Đột phá trong xây dựng NTM Thái Bình - Kỳ 2: Cuộc cách mạng chiến lược sau cú vấp
Đột phá trong xây dựng NTM Thái Bình - Kỳ 2: Cuộc cách mạng chiến lược sau cú vấp
Phạm Nguyễn Hồng Quang
Chủ nhật, ngày 18/10/2020 08:00 AM (GMT+7)
Bài học đặt ra là muốn xây dựng nông thôn mới cần có cái nhìn tổng thể vào tiềm năng cũng như những khó khăn, thách thức từ thực tế, làm đến đâu hiệu quả thiết thực và bền chắc đến đó.
Những hệ lụy đáng tiếc, những mặt trái của "tấm huy chương" thành tích đã làm bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã phải âm thầm rơi nước mắt trong xót xa, tiếc nuối và day dứt. Bởi thế mà câu chuyện buồn đã lùi xa vào quá khứ hơn 20 năm, nhưng những người như ông Lợi, ông Thanh, dù trực tiếp trải qua hay gián tiếp chứng kiến, mỗi khi hồi tưởng lại vẫn đau đáu, khắc khoải không thôi.
Theo ông Thanh, quá khứ đã đổ lỗi quá nặng nề cho cán bộ cơ sở; bởi việc quản lý kinh tế hay tham ô, tham nhũng không phải là yếu tố dẫn đến xung đột, không phải là nguyên nhân quyết định những tồn tại, hạn chế; mà cái gốc vấn đề là ở chỗ cán bộ cường hào, coi thường dân, không lắng nghe dân... Còn với ông Lợi, việc quy chụp cứ cán bộ xã tham nhũng đã như đổ thêm dầu vào lửa trong biến cố, khiến họ bị tra tấn tinh thần, bị áp lực quá nặng nề từ nhân dân, từ dư luận...
Bài học đặt ra là muốn xây dựng nông thôn mới cần có cái nhìn tổng thể vào tiềm năng cũng như những khó khăn, thách thức từ thực tế, bên cạnh việc chủ động đi trước một bước đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ - lực lượng nòng cốt, rường cột tổ chức triển khai thực hiện, thì cần xác định các bước đi bài bản, làm đến đâu hiệu quả thiết thực và bền chắc đến đó.
Nói như ông Nguyễn Văn Thặng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Một quyết sách, nhất là quyết sách về kinh tế mà chủ quan duy ý chí, chạy đua thành tích, dù chủ trương ấy không sai với đường lối, việc làm ấy mang động cơ rất tốt đẹp thì cái giá phải trả vẫn rất nặng nề. Thực tiễn cho thấy khi đã đáp ứng trúng yêu cầu của địa phương, có khả năng giải thoát cho một thực trạng bế tắc của cơ sở và nhất là những yếu tố, những điều kiện đảm bảo đã được xem xét toàn diện thì chủ trương ấy sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực, giảm đi công sức cho công tác tuyên truyền vận động mà hiệu quả nhiều khi vượt xa dự kiến ban đầu.
Ngày 21/10/1997, theo Quyết định của Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà Nguyễn Văn Thặng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hơn 20 năm đã trôi qua, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh hơn 80 tuổi đời, 60 tuổi đảng ấy vẫn rất minh mẫn và khảng khái dù bệnh tuổi già làm ông không còn được nhanh nhẹn, linh hoạt như xưa. Qua thực tế lãnh đạo, ông cho rằng mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể đều có những khó khăn, thách thức cụ thể và thường là rất mới mẻ, gay cấn.
Trong hoàn cảnh đó, mọi quyết định, từ chủ trương có tầm chiến lược, đến những giải pháp cụ thể đều phải tính toán kỹ lưỡng đến khả năng thực thi và hiệu quả kinh tế - xã hội của nó. Nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu sâu tình hình thực tiễn địa phương để có được những quyết sách đúng đắn, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của tình hình, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của địa phương.
Chính vì vậy, khi còn làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ông luôn coi trọng tham mưu công tác tư tưởng, chỉ đạo các cấp ủy đảng quan tâm tiến hành trong mọi hoạt động ở địa phương theo phương châm "hướng về cơ sở", một mặt củng cố vững chắc tư tưởng của nhân dân sau thanh tra kinh tế, mặt khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên toàn dân hăng hái lao động sản xuất, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân.
... đến những quyết sách táo bạo
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sau gần 10 năm mạnh mẽ và bản lĩnh gồng mình khắc phục những hệ lụy của phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, năm 2008, Thái Bình đã mạnh dạn, chủ động, tự tin đi trước một bước – khi Trung ương chưa có quy định về tiêu chí xét NTM, tỉnh đã tự xác lập 30 tiêu chí xây dựng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí Bí thư các huyện, thành ủy và lãnh đạo một số sở, ngành đã trực tiếp đi thực tế, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình NTM tại 2 thôn công nghiệp và 4 thôn nông nghiệp ở các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Tây của Trung Quốc.
