Đưa kỹ sư về HTX nông nghiệp
Hiện Vĩnh Phúc có 236 HTX nông nghiệp, với gần 1.500 người; trong đó, trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm hơn 14%; trình độ sơ cấp, trung cấp chiếm gần 33% và trình độ chưa qua đào tạo chiếm hơn 53%.
Thực hiện Kế hoạch số 9228 của UBND tỉnh về việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, từ đầu năm 2019, 4 kỹ sư trẻ có trình độ được đưa về làm việc tại 4 HTX gồm: HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (An Hòa, Tam Dương); HTX Rau an toàn Visa (Đại Tự, Yên Lạc); HTX Phú Thái (Đại Đồng, Vĩnh Tường) và HTX Nông nghiệp Đại Lải (Ngọc Thanh, TP.Phúc Yên).
Hiện, mỗi năm, HTX trồng được 3 vụ dưa lưới cho thu hoạch từ 9 - 10 tấn, giá bán 50.000 đồng/kg, thu được 450 - 500 triệu đồng; 3 vụ dưa chuột thu được 7,5 tấn, giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg, doanh thu được 150 - 180 triệu đồng.
Sau hơn 1 năm thí điểm, các trí thức trẻ bước đầu đã giúp HTX nông nghiệp đổi mới công tác quản lý, lưu trữ sổ sách, báo cáo tài chính theo đúng quy định, đưa ra phương án khả thi, giúp Ban Giám đốc HTX cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào hoạt động, HTX gặp phải không ít khó khăn, nhất là vấn đề ứng dụng tiến bộ KHKT, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đỗ Văn Dũng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa cho biết: Không chỉ tôi, mà 3 cán bộ còn lại của Ban giám đốc HTX đều đã chạm ngưỡng 50 tuổi, chậm hơn lớp trẻ, nhất là việc ứng dụng tiến bộ KHKT. Từ khi có kỹ sư nông nghiệp trẻ về làm việc, việc này thuận lợi hơn, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, công tác sản xuất, kinh doanh của HTX hiệu quả hơn.
Gắn với bảo vệ môi trường
Chúng tôi đến HTX rau, hoa Tam Dương khi đơn vị đang chuẩn bị các khay để ươm hơn 4.000 hạt dưa lưới trong nhà kính. Giá thể ươm hạt gồm phân hữu cơ, xơ dừa, tro trấu đã qua xử lý, được phối trộn theo tỷ lệ nhất định và gần như tự động hóa trong suốt quá trình chăm sóc.
Ông Đỗ Trung Kiên - Giám đốc HTX Rau, hoa Tam Dương cho biết: "Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy đầu tư ban đầu lớn, song sản phẩm luôn sạch, an toàn và giảm thiểu tối đa tổn thất, rủi ro có thể gặp phải do thời tiết. Vừa qua, chỉ với 1.000m2 nhà kính trồng 3.000 cây dưa lưới, chỉ sau 80 - 90 ngày trồng, HTX thu được 3 tấn, với giá bán 50.000 đồng/kg cho doanh thu 150 triệu đồng".
Ngay khi được thành lập, HTX đã đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt với các thiết bị châm phân, phun sương, quạt đối lưu tự động, giúp đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm được duy trì phù hợp, cây trồng được tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều.
Vì vậy, chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, Ban quản trị HTX có thể nắm bắt được quá trình sinh trưởng và phát triển của cây và thông qua ứng dụng này có thể kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân từ xa mà không cần có mặt tại khu sản xuất.
Hiện trang trại rộng 2ha của HTX chỉ cần 2 nhân công. Ưu điểm của sản xuất nông nghiệp trong nhà kính sẽ chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây, không sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên cho năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống.