Dân Việt

Kể chuyện làng: Bánh xèo - nấm mối

Lam Giang 24/10/2020 08:00 GMT+7
Những cơn mưa không lớn, kéo dài chỉ một phút hoặc hơn một chút, rồi tạnh. Một lúc sau lại ào đến, lại tạnh... Sau những cơn mưa ngắn như vậy, nấm mối mọc lên như... nấm. Quê tôi gọi đó là mưa nấm mối.
Kể chuyện làng: Bánh xèo - nấm mối - Ảnh 1.

1.

Cứ vào khoảng đầu tháng mười âm lịch, quê tôi lại có những trận mưa nấm mối. Ngày ấy, tôi còn bé tý. Mỗi khi có mưa nấm mối là ngay sau đó, chiếc gùi đeo sau lưng, anh em tôi lên núi hái nấm. Nấm mối mọc thành những vạt rộng dưới những tán cây bằng lăng thấp, dưới những lùm bụi nhỏ, hay mọc quanh những ụ gò mối to tổ bố...

Nấm mối mọc lên rất nhanh, và cũng rất nhanh nở bung rồi tàn lụi. Vậy nên, dứt cơn mưa là phải lên núi hái nấm ngay, hái lúc còn búp tròn mới ngon, mới ngọt. Nở bung rồi là bỏ.

Mà ngày ấy, cũng lạ: Chui lủi trong những bụi rậm, dưới mưa với rắn rết, rồi muỗi, vắt... mà không hề biết sợ là gì. Chui dưới những lùm cây, kéo lê cái gùi dưới đất, cần mẫn hái những búp nấm mối mới nhú cho vào gùi một cách... nhiệt thành.

Hái thật nhanh nhé, kẻo nở...

Hái thật nhanh nhé, kẻo... người khác hái mất...

Kể chuyện làng: Bánh xèo - nấm mối - Ảnh 2.

Chẳng mấy chốc, chiếc gùi to tướng đã đầy ụ. Cởi tấm ni- lon vuông đeo trên người ra, hái nấm cho vào đó: Đầy, cầm bốn góc buộc lại. Vẫn chưa hết nấm. Cởi... quần dài ra, bứt dây rừng buộc túm hai ống quần lại, hái nấm cho vào đầy ụ cả hai ống quần...

Người ta nói: "Tham như tham nấm", là vậy.

Chỉ đến lúc không còn gì để đựng nấm, lúc ấy mới lặc lè với gùi, với ni- lon, với hai ống quần đầy nấm, ra về dưới những cơn mưa.

...

2.

Lại nói chuyện "ngày xưa"- là vào khoảng những năm tám mươi của thế kỷ trước. Hồi đó làm nông nên nhà nào cũng có vài đống rơm, đôi đống rạ trong vườn nhà. Rơm để trộn với đất sét trét vách nhà (nhà tranh vách đất), rơm để cho trâu bò ăn những ngày đông giá, rơm còn dùng làm chất đốt để nấu cơm... Còn rạ thì để đánh tranh lợp nhà (sau khi đã giũ cho sạch rơm).

Hồi đó làm ruộng, chưa có máy gặt đập đóng bao liên hợp như bây giờ. Sau khi gặt lúa, nông dân bó lại thành từng bó to như bắp đùi- gọi là bó lúa, gánh về đập trên bàn đập để lấy lúa hạt. Sau khi đập lấy lúa, bó lúa trở thành... bó rạ.

Rạ được chất thành từng đống to trước nhà hoặc bên hông nhà (để... khoe nhà có nhiều ruộng, hòng dễ... dựng vợ gả chồng cho con).

Kể chuyện làng: Bánh xèo - nấm mối - Ảnh 3.

Mùa đông, mưa và lạnh. Anh em tôi thường ra đống rạ, rút mấy chục bó rạ vào nhà, lấy chân đạp cho những hạt lúa đập còn sót bung ra. Ở quê gọi là lúa cũ. Lúa cũ có mùi thơm đặc trưng của nó, lại rất nở. Cho vào cối giã lấy gạo, đem xay thành bột. Mẹ tôi đúc bánh xèo.

Bánh xèo là món ăn đặc sản của Bình Định (bên cạnh bánh tráng, bánh ít lá gai, nem chả chợ Huyện...). Cái món bánh xèo được đúc từ gạo lúa cũ thì ngon thôi rồi. Bốn hoặc sáu cái lò than đặt thành hình bán nguyệt. Mẹ tôi ngồi giữa. Bà đúc bánh xèo như một... nghệ sỹ thực thụ: Để cho nóng khuôn, chà miếng thịt mỡ lên khuôn, tay phải múc môi bột đổ vào khuôn kêu cái "xèo", tay trái cầm cán khuôn nghiêng lắc một vòng điệu nghệ cho bột tráng đều trên khuôn...

Có thể thiếu vài con tôm đất, thiếu đôi miếng thịt, nhưng nhất quyết không thể thiếu nấm mối đã xé thành sợi... Đổ bột và đậy nắp đến khuôn thứ sáu thì quay lại, gấp đôi và vớt cái bánh ở khuôn đầu tiên... Cứ như thế, từng chiếc bánh xèo nóng hôi hổi được vớt ra cho lên đĩa. Cha tôi đã chuẩn bị rổ rau thơm hái ngoài vườn, có cả khế chua, chuối chát, xoài thái mỏng. Mấy chị em tôi xổm có, bệt có, quây quần quanh mâm bánh. Bánh xèo mẹ tôi vớt ra từ khuôn, đặt chưa chạm đĩa, chúng tôi đã cho lên cái bánh tráng nhúng sẵn, thêm ít rau thơm, cuộn lại, chấm nước lèo...

Có hôm, cha tôi sắp bánh xèo vào đĩa: Hai lá bánh xèo gập đôi, xếp hai cạnh vào nhau lại thành một hình tròn. Lớp thứ hai cũng vậy nhưng đặt vuông góc với lớp dưới. Chiếc đũa dài ba mươi phân cắm ở giữa. Cứ thế, bánh xèo được sắp lên đĩa đến khi ngang đầu chiếc đũa. Ông nói: Ngày trước ở quê, có người ăn hết cả đũa bánh xèo như vậy đấy!

Mùa đông miền Trung, mưa và lạnh. Ngồi ăn bánh xèo nóng hổi từ tay mẹ đúc... Cái ấm nó lan tỏa từ trong lòng, lan ra ấm cả căn nhà tranh tuềnh toàng!

...

Kể chuyện làng: Bánh xèo - nấm mối - Ảnh 4.

Trước tết, con gái về quê Bình Định chơi. Mấy hôm sau về nhà, nó nói: "Ở Bình Định mưa lạ lắm ba à!". "Lạ là thế nào?.  "Cứ mưa từng cơn ngắn, rồi lại dứt, lại một cơn mưa ngắn, rồi dừng, rồi lại mưa...". Tôi trả lời con gái: "Đó gọi là mưa nấm mối, con ạ". Con gái vẫn thắc mắc: "Mưa nấm mối là gì hả ba?". "Là như thế, như thế, như thế... đó con".

Chiều qua, mưa và lạnh. Chở cả nhà đi ăn bánh xèo ở phố núi Pleiku. Ngồi kể chuyện cho các con nghe về mưa nấm mối, về việc ba cùng các bác đội mưa đi hái nấm mối, cởi cả quần ra để đựng nấm mối. Rồi kể chuyện bà nội các con đổ bánh xèo cứ như một nghệ sỹ múa... Con hỏi: "Ba có biết đúc bánh xèo như bà nội không?"- "Không con à. Chỉ có bà nội của các con mới làm được như vậy".

Phố núi Pleiku có không ít món ngon như phở khô, bún thối (bún mắm cua chua), rồi cơm lam gà nướng... Nhưng thú thực, bánh xèo Pleiku thì tôi không thích bởi ở nhiều quán, cái bánh to như cái đĩa đại, dày, toàn thịt bò, trứng gà. Dùng kéo cắt bánh xèo ra từng miếng, cuốn bánh tráng... Cả nhà chỉ ăn hết... hai cái bánh xèo.

Nhớ lại những cơn mưa nấm mối thuở thiếu niên, những lần đạp bó rạ đến rách chân để mót lúa cũ, nhớ những chiếc bánh xèo kẹp nấm mối nóng hôi hổi mẹ đúc, nhớ chén nước lèo thần thánh mẹ làm để chấm bánh xèo...

Chao ôi! Cái cảm giác ấm cúng quanh mâm bánh xèo, trong căn nhà tranh vách đất tuềnh toàng, dưới những cơn mưa nấm mối...

Sao mà thèm!...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!