Kể chuyện làng: Chuyện cái nút áo

Lê Minh Hà Thứ bảy, ngày 26/09/2020 08:00 AM (GMT+7)
Thật ra, tôi không phải là nhà nghiên cứu về thời trang, nhưng chiếc nút làm gợi nhớ trong tôi một câu chuyện, một câu chuyện buồn.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Chuyện cái nút áo - Ảnh 1.

Vỉ nút bóp

Nút ở đây là nút bóp, sử dụng trên áo bà ba của phụ nữ vào thập niên 80 thế kỷ trước. Cái thời sau giải phóng mấy năm, cây kim, sợi chỉ cũng phân phối, mua theo tem phiếu. Riêng nút áo thì do các chị bán hàng chui, bưng sề ngồi né trong góc chợ. Hễ thấy quản lý thị trường thì bưng chạy trong hối hả, xong, sề lại chỗ cũ chờ khách lại qua mua một hai món hàng. Người bán ở chợ thường tranh chỗ ngồi nên dễ gây nhau. Nhưng thời ấy người ta sống thân thiện, đoàn kết vì cùng canh me quản lý thị trường.

Kể chuyện làng: Chuyện cái nút áo - Ảnh 2.

Tôi có người bạn cùng khóa cũng kiêm bán mặt hàng này. Ngoài giờ học, cô bưng sề ra chợ với nút áo, kim chỉ, móc tai… Nắng mưa, ngày nào cũng vậy, cứ sát giờ học lại đi vội về nhà, qua loa miếng cơm rồi đến trường. Vất vả thế, nhưng cô học rất giỏi, cuối cấp 3, cô đậu vào Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Bẵng đi thời gian, sau được biết cô đã là phu nhân một bộ trưởng.

Thời tôi học, nữ sinh trong trường hầu như ai cũng mặc áo bà ba, quần lãnh đen. Mấy cô nhà khá giả thì áo kiểu, quần soa Pháp. Riêng lớp tôi, duy nhất có cô tên Mai, mỗi ngày một kiểu áo. Bạn gái với nhau, có cô mủi lòng, nghĩ sao có người dư dả, người thì chỉ hai bộ đổi thay. Sau mới biết, cô mặc đẹp như thế, vì nhà là hiệu may ở quê. Đồ của khách cô cứ thử trước. Sang chẳng ai bằng!

Đối với nam, nhìn cách ăn mặc có cùng màu, các bạn nhận ra nhau là người làng. Thời Hợp tác xã phân phối nhu yếu phẩm, người dân không có quyền lựa chọn!

Thời đó, ai học cứ phải học, chứ không biết để làm gì. Ở quê, trai không học thì phải làm nông, nếu không, nghĩ cách đi buôn lậu hàng biên giới. Xa hơn, tìm cách vượt biên. Là con gái, nếu không lấy chồng sớm, chỉ có con đường đi học may.

Học may là cái mốt thời ấy, là con đường thoát ly khỏi làng quê nghèo khó, chật chội của nhiều cô gái trẻ.

Thời học may của nhiều cô gái gắn liền với tuổi dậy thì. Cái lệ, đi học thì sắm dàn máy Sinco khoảng ba chỉ vàng, tiền thầy cũng ba chỉ tới khi ra nghề. Người chuyên cần,  xong khóa học, may được đồ tây, đồ bà ba, quần áo trẻ con. Trường hợp không ra nghề rơi vào các cô yêu sớm. Học may là cái cớ để ra đường hẹn hò không bị ngăn cấm. Gặp cảnh này, cha mẹ chỉ được hưởng cặp vịt thú phạt, song đôi khi xôi hỏng, bỏng không.

Kể chuyện làng: Chuyện cái nút áo - Ảnh 3.

Áo bà ba - ảnh internet.

Chiếc áo bà ba đẹp cho phụ nữ. Người khéo may làm nổi ba vòng, trai tơ đắm đuối, thơ tình lả tả…nhưng lại không đẹp khi người mặc "Còn gì mà giấu mà che, áo hai vạt trước so le mất rồi!". Nghĩ xem, nhìn con gái ra nghề như thế ai đành lòng.

Thời của tôi, ghẹo gái, có hai cách. Thơ tình và vật chất.

Cùng lứa, trong làng có bao nhiêu người đều biết nhau. Thích nhau, lời không dