Ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII kết thúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chủ trì cuộc họp thông tin nhanh với báo chí về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết sau Đại hội lần thứ XXII nhằm đảm bảo kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, đây là yêu cầu của Bộ Chính trị đặt ra đối với tỉnh và cũng là quyết tâm lớn của Đảng bộ tỉnh vừa được thống nhất tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
"Để trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước trong giai đoạn 5 - 10 năm tới là cả một quá trình nỗ lực rất lớn, khi mà Quảng Nam nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai do biến đổi khí hậu, của dịch bệnh và chịu nhiều sự tác động của các yếu tố bất lợi khác của diễn biến thị trường quốc tế.
Vì vậy, nhận diện đúng những khó khăn, thách thức đặt ra sẽ giúp toàn tỉnh vượt qua, phấn đấu đạt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới nhằm tạo nên một bức tranh mới, một tỉnh Quảng Nam phát triển khá. Lấy sự phát triển bền vững làm xuyên suốt chứ không đánh đổi môi trường cho sự phát triển…", ông Thanh nhấn mạnh.
Với khó khăn của thiên tai, dịch bệnh như hiện nay làm thế nào để Quảng Nam đạt được mục tiêu như Nghị quyết đề ra trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước? - Phóng viên Dân Việt hỏi.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, hiện nay, việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có vắc xin Covid-19, kỳ vọng khi có vắc xin thì cơ bản dịch bệnh sẽ được kiểm soát.
Để phát triển kinh tế, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã triển khai ký kết các hiệp định thương mai mới mở ra cơ hội lớn để xuất khẩu hàng của Việt Nam ra nước ngoài. Còn đối với Quảng Nam đã tham gia vào các chuổi giá trị toàn cầu, từ ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, may mặc chứ không đứng độc lập. Bên cạnh đó là dung lượng thị trường nội địa, nhất là các đoàn khách du lịch nội địa, quốc tế sẽ phục hồi trở lại.
"Tôi nghĩ rằng, chắc chắn thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, nhưng chủ trương và các quyết sách sẽ tạo những động lực mới để phát triển. Việc chọn phát triển nhanh, bền vững thì rất tốt, còn nếu như thiên tại, dịch bệnh bắt buộc chúng ta điều chỉnh phát triển bền vững thì chúng ta phải chấp nhận...", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh Quảng Nam đã rà soát lại những Nghị quyết mà HĐND tỉnh đã ban hành về sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam trong gia đoạn 10 năm qua và đã báo cáo trước kỳ họp HĐND tỉnh thứ 17 vừa qua.
"Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đề xuất HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành các chính sách mới. Để làm được điều này, Tỉnh ủy sẽ sớm họp thông qua chương trình hành động toàn khóa. Trong chương trình hành động 5 năm này sẽ xác định xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết lần thứ XXII đề ra. Trong đó, sớm hoàn thành quy hoạch của tỉnh Quảng Nam giai đoạn năm 2030, tầm nhìn năm 2050…", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông nhận định như thế nào khi 5 năm đến về tình hình KT-XH-AN-QP của Quảng Nam dự kiến đạt bao nhiêu % theo Nghị quyết đề ra? - Phóng viên Dân Việt tiếp tục hỏi.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, tính khả thi như thế nào thì phải chờ đợi, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm hết mình, nỗ lực trên tình thần cao nhất để làm sao đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
"Tuy nhiên, trong quá tình tổ chức thực hiện cũng phân tích, đánh giá diễn biến của quốc tế thế nào, trong nước thế nào. Riêng Quảng Nam sẽ có những cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp. Còn bây giờ đánh giá được bao nhiêu thì tôi xin phép chưa thể đưa ra được con số bao nhiêu % của từng chỉ tiêu. Nhưng sẽ cố đạt được 100%, vượt thì tốt", ông Thanh chia sẻ.
Như ông nói ban đầu, phát triển sân bay Chu Lai thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không?. Vậy tỉnh Quảng Nam kêu gọi tư nhân đầu tư hay ngân sách nhà nước đầu tư. Nếu tư nhân đầu tư thì có khả thi hay không?.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thanh cho biết, đối với sân bay Chu Lai là một tiềm năng rất lớn của tỉnh Quảng Nam, thời gian qua ngân sách nhà nước đã đầu tư xây dựng ban đầu, hiện nay đã đầu tư hệ thống hạ tầng, đường bay, sân đỗ, nhà ga, hệ thống đèn tín hiệu….
Mới đây, trong buổi làm việc gần đây nhất với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ cùng với các Bộ, ngành đã đồng ý chủ trương cho phép tư nhân được đầu tư vào sân bay Chu Lai và hạn chế dùng ngân sách nhà nước.
"Đầu tư theo hình thức nào thì cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp đầu tư vào sân bay Chu Lai phải cam kết đầu tư đúng theo quy hoạch các khu chức năng của sân bay Chu Lai, chứ không phải là đầu tư đơn thuần.
Hiện nay, tỉnh đã học tập sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và có hướng theo mô hình sân bay Vân Đồn, vì đây là sân bay đầu tiên của cả nước do tư nhân (Tập đoàn Sun Group Sung đầu tư-PV) đầu tư vận hành và khai thác.
Đối với sân bay Chu Lai, hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm. Còn chọn ai thì phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Thanh nói thêm.