Dân Việt

Bộ Tài chính đề nghị VICEM thu hồi khoản nợ nghìn tỷ cho công ty con vay

Quang Dân 15/10/2020 12:32 GMT+7
Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay. Đồng thời, đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) năm 2019.

Theo đó, tổng doanh thu năm 2019 của VICEM đạt 1.393 tỷ đồng (bằng 82% so với năm 2018). Trong đó, doanh thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia là 971 tỷ đồng (giảm 370 tỷ đồng so với năm 2018). Lợi nhuận thực hiện là 1.181 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018, chủ yếu do hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính.

Tổng giá trị đầu tư (giá gốc) của Vicem là 13.643 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 971 tỷ đồng (trong đó chủ yếu từ Cty Xi măng Hoàng Thạch, Cty Xi măng Hà Tiên 1, Cty Siam City, Cty Xi măng Nghi Sơn, Cty Xi măng Chinfon).

Theo phân tích của Bộ Tài chính, tỷ suất cổ tức, lợi nhuận được chia/tổng giá trị đầu tư là 7,1% (giảm 2,7% so với năm 2018).

Bộ Tài chính đề nghị VICEM thu hồi khoản nợ nghìn tỷ cho công ty con vay - Ảnh 1.

Trụ sở VICEM

Nguyên nhân chủ yếu do giảm cổ tức được chia của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (giảm 92 tỷ đồng), Công ty Siam City (giảm 96 tỷ đồng), Công ty Xi măng Nghi Sơn (giảm 150 tỷ đồng), Công ty Xi mang Chinfon (giảm 32 tỷ đồng).

Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết tại thời điểm ngày 31/12/2019, công ty mẹ có số dư nợ phải thu là 2.242 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Xi măng Tam Điệp vay 700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long vay 100 tỷ đồng và Sông Thao vay 288 tỷ đồng. Do các công ty này có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản cho vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay như Cty Xi măng Tam Điệp, Hạ Long và Sông Thao. Đồng thời, đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng, Vicem không được để tình trạng có sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chia cổ tức thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu Vicem chỉ đạo người đại diện tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết biểu quyết tăng tỷ lệ chia cổ tức hàng năm để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn (đặc biệt tại các công ty liên doanh nước ngoài).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát VICEM trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư, rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của VICEM đảm bảo theo đúng chế độ quy định.

"Bộ Xây dựng cần khẩn trương phê duyệt lại phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất của VICEM và thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ - VICEM theo đúng kế hoạch, chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty mẹ - Vicem tại thời điểm ngày 31/12/2019 trong trường hợp kế hoạch cổ phần hóa VICEM có sự thay đổi", Bộ Tài chính đề nghị.