Sau hơn 1 tuần diễn ra Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc (NDVNXS) năm 2020 tại Hà Nội (ngày 13/10), ngày 21/10, đoàn công tác của Ban Tổ chức do Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2020 đã tới nhà NDXS Dương Văn Tui sinh năm 1957, ở thôn Bản Tèng, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn để trao cho gia đình Bằng khen và danh hiệu NDVNXS của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Phần thưởng cho người nông dân có bàn tay không ngừng ngơi nghỉ
Nhà ông Tui nằm cách quốc lộ 3 mới (Hà Nội- Thái Nguyên) không xa, có diện tích rộng trên 1ha, từ lâu đã là nơi giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng mỗi tháng là mức khá so với thu nhập quanh vùng. Nhà ông Tui khá khang trang, rộng rãi. Trong khuôn viên của gia đình ông, lúc nào cũng có 2 chiếc ô tô riêng của ông để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh, đi lấy cám chăn nuôi hàng ngày của ông.
Bước vào căn nhà khang trang của ông Tui, bà Lê Thị Đào- vợ ông Tui ra đón đoàn nước mắt cứ rơi lã chã. Giấu lại nỗi buồn đau mất chồng, chỉ vào bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương, bà Đào mới bắt đầu câu chuyện về người chồng quá cố của mình. Trong câu chuyện với đoàn, bà cứ lặp đi lặp lại nỗi tiếc thương lẫn sự trách cứ bản thân mình vì không quyết liệt can ngăn ông làm việc. "Ông ấy mất vì tham việc quá, 64 tuổi đời rồi, mẹ con chúng tôi bảo ông ấy nghỉ đi, mà ông ấy không chịu, vẫn cứ đi xây chuồng, lập trại để chăn nuôi lợn, gà. Ông ấy bảo thích chăn nuôi"- bà Đào bùi ngùi nói.
Ông bà Dương Văn Tui- Lê Thị Đào bén duyên với nhau từ hồi cả hai còn ở trong quân ngũ, ông Tui thì làm lính bộ binh, còn bà Đào là quân nhân hậu cần đóng quân ở vùng Lạng Sơn. Rồi đến năm 1980, dù được đơn vị giữ lại và sẽ "quy hoạch" vào hàng sĩ quan với chức vụ cao hơn, nhưng ông bà vẫn quyết xin giải ngũ để về quê hương bắt tay vào làm nông nghiệp.
Hai năm đầu tiên trở về từ quân ngũ, tài sản của ông bà không có gì khác ngoài... đôi bàn tay trắng, ăn bữa nay no bữa mai, nhà cửa cũng không có để ở. Ông bà chỉ biết làm, làm và làm, mệt quá thì nghỉ, ngã đâu là nhà nằm đâu là giường. "Sau 2 năm đầu vật vã làm tối ngày mà không đủ ăn, vợ chồng tôi đã chuyển hướng sang làm lâm sản, hồi đó còn ít người àm. Rồi dần dà kinh tế cũng khá lên, ông bà lần lượt sinh hạ được 3 người con (2 trai, 1 gái), dựng được căn nhà giữa núi rừng hiu hắt.
Công việc cứ thế trôi qua, suốt mấy chục năm qua, bên cạnh việc làm nông nghiệp, chế biến lâm sản, ông Tui còn tham gia công tác xã hội với "chức" Bí thư chi bộ thôn, kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Hơn 20 năm làm cái nghề "vác tù và", cả vùng không ai không biết đến, bất kỳ hộ nào, xã viên nào gặp khó ông đều đến hướng dẫn, dạy cách làm ăn, trồng cấy. Chả thể mà cả vùng quanh ông sinh sống bây giờ, núi rừng ngút ngàn một màu xanh với những đồi rừng trồng xanh thẳm, bên dưới thì chỗ nào đất bằng được bà con tận dụng để trồng lúa, vườn tược được kiến thiết để xây dựng chuồng trại.
Theo lời kể của bà Đào, sau hơn 20 năm làm công tác xã hội, ông vừa "được" cho nghỉ, kinh tế cả gia đình giờ đã xếp vào hàng khá giả, mấy mẹ con bảo ông ấy nghỉ, nhưng ông ấy nói ông ấy thích trồng cây và chăn nuôi. Nói là làm, ngay sau khi được nghỉ "chức" chủ nhiệm HTX, ông Tui đã "thả" 158 con lợn thịt và nái, không may dịch tả lợn châu Phi ập đến làm chết... 157 con, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Sau đợt dịch ấy, ông nghĩ do đầu tư chưa bài bản, chuồng trại tuềnh toàng, nên dịch bệnh dễ xâm nhập, rồi ông dốc hết vốn liếng của gia đình đầu tư xây hẳn 2 khu chuồng chăn nuôi hiện đại, bên nuôi gà, bên nuôi lợn với hệ thống hầm biogas khép kín, hiện đại.
