Đại hội đại biểu lần thứ XXII tỉnh Quảng Nam: Phấn đấu năm 2025 thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng
Đại hội đại biểu lần thứ XXII tỉnh Quảng Nam: Phấn đấu năm 2025 thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng
Trương Hồng
Thứ hai, ngày 12/10/2020 11:28 AM (GMT+7)
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87%. Thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế đến năm 2025 từ 68 - 70 triệu đồng.
Ngày 12/10, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) với sự tham dự của 347 đại biểu chính thức đại diện cho 69.111 đảng viên toàn tỉnh. Tham dự và chỉ đạo Đại hội tại Quảng Nam có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (khóa XXI) cho biết, 5 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra.
Theo ông Cường, kinh tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng khá; thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực duyên hải miền Trung.
"Từ năm 2017, tỉnh đã tự chủ ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, nổi bật là Thaco Chu Lai - Trường Hải, với nhiều sản phẩm xuất khẩu ra các nước trên thế giới, hướng đến hình thành Trung tâm cơ khí ô tô quốc gia" - ông Cường nói
Dịch vụ - du lịch đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cùng với phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa thế giới, các loại hình dịch vụ, dự án mới quy mô lớn, nhất là khu vực ven biển đã hình thành, tạo điểm nhấn nhằm giúp bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng mừng; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, phương thức lãnh đạo không ngừng đổi mới. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được nâng cao. Đó là nền tảng hết sức quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Trong báo cáo kết quả của Đại hội lần thứ XXI, 5 năm qua, ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay, do chủ động nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; với tinh thần đổi mới, phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, cùng với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tạo tiền đề để Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.
Về kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,53%/năm, xấp xỉ đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, đưa quy mô nền kinh tế lên gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 31,51%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 72,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng; năng suất lao động xã hội năm 2020 là 124 triệu đồng/lao động.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 4,4%/năm; trong đó, thu nội địa tăng bình quân 9%/năm. Cơ cấu lại kinh tế và đầu tư công theo hướng tập trung các nhiệm vụ đột phá, ưu tiên cho vùng kinh tế trọng điểm, vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Mở rộng xã hội hóa, giảm dần tỷ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội...
Về nông nghiệp phát triển ổn định, bước đầu đã xuất hiện các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Việc thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... đạt được kết quả bước đầu. Kinh tế tập thể có chuyển biến nhất định, phương thức hoạt động của một số hợp tác xã được đổi mới hiệu quả. Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt kết quả khả quan. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40,5 triệu đồng/người/năm.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Dự kiến đến cuối năm 2020, có 116/200 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 58%, vượt 8% so với chỉ tiêu Nghị quyết; có 15 xã được công nhận đạt chuẩn "NTM nâng cao", 3 xã được công nhận đạt chuẩn "NTM kiểu mẫu"; 5/18 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM .
Về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, về chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 7,5 - 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110 - 113 triệu đồng; Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 9% (trong đó, thu nội địa tăng bình quân 10%/năm, thu xuất nhập khẩu tăng bình quân 4%/năm).
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%). Thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế đến năm 2025 từ 68 - 70 triệu đồng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.