Thấm thía bài học với nông dân, tâm lý "trăm nghe không bằng mắt thấy", "có thực mới vực được đạo", làm gì cũng cần có mô hình cụ thể với hiệu quả thực sự thiết thực mang lại để làm cho dân tin, bởi có tin mới tự nguyện, tích cực làm theo, Thái Bình thống nhất chủ trương thí điểm xây dựng mô hình NTM tại 8 xã điểm (mỗi huyện, thành phố một xã) là những xã thuộc loại hình khá giỏi, có hệ thống chính trị vững mạnh, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao; có năng lực tài chính để đối ứng các dự án; đội ngũ cán bộ xã năng động, nhiệt tình với công việc, đoàn kết thống nhất và có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện; nhân dân trong xã có sự đồng thuận cao và hăng hái tình nguyện tham gia xây dựng mô hình; có cam kết của người dân và chính quyền địa phương về tỷ lệ vốn góp để thực hiện các dự án.
Trong 8 xã (Quỳnh Minh huyện Quỳnh Phụ, Hồng Minh huyện Hưng Hà, Trọng Quan huyện Đông Hưng, Thụy Trình huyện Thái Thụy, Thanh Tân huyện Kiến Xương, Nguyên Xá huyện Vũ Thư, Vũ Phúc Thành phố Thái Bình và An Ninh huyện Tiền Hải), tỉnh lại chọn xã Thanh Tân làm thí điểm trước về quy hoạch mô hình nông thôn mới; rút kinh nghiệm kịp thời trong xây dựng quy hoạch nông thôn mới đối với 7 xã còn lại.
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thanh Tân đã gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhưng nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng NTM, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để toàn thể cán bộ và nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, từ đó huy động sự tham gia của toàn dân và xã đã về đích sớm.
Tính đến tháng 5/2011, chỉ sau chưa đầy 2 năm thực hiện xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của địa phương đạt 37,7 tỷ đồng; trong đó, nhân dân và con em địa phương đi xa đóng góp 12,8 tỷ đồng, chiếm 33,95% tổng vốn đầu tư. Cụ thể, góp đất làm đường giao thông nội đồng 18 m2/khẩu quy giá trị 10,08 triệu đồng; đóng góp 118 triệu đồng cho xây mới trạm bơm và cứng hóa 5,86 km kênh; hiến trên 2.160 m2 đất để mở đường; đóng góp 791 triệu đồng tham gia vào Dự án điện RE2, nước sạch và vệ sinh nông thôn…
Đến năm 2013 – năm về đích NTM, nhân dân đã hiến 5.300m2 đất và thu dỡ nhiều công trình để mở rộng đường giao thông với tổng giá trị quy thành tiền từ hiến đất trong làng và ngoài đồng trên 20 tỷ đồng.
Đến nay, đời sống của người dân Thanh Tân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt gần 55 triệu đồng/người/năm. Xã đã đạt các tiêu chí NTM nâng cao đồng thời tiến tới hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.
Chủ trương xây dựng NTM rất hợp lòng dân, giúp đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây mới, nâng cấp, ý thức của người dân cũng thay đổi theo hướng văn minh, nhiều cụm công nghiệp hình thành, phát triển.
Chị Đinh Thị Quy, thôn Cơ An Đông
Dấu ấn xây dựng NTM từ xã Thanh Tân đã lan tỏa khắp các địa phương trong huyện. Trong xây dựng NTM, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương đặc biệt coi trọng phương châm "lấy sức dân để chăm lo cho dân", thực hiện tốt quy chế dân chủ, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Vì thế, đến hết năm 2019 có 100% số xã và huyện đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu đại hội đề ra; có 3 xã đạt các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã NTM nâng cao.
Ông Bùi Thế Vinh, thôn Hòa Bình, xã Bình Định khẳng định: Cái được nhất khi xây dựng NTM là tư duy con người thay đổi, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, con người văn minh hơn, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết. Xác định rõ điều này, tôi đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng góp phần xây dựng NTM và hiến hơn trăm mét đất mở rộng đường cho ngõ xóm trang khang.
