"Gái có công, chồng chẳng phụ"
Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, toàn tỉnh mới chỉ có 07 xã đạt 11 - 12 tiêu chí; 88 xã đạt 7 - 10 tiêu chí; 127 xã đạt 3 - 6 tiêu chí; 42 xã đạt 1 - 2 tiêu chí; 03 xã không có tiêu chí nào đạt; bình quân toàn tỉnh năm 2010 đạt 5 tiêu chí; các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế, xã hội khu vực nông thôn hầu hết chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Năm 2010, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 17 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 9,16%. Song, do đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm từ những năm mất ổn định nghiêm trọng khu vực nông thôn với tỷ lệ dân cư chiếm hơn 90% dân số toàn tỉnh, cộng với nền móng vững chắc từ kết quả của 8 xã làm điểm, qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng NTM ở Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 164 xã (62,36%) và 1 huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới, 18 xã đạt 15- 18 tiêu chí, chiếm 6, 84%; 75 xã đạt 10- 14 tiêu chí, chiếm 28,52%; 6 xã đạt 9 tiêu chí, chiếm 2, 28%; bình quân toàn tỉnh năm 2015 đạt 16,53 tiêu chí, tăng trên 11 tiêu chí so với năm 2010.
100% các xã đã hoàn thành lập quy hoạch chung, đề án xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 99,6% số xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục…được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Bình quân thu nhập đầu người đạt 26,1 triệu đồng/người; số hộ nghèo giảm nhanh từ 8,5% (năm 2010) xuống còn 2,9% (năm 2015).
Điểm đặc sắc trong xây dựng NTM của Thái Bình giai đoạn 2010 - 2015 là thực hiện việc dồn điền đổi thửa để phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho nhân dân. Do đặc điểm diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít (bình quân khoảng 500m2/1 khẩu), manh mún (3,67 thửa/hộ), khó khăn cho việc canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nên Thái Bình đã xác định việc dồn điền đổi thửa là nhiệm vụ mấu chốt nhất để phát triển nền sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân mặc dù trong Bộ Tiêu chí về NTM không thể hiện cụ thể nhiệm vụ dồn điền đổi thửa. UBND tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho các xã để thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tạo điều kiện đưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, theo nguyên tắc phát huy tính dân chủ, tự nguyện của nhân dân.
Đến tháng 6/2016, toàn tỉnh đã có 99,6% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,79 thửa ruộng, giảm 1,88 thửa, giảm 51% so với trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa; tạo bước đột phá quan trọng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung.
Đây có thể coi là bước đột phá trong tư duy kinh tế tạo đà cho việc thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng trở lên, đón bắt luồng gió mới từ những mô hình kinh tế hiệu quả của địa phương, trở thành tấm gương tiên phong và sáng tạo trong phong trào "cánh đồng mẫu lớn" sau này của cả nước.
Với phương châm "làm từ trong đồng làm vào làng, làm từ ngõ xóm ra ngoài xã"; ưu tiên những tiêu chí thuận lợi triển khai trước và giữ vững các tiêu chí đã đạt; lấy người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng; ưu tiên thực hiện các tiêu chí phục vụ phát triển sản xuất…, giai đoạn 2010 – 2015, kết quả xây dựng NTM ở Thái Bình đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với 154 xã đạt chuẩn NTM (vượt 84 xã và bằng 220% so với mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU), có 01 huyện (Hưng Hà) đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân của các xã trong toàn tỉnh đạt 16,5/19 tiêu chí.
Tạo động lực nội sinh cán đích sớm
Cùng cả nước đồng lòng chung sức, từ năm 2016, xây dựng NTM không chỉ còn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, hiệu quả trong toàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn có bước chuyển biến rõ rệt, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh; đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất và 55% khâu thu hoạch, đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện đáng kể; hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới điện, trạm bơm, cống đập, chợ, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, trạm y tế, trạm cấp nước sạch, bãi xử lý rác thải... được tập trung đầu tư xây dựng theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất đặt ra là trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp thì nguồn vốn để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn rất lớn, đây cơ bản lại là các tiêu chí xây dựng NTM mà các xã còn lại trong toàn tỉnh chưa đạt được.
Đứng trước thực trạng này, trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo thực tế, UBND tỉnh đã ban hành và kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, huy động cả hệ thống chính trị chung sức xây dựng NTM.
Khởi đầu là cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư 17 danh mục kết cấu hạ tầng NTM; tiếp đó là những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Có thể nói, đây là bước tiến, là điểm nhấn nổi bật của Thái Bình trong xây dựng NTM, đáng để nhiều tỉnh, thành trong cả nước học tập. Chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo lãnh đạo, chỉ đạo; linh hoạt, sáng tạo trong thực thi các biện pháp triển khai thực hiện; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã, chuyển quyết tâm thành hành động, Thái Bình đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu cung cấp ổn định, đầy đủ nước sạch đảm bảo chất lượng cho người dân khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Với phương châm: Phát huy nội lực của dân cư nông thôn, dựa vào nhu cầu, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư, xây dựng và quản lý, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong các dịch vụ cung cấp nước sạch, bảo đảm phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, Thái Bình là một trong những tỉnh trên cả nước thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2020.
