Thể hiện tầm nhìn xa đối với ngành chăn nuôi bò sữa
Ngày 17/10, tại thị trấn biên giới Hòa Thuận (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ động thổ dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng".
Bà Thái Hương cho biết thêm, từ kinh nghiệm tại Nghệ An, chúng tôi không cần tập trung đất đai nhiều mà đưa bà con đi theo một mắt xích khi bà con nông dân đã có ruộng vườn. Chúng tôi sẽ đưa giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng thức ăn, nguyên liệu đầu vào cho con bò.
Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng" có tổng mức đầu tư 2.544,5 tỷ đồng, xây dựng cụm trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô đàn bò sữa 10.000 con và nhà máy chế biến sữa công suất 49.000 tấn/năm.
Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 500 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp tại Cao Bằng.
Dự án có diện tích hơn 66ha, trong đó khu vực trang trại chăn nuôi bò sữa là 63,7ha, nhà máy chế biến sữa xuất khẩu 3ha, gần 2.000ha trồng cỏ ở huyện Quảng Hòa và các huyện lân cận.
Cùng với dự án sữa tại tỉnh liền kề là Hà Giang có tổng vốn và quy mô đàn bò sữa tương đương, với dự án này, Tập đoàn TH tiếp tục ghi dấu ấn là nhà đầu tư chiến lược khi xây dựng các dự án nông nghiệp công nghệ cao nơi địa đầu tổ quốc, lần đầu tiên tại các tỉnh vành đai biên giới phía Bắc có chuỗi chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi công nghệ cao, làm thay đổi một cách căn bản phương thức chăn nuôi trong khu vực.
Trong đó, tất cả các khâu của quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và được vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Các dự án chăn nuôi và chế biến sữa tại các tỉnh biên giới phía Bắc của tập đoàn TH như Hà Giang, Cao Bằng đã thể hiện tầm nhìn xa, rộng trong việc đón đầu dư địa thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc – thị trường 1,5 tỷ dân (trước đó, vào tháng 10/2019, TH true MILK trở thành thương hiệu sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi vào thị trường Trung Quốc).
Phát biểu tại lễ động thổ, ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, để phát huy lợi thế sẵn có về nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, tham gia đầu tư vào, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.
"Tỉnh Cao Bằng kỳ vọng dự án sẽ đánh thức các tiềm năng của vùng đất này, tạo động lực cho phát triển kinh tế bền vững ở vùng biên, đồng thời tạo nguồn cung dồi dào về sữa tươi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu" - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
"Tập đoàn TH là tập đoàn lớn, nhà sản xuất hàng đầu của Việt Nam trong ngành thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên, nổi tiếng với dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Tập đoàn đã thực hiện dự án tại một số tỉnh như Nghệ An với quy mô đàn bò lên tới trên 45.000 con, được xác lập kỷ lục trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn nhất châu Á, ngoài ra còn các tỉnh thành khác như Hà Giang…
"Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng" là dự án lớn, có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh" - ông Lại Xuân Môn cho biết.
Tại lễ động thổ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2020, ngoài dịch Covid-19, ngành nông nghiệp nước ta còn phải gánh chịu những khó khăn như mưa lũ, dông lốc, xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh… Ước tính 9 tháng đầu năm thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã đạt những kết quả được coi như điểm sáng trong nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng quý III là 2,93%.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định, dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng" hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa bàn tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc, tạo động lực quan trọng của ngành sữa Việt Nam.
Điểm nhấn công nghệ cao ở miền núi phía Bắc
Theo Tập đoàn TH, trước khi thực hiện dự án, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Israel đã dày công nghiên cứu điều kiện tự nhiên tại địa bàn tỉnh Cao Bằng, lấy những mẫu đất về Israel để thẩm định, trồng thử các giống cây thức ăn nguyên liệu cho bò sữa nhập từ Mỹ, Úc. Kết quả cho thấy các loại thức ăn nguyên liệu trồng ở vùng đất này có chất lượng tương đương các loại thức ăn thô xanh nhập khẩu.
Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH khẳng định, chiếc "chìa khóa vàng" công nghệ cao tiếp tục được Tập đoàn TH sử dụng tại dự án sữa Cao Bằng.
"Quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng công nghệ đầu cuối hiện đại, trong đó có hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afimilk (Israel); quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; quy trình thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…" - Chủ tịch Tập đoàn TH thông tin.
"Ngoài cung cấp sản phẩm sữa chất lượng cao cho người dân địa phương, chúng tôi hướng đến xuất khẩu. TH hiện nay không những xuất khẩu sữa tươi mà chúng tôi đang làm cuộc cách mạng hướng đến giảm/kiểm soát các bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường bằng việc nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm không sử dụng đường tinh luyện, sản phẩm kết hợp thảo dược, hoa quả để tạo ra vị ngọt, ngon, nhiều dinh dưỡng. Cho nên, ngoài chăn nuôi bò sữa, chúng tôi sẽ phát triển các vùng cây ăn quả, thảo dược làm kinh tế dưới tán rừng. Các loại nguyên liệu tự nhiên này sẽ được nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu sang Trung Quốc" - bà Thái Hương chia sẻ.
Trước đó, ngày 18/9/2020, tại tỉnh Kon Tum, Tập đoàn TH tổ chức Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum.
Tổng vốn đầu tư của Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao của TH tại Kon Tum là 2.544 tỷ đồng, tổng diện tích 441 ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất của vùng Tây Nguyên.