mà không thấy tin gì.

- Cháu ăn thêm gì đi chứ.

- Dạ được rồi cậu.

- Cơm này cơm gạo gì?

- Dạ cháu cũng không biết. Giờ nhiều giống lúa mới cháu chả nhớ tên. Ăn được không cậu?

- Cũng được, nó dẻo, thơm, nhưng nhạt. Ngày xưa vụ mùa có gạo dự, gạo mục tuyền ngon lắm.

- Ngày xưa cấy giống lúa sáu tháng cơm đậm đà hơn, giờ toàn lúa ba tháng. Với bây giờ gạo xay xát bằng máy nó gọt trắng quá ăn cũng nhạt hơn gạo giã ngày xưa.

- Món này - ông lại xúc lên một muỗng "súp" và bỏ xuống - nấu không đúng, không giống nhà mình nấu hồi xưa. Ngày xưa miếng chuối nó trắng, mềm nhuyễn chứ không sượng thế này.

- Dạ tại nhà hàng họ mua chuối già để lâu nó mất nhựa.

- Món cá này cũng kho chưa kĩ. Tôi nhớ món cá đồng kho khô trong trã đất vùi đống trấu ngày xưa, thơm mùi lá nghệ, lá gừng, hay rau răm, mùa đông ăn với cơm nóng…  

- Bây giờ nhiều gia vị hơn chứ cậu. Nhà hàng người ta phải nấu khác nhà quê chứ. Nhưng cháu sợ lắm. Trông đẹp vậy chứ cái gì cũng độc. Cháu chỉ ăn rau nhà trồng với gà vịt mình tự nuôi thôi.

Ông già nhìn sững cô cháu gái, hình như ông đã hiểu vì sao bà ta không hào hứng gọi món ăn, không động đũa đến món salad trộn mà ông tưởng phụ nữ rất thích. Bà ta vô tư bồi thêm. "Cá này cũng là cá nuôi bằng cám công nghiệp. Bây giờ ruộng đồng thuốc nhiều quá làm gì còn cua cá nữa cậu. Chỉ có ốc bươu vàng sống được thôi".

Ông già nhìn một lượt các món trên bàn rồi ra hiệu gọi người phục vụ tính tiền.

- Nghe mẹ cháu nói - bà khách tiếp - hồi xưa đi gặt thỉnh thoảng lại vớ được tổ trứng chim lấm đấm trong lúa. Giờ tuổi như thằng cháu này - bà khách chỉ anh chàng phục vụ - có biết con chim lấm đấm nó thế nào đâu mà. Chim cuốc cũng vậy. Cứ chuối chín già có lốm đốm đen thì gọi chuối chín trứng cuốc, nhưng chả thấy trứng cuốc bao giờ.

Ông già lấy kính ra đeo để kiểm tra lại phiếu tính tiền. Xong ông rút tiền đưa cho người phục vụ.

- Chim lấm đấm tôi nhớ - ông nói - Nó hay kêu lấm đấm, lấm đấm ngoài ruộng lúa.   

Khi anh chàng phục vụ mang tiền thừa ra trả lại, anh thấy ông già đang cầm trong tay chiếc hộp thiếc đưa cho cô cháu gái. 

- Đây là quà cho cháu. Đây nữa.

Ông với lấy chiếc ống nhựa đựng bức tranh đặt cạnh hộp quà. "Về nhà tôi sẽ tìm thợ làm khung sau".  

Cô cháu gái mở chiếc hộp ra.

- Cậu cho nhiều thế. Cháu xin. Còn bức tranh này… chắc là quý lắm. Hay thôi cháu nghĩ cậu cứ giữ nó đúng người hơn.

- Tôi giữ nó nhiều năm rồi. Giờ tôi muốn mang nó về tặng lại người quê. Ở bên đó ngoài tôi ra có ai biết Thung Dài ở đâu đâu.

- Dạ vâng. Nhưng cháu có treo ở nhà cũng có ai biết xem đâu mà, nó phí đi.  

- Thôi được. Còn tiền vé máy bay cho cháu đây. Cảm ơn cháu đã bay vào đón tôi.

- Thôi cậu cho nhiều rồi. Cháu đi xe khách đường dài chỉ hơn trăm thôi, không đi máy bay.

- Không đi máy bay, còn tàu hỏa thì sao?

- Dạ vé tàu lửa cũng cao lắm. Chỉ ô tô là rẻ nhất thôi.

- Nhưng tại sao phải phung phí sức lực thời gian như vậy - ông lắc lắc đầu - Còn một việc nữa. Tôi muốn mua một quả đồi. Cháu có thể nói với anh ấy mua giúp tôi một quả đồi không? Yêu cầu là trồng lại sim, trồng rải rác thôi, rồi nó sẽ tự mọc. Ở đâu có sim sẽ có cây mái. Còn cuồng cuồng, cỏ lau cỏ tranh và tất cả cây rừng khác dần dần nó sẽ tự mọc. Sao cho phục sinh lại một quả đồi như đồi hoang là được.

- Vâng, xong làm du lịch cũng được lắm đấy cậu. Du lịch sinh thái giờ người ta lại thích.  

- Không. Tôi muốn hiến thân cho cây rừng theo cách của một nhà thơ Mỹ. Tức là, ý tôi là, nhờ cháu sau này giúp rải tro cốt tôi lên quả đồi ấy để bón cho cây rừng, có được không?

- Dạ? Nhưng đồi giờ đều đã có chủ. Người ta đang trồng keo trồng bạch đàn lấy gỗ, cậu muốn đợi cây đủ tuổi người ta bán gỗ xong, hay mua luôn cả cây non?

Ông già lật lật xấp tiền thừa, lựa một đồng tiền mới nhất kẹp lại trong hóa đơn làm tiền típ cho người phục vụ. "Cảm ơn", ông nói và quay sang cô cháu gái:

 - Cháu có dùng trà không? Ra kia uống trà cho tỉnh táo rồi mình đi, vừa đi đường vừa nói chuyện.

- Đi đâu cậu?

Bà cháu gái nhìn ông già, như chợt hiểu, bà ta hào hứng như một đứa trẻ thích thú chìa món quà bất ngờ ra khoe với người lớn. "Đây là Thung Dài mà cậu. Mình đang ở Thung Dài rồi". 

Ông già ngơ ngác nhìn chung quanh. Rồi ông đẩy ghế đứng bật dậy đi ra cửa, dáng vẻ nhanh nhẹn. Ra đến giữa sân ông đứng lại ngước nhìn lên ngọn núi phía sau những ngôi nhà, như đang cố nhìn nhận một người quen cũ.

Người phục vụ bàn kể lại, lúc ấy anh ta lấn quấn cứ muốn hỏi xin ông già bức tranh nhưng lại không dám.

Truyện dự thi: Con gà rừng - Ảnh 5.