Để thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn huy động của người sử dụng nước đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn, Thái Bình đã chọn giải pháp tối ưu "truyền lực" thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích "rộng cửa" chào đón, thu hút đầu tư.
Theo đó, các nhà đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng công suất cấp nước, mở rộng phạm vi cấp nước các công trình cấp nước sạch nông thôn được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được ngân sách nhà nước đầu tư đảm bảo đủ nguồn nước cho các công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước mặt; được ngân sách nhà nước hỗ trợ 1,5 – 3 triệu đồng/m3/ngày đêm trên cơ sở công suất thiết kế của công trình và kết quả kiểm tra mức độ hoàn thành của dự án.
Riêng nhà đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sạch nông thôn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng xây dựng công trình đầu mối. Nhà đầu tư có thu nhập từ hoạt động quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn theo dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo.
Với những động thái linh hoạt và sáng tạo, chỉ trong một thời gian ngắn, Thái Bình đã thu hút được các doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước.
Đến năm 2018, 100% hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch; tỷ lệ sử dụng nước sạch tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 96,3%, tăng 18,5% so với năm 2017.
Một trong những sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng cơ chế chính sách về xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá cao là đã triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng cho xây dựng kết cấu hạ tầng NTM.
Cơ chế huy động được thực hiện theo hướng đa dạng hoá, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và huy động tối đa nguồn lực của địa phương; khuyến khích, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn (như công trình cấp nước sạch nông thôn); các khoản tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt việc huy động các nguồn lực từ nhân dân được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, làm cho người dân nhận thức rõ vai trò, tránh nhiệm, quyền lợi được hưởng thụ những công trình do chính nhân dân thống nhất đầu tư, quản lý và thực hiện.
Đánh thức được tiềm năng tự chủ, tự quản của người dân, vẫn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm", cộng với tinh thần "Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng NTM" Thái Bình đã huy động nhân dân khu vực nông thôn góp hàng vạn ngày công, hàng chục tỷ đồng; tự nguyện hiến hàng chục ha đất nông nghiệp, hàng nghìn m2 đất thổ cư; tự phá dỡ hàng nghìn mét tường cổng dậu, hàng trăm m2 nhà ở và công trình phụ để mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư và phục vụ xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng.
Đặt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành xây dựng NTM, trên 80% số xã đạt tiêu chí NTM, các xã còn lại đạt 18 tiêu chí/xã, 06 huyện trở lên đạt tiêu chí NTM. Song, kết quả thực tế đạt được của Thái Bình đã vượt chỉ tiêu các nghị quyết của tỉnh đề ra, cũng như chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh.
Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM ở các địa phương, đại đa số các hộ dân đều phấn khởi, hài lòng và cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, đem lại nhiều thành tựu quan trọng.
Nhìn lại cả một hành trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình, không thể không thừa nhận bộ mặt nông thôn thực sự đổi mới và khởi sắc với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; sản xuất nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế nói chung tăng trưởng ổn định; thu nhập và chất lượng đời sống người dân được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, dân chủ ở cơ sở được phát huy...
Chặng đường mới, Thái Bình đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Qua thực tiễn triển khai, dù có rất nhiều bài học đắt giá trong quá khứ cũng như trong cả hiện tại, song cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương vẫn chưa thực sự thức tỉnh sâu sắc; chưa năng động, linh hoạt khai thác và phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua còn hạn chế, chưa kịp thời; chưa có nhiều địa phương sáng tạo trong xây dựng NTM, do đó chưa có cách nghĩ mới, cách làm hay để thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Xây dựng nông thôn mới cần một lượng lớn kinh phí đầu tư để xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật của các xã trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế....
Đến năm 2025, có 15% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM nâng cao, có 5% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/người/năm; và có 30% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM nâng cao, có 10% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, thu nhập đầu người đạt 85 triệu đồng/người/năm vào năm 2030 là những mục tiêu đã được Thái Bình xác định trong giai đoạn 2021 – 2030.
Những yếu tố tiên quyết đặt ra vẫn là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp và sự đồng thuận của nhân dân; là sự vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tránh tư tưởng nóng vội, cách làm thiếu dân chủ hoặc trông chờ, ỷ lại; là duy trì thực hiện phân cấp cho cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, coi trọng người dân là chủ thể - người trực tiếp làm, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và được hưởng lợi kết quả.
Điều quan trọng, không thể quên bài học đắt giá, phải lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư; tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, vật chất của người dân. Việc huy động sự đóng góp phải do chính nhân dân địa phương đó bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện, tránh sự mất dân chủ và huy động vượt quá sức đóng góp của nhân dân....
Làm tốt những yếu tố này, cộng với những minh chứng thực tế thuyết phục từ hiệu quả thiết thực của phong trào xây dựng NTM mang lại, Thái Bình sẽ có thêm niềm tin từ dân, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, để ý Đảng lòng dân mỗi ngày thêm hòa quyện, thống nhất từ ý chí tới hành động trên bước đường đi tới, hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần đưa Thái Bình tiếp tục phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
(Hết)