Thế nhưng, kế hoạch chăn nuôi đó đã dang dở vĩnh viễn với sự ra đi bất ngờ của ông. Bà Đào kể: "Do đã từng bị dịch, nên ông nhà tôi tự đi mua thuốc sát trùng về để phun khử trùng chuồng trại, ông ấy cứ lúi húi ở dưới đó suốt. Rồi chả biết vì sao, phun thuốc xong, ông ấy lên cơn sốt, kèm tụt huyết áp, gia đình đưa lên Trung tâm y tế huyện được 3 hôm, ông ấy bảo khỏe rồi về nhà đi chưa đau lưng. Thấy khỏe hơn, ông lại lao vào làm và 10 ngày sau ại sốt lại. Thấy nặng quá, gia đình đưa xuống bệnh viện Bạch Mai, thì ông ấy đã rơi vào tình trạng nguy kịch và mất 10 ngày sau đó. Ông ấy cứ thế mà đi, chả nói năng gì với tôi và các con cả...".
Luôn đồng hành cùng nông dân, vì nông dân
Nhận được bằng khen của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trao tặng và danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020, bà Đào rất xúc động, bà chia sẻ: "Dù ông nhà tôi không may qua đời nhưng vẫn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, chúng tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào.
Người mất rồi còn người sống chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn để phát triển kinh tế của gia đình và hỗ trợ, giúp đỡ bà con ở địa phương cùng làm giàu".
Mất chồng chưa đầy tháng nhưng bà Đào đã gầy rộc đi, sút gần 10kg. Dù vậy, hàng ngày bà Đào vẫn cáng đáng tiếp tục duy trì công việc thường ngày của chồng và lo toan công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Chia sẻ với gia đình bà Đào, Nhà báo Lưu Quang Định cho biết, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là một chương trình lớn dành để vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc các năm. Năm 2020 này, trong hàng chục triệu nông dân của cả nước, chương trình đã chọn được 63 nông dân thực sự xuất sắc đại diện cho 63 tỉnh, thành về Hà Nội dự Lễ tôn vinh.
Ông Dương Văn Tui rất vinh dự và thực sự xứng đáng được đại diện cho nông dân toàn tỉnh Bắc Kạn nhận danh hiệu cao quý này.
Ban Tổ chức rất tiếc vì sự ra đi của ông và mong mỏi bà Đào cùng gia đình sớm vượt qua nỗi đau để khôi phục lại sản xuất, những điều dang dở mà ông Tui chưa thực hiện xong.
Qua thăm quan khu chuồng trại chăn nuôi lợn tiền tỷ của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 ở xấu số Bắc Kạn ai cũng tiếc thương, xúc động.
"Ông Tui có lối sống rất giản dị, gần gũi hay giúp đỡ mọi người. Hàng chục năm làm trưởng, phó thôn, hợp tác xã lâm nghiệp ở địa phương, ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông luôn là tấm gương sáng về tinh thần nghị lực vượt khó, vươn lên, hết lòng vì công việc để mọi người noi theo", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn Lưu Văn Quảng tự hào mỗi khi nhắc về ông Dương Văn Tui.
Tiếp tục thực hiện khát vọng dang dở của cha
Là con trai thứ nhưng anh Dương Quyền đến giờ đã trưởng thành và niềm tự hào của gia đình ông Dương Văn Tui.
Hôm đón đoàn công tác đến thăm nhà, anh Quyền vừa lái ô tô bán tải của gia đình đưa lương thực về. Thấy có khách đến, anh Quyền vẫn tiếp đón rất niềm nở, nhiệt tình.
Khi nhắc về cha mình, ánh mắt anh lại lóe lên vẻ tự hào: "Cha tôi ra đi bất ngờ, dù ông không kịp dặn dò, nói chuyện với mọi người nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được khát vọng, mong muốn của ông gửi gắm người ở lại.
Sắp tới, anh em tôi sẽ cùng mẹ tiếp tục thực hiện công việc còn dang dở của ông và giúp đỡ, hỗ trợ, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con ở trong và ngoài địa phương".