Như Dân Việt đã đưa tin, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 145/QĐ – XPVPHC ngày 01/10/2020 đối với Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam (Công ty Quản lý quỹ Manulife).
Theo quyết định xử phạt, Công ty Quản lý quỹ Manulife đã vi phạm quy định pháp luật tại Khoản 2 Điều 6 và Điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 41/2018/NĐ - CP ngày 12/3/2018 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập do đã có hành vi vi phạm hành chính Báo cáo tài chính không có chữ ký của Kế toán trưởng của đơn vị kế toán. Mức phạt tiền đối với Công ty Quản lý quỹ Manulife là 15 triệu đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) bị xử phạt vi phạm hành chính kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể: Tháng 3/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment. Nguyên nhân do đơn vị này đã bổ nhiệm Trưởng phòng nghiệp vụ quản trị quỹ khi cá nhân này chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ và công bố thông tin không đúng thời hạn về việc thay đổi người được ủy quyền công bố thông tin.
Đầu tháng 7/2020, Thanh tra UBCKNN cũng tiếp tục ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng với Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment (Việt Nam) do không tuân thủ điều lệ quỹ đầu tư. Tức là, khi tiến hành lấy ý kiến nhà đầu tư bằng văn bản tại Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2019 của Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife, Công ty không gửi dự thảo Quyết định của Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2019 Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife và các tài liệu giải trình dự thảo Quyết định bằng thư điện tử hoặc phương thức bảo đảm đến địa chỉ liên lạc đã đăng ký của từng nhà đầu tư.
Gần đây nhất, UBCKNN ban hành Quyết định 661/QĐ-UBCK ngày 8/10 thụ lý Đơn tố cáo của bà N.T.B.M.L – cựu Giám đốc nghiệp vụ quản lý quỹ Công ty Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam).
Trong đơn tố cáo này, bà L cho rằng, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) vi phạm quy định pháp luật về quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác; Bổ nhiệm Kế toán trưởng của Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (Bà Lê Thị Kim Dung) khi cá nhân này không có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
Theo bà L, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) vi phạm quy định pháp luật về quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác là vì Công ty đã cố tình làm sai chỉ thị đầu tư của khách hàng ủy thác gây thiệt hại rất lớn về tài chính cho khách hàng ủy thác (khách hàng ủy thác của Công ty Quản lý Quỹ Mnaulife chính là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife), từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả người mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Công ty Bảo hiểm Nhân Thọ Manulife Việt Nam trong đó có Bà – là chủ của 2 Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife.
Còn đối với nội dung tố cáo "Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) bổ nhiệm Kế toán trưởng của Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (Bà Lê Thị Kim Dung) khi cá nhân này không có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ".
Bà L cho rằng, những người được phép ký trên các Báo cáo tài chính của Quỹ Cổ phiếu Manulife, cụ thể là Kế toán trưởng khi được Ban lãnh đạo Công ty Quản lý quỹ Manulife bổ nhiệm phải là người phải có đủ chứng chỉ hành nghề bao gồm: Chứng chỉ Kế toán trưởng và Chứng chỉ hành nghề Quản lý quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong khi hiện nay Kế toán trưởng của Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (Bà Lê Thị Kim Dung) lại không hề có chứng chỉ hành nghề quản lý Quỹ nào nhưng vẫn ký tên trên các Báo cáo tài chính của Quỹ cổ phiếu Manulife thì liệu rằng các số liệu trên các báo cáo này có đủ chính xác và tin cậy để nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư?
Đơn tố cáo của bà L đang được UBCK làm rõ trong thời hạn 30 ngày.
Nói về việc vi phạm hành chính trên thị trường, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán khá đa dạng, nhưng tập trung ở một số loại vi phạm chủ yếu như vi phạm quy định công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán…Công ty Quản lý Quỹ Manulife cũng không phải là cá biệt.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc một doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính dù ở bất cứ mức độ nào nhỏ hay lớn đều là cảnh báo cho thấy doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật.
"Một doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, đặc biệt trong 1 thời gian ngắn sẽ càng làm tăng cường mức độ nghiêm trọng của vấn đề vi phạm. Do đó, tất cả những vi phạm của doanh nghiệp dù ở mức độ như thế nào thì cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cũng cần lưu ý. Bởi thông thường những vi phạm đó chỉ là bề nổi. Sâu xa hơn, có thể sẽ là những sai phạm lớn hơn ẩn dấu bên trong hoạt động khác của doanh nghiệp", ông Hiếu nhấn mạnh và thông tin thêm, việc doanh nghiệp vi phạm nhiều lần cũng phần nào chứng tỏ mức xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Cũng theo vị chuyên gia này cho hay, khi thị trường chứng khoán càng phát triển thì tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán ngày càng phức tạp và tinh vi gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thị trường chứng khoán và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý.
Để tiến tới giảm thiểu và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan chuyên môn phải có thẩm quyền đủ mạnh để phát hiện và minh chứng các hành vi vi phạm cùng với chế tài và mức xử phạt đủ sức răn đe.
Trên quan điểm là một nhà đầu tư, bàn về một số vi phạm hành chính của doanh nghiệp như: Báo cáo tài chính không có chữ ký của Kế toán trưởng của đơn vị kế toán hay không tuân thủ điều lệ quỹ đầu tư như trường hợp của Công ty Quản lý Quỹ Manulife kể trên, ông Hiếu cho rằng, sẽ rất quan ngại với những doanh nghiệp có những vi phạm hành chính như vậy. Bởi điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của chính các nhà đầu tư của doanh nghiệp.
Ông Hiếu phân tích, Báo cáo tài chính là một loại tài liệu rất quan trọng đối với tất cả nhà đầu tư vì nó dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình thu nhập và các luồng tiền của doanh nghiệp. Tài liệu này vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước, vừa là nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định đầu tư của mình. Vì vậy, trên báo cáo tài chính cần có những người đứng ra chịu trách nhiệm cho độ chính xác của thông tin. Thông tin có chính xác nhà đầu tư mới đưa ra được các quyết định đầu tư chính xác, đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư.
"Nếu như một Báo cáo tài chính không có chữ ký của Kế toán trưởng thì không biết rằng báo cáo đó ai lập ra, ai là người chịu trách nhiệm? Điều này cho thấy tồn tại bất cập trong quản trị doanh nghiệp? Là nhà đầu tư, tôi không thể chấp nhận được Báo cáo tài chính như vậy, sẽ cảm thấy bất an về tài chính và hoạt động của doanh nghiệp", ông Hiếu nhấn mạnh.