Trong 12 dịch vụ mà HTX đang thực hiện thì dịch vụ liên kết sản xuất lúa bao tiêu sản phẩm cho bà con được chú trọng nhất. Thực hiện liên kết từ vụ mùa năm 2008 với bình quân mỗi vụ từ 200 - 250ha cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, HTX đã xuất bán hàng năm từ 1.000 - 1.200 tấn thóc, đem lại doanh thu từ 10 - 15 tỷ đồng, lợi nhuận mang lại cho bà con nông dân đạt từ 3 - 5 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định
Đích đến trong xây dựng NTM ở Kiến Xương được xác định là nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân. Vì thế, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự thay đổi, nhất là trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm.
Kết quả sau hơn 10 năm xây dựng NTM, Kiến Xương đã có 84,91km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 240,95km đường trục thôn, 450,13km đường nhánh cấp I được bê tông hóa; 325,72km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn. Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa 408 phòng học, phòng chức năng của các trường; xây mới, nâng cấp 37 trạm y tế; trên 86% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% xã, thôn có nhà văn hóa, sân thể thao. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 71,64 triệu đồng.
Có được kết quả này, ngay từ khi thực hiện Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách xã, các cơ quan chuyên môn phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM đồng thời tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND huyện triển khai thực hiện các tiêu chí NTM cấp huyện. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM, đặc biệt là mục đích, ý nghĩa, chủ thể trong xây dựng NTM, đưa nội dung xây dựng NTM vào sinh hoạt định kỳ của các chi bộ. Với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng nâng cao, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, đóng góp trí tuệ, công sức và tài chính xây dựng NTM, qua đó đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cùng với Thanh Tân, chỉ sau một năm thực hiện chủ trương của tỉnh, các xã điểm đã đạt từ 10 -14 tiêu chí, tăng 5 - 6 tiêu chí so với trước khi thực hiện thí điểm xây dựng NTM. Cả 8 xã làm điểm đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoàn thành một số hạng mục công trình kênh mương, đường giao thông nội đồng. 8/8 xã đều tổ chức họp thôn để thông báo công khai nội dung quy hoạch, nhân dân dự họp đều thể hiện sự phấn khởi, đồng thuận cao. Các xã đều tiến hành làm bảng tin công khai quy hoạch tại khu trung tâm xã để tất cả mọi người dân biết, đóng góp ý kiến và chủ động thực hiện.
Sau khi xây dựng và phổ biến quy hoạch NTM ở các xã điểm, UBND tỉnh đã đầu tư 144.552 triệu đồng cho 8 xã này. Ngoài nguồn vốn của tỉnh, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu, một số xã đã huy động được sức dân và cộng đồng thực hiện các dự án phát triển sản xuất với tỷ lệ đóng góp lớn. Một số nơi, nhân dân tự nguyện góp đất ruộng từ 18 đến 48 m2 để xây dựng đường giao thông, kênh mương; kết hợp nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã xây dựng được một số công trình nhà văn hóa, nâng cấp sân vận động, trường học...
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đến năm 2011 gần 2.000 tỉ đồng; trong đó tính riêng năm 2011 là 1.228 tỉ đồng: ngân sách trung ương (bao gồm cả lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia) gần 300 tỉ đồng, chiếm 24,4%; ngân sách địa phương các cấp: 565 tỉ đồng, chiếm 46%; vốn tín dụng ưu đãi: 35 tỉ đồng, chiếm trên 2,8%; vốn doanh nghiệp đầu tư: 244 tỉ đồng, chiếm gần 19,9%; nhân dân tự nguyện đóng góp trên 84 tỉ đồng, chiếm 6,9% (chưa kể đóng góp bằng ngày công, vật tư, hiến đất để xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, mở mang hệ thống giao thông, thủy lợi đồng ruộng...).
Thắng lợi của một chủ trương, quyết sách bao giờ cũng phải bắt đầu từ tính khoa học, từ sự đúng đắn của chủ trương, quyết định ấy. Thắng lợi ở mức độ nào còn phụ thuộc một cách quyết định vào năng lực tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng. Với Thái Bình, những bài học thấm đẫm nước mắt của những năm 1997 – 1998 nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, như một cuộc tập dượt, khởi động cần thiết và vô cùng giá trị, ý nghĩa cho cuộc cách mạng của những năm 2000, mà đặc biệt là bước đi đột phá, tự tin, táo bạo trong xây dựng NTM ở những xã điểm từ năm 2008.
Từ đây, nỗi đau quá khứ với bài học "mở đường" cho sự chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế lại chính là sự tạo đà, khát vọng vươn lên cho Thái Bình "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, đánh thức mọi tiềm năng trong dân, đặc biệt là ý thức tự chủ, tự quản, vì lợi ích cộng đồng.
(Còn nữa)
Mời độc giả đón đọc "Đột phá trong xây dựng NTM Thái Bình - Kỳ 3: Nụ cười hạnh phúc ngày mới" vào lúc 8h00 chiều 19/10/2020 trên Danviet.vn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.