Đặc sản vùng núi Phú Thọ được người dân vô cùng yêu thích chính là loại rau nhăn nhẳn đắng nhưng lại rất dễ gây nghiện.
Nếu có dịp đến chơi vùng trung du Phú Thọ, có một loại “đặc sản” vô cùng dân dã và mang đậm nét văn hóa ẩm thực nơi đây, đó là rau đắng cảy. Rau đắng cảy có thân nhỏ, cành gầy guộc, lá màu xanh ngắt. Có một điều rất thú vị đó là lá đắng cảy có vị hơi đắng nhưng phần rễ cây lại có vị ngọt mát. Bởi vậy, người dân nơi đây thường lên núi đào lấy rễ cây đắng cảy, mang về băm nhỏ, phơi khô rồi sao vàng lên. Rễ đắng cảy có thể hãm lấy nước uống như một vị thuốc quý.
Người Phú Thọ truyền tai nhau rằng đắng cảy rất bổ dưỡng và có lợi cho máu, huyết áp. Loại cây này cho ra lá quanh năm, nhưng vào tháng giêng, tháng hai âm lịch, khi mùa xuân tới và khí hậu ẩm ướt, cây đắng cảy cho ra những lộc non mơn mởn.
Lúc này rau đang vào độ ngon nhất, người dân lại rủ nhau lên rừng hái lộc non đắng cảy về chế biến món ăn. Để có những đọt rau tươi nhất, ngon nhất, người dân phải chọn những ngày không quá lạnh mà ấm áp một chút.
Các cậu bé chăn trâu cũng tranh thủ nhét thêm vài đọt rau đắng cảy tươi non về cho mẹ xào rau. Mớ rau đắng cảy non mướt, dù cả năm chỉ được thưởng thức một bữa thôi, cũng thấy thỏa lòng.
Rau đắng cảy hái xong phải về chế biến ngay để rau được giòn và ngon. Đắng cảy xào trứng gà, luộc chấm với muối vừng, hoặc hấp trong nồi cơm hoặc nấu cùng cơm lam trong ống nứa,... Tất cả đều là những món ngon và để lại dư vị vô cùng đậm đà. Ngoài ra, lá đắng cảy khi già sẽ dùng để nấu canh. Món canh này ăn nóng có tác dụng giải cảm vô cùng tốt.
Khi nhai, đắng cảy sẽ có vị bùi bùi và nhăn nhẳn đắng y như cái tên. Có thể nhiều người sẽ e ngại loại rau này nhưng khi nuốt xuống, rau sẽ để lại dư vị ngòn ngọt dễ gây nghiện.
Tuy đây là món ăn đơn giản, dân dã trong bữa cơm thường ngày, nhưng nếu chúng xuất hiện trong những mâm cỗ thì sẽ vô cùng đáng quý bởi người dân Hạ Hòa, Phú Thọ chỉ chế biến món này khi có khách quý đến thăm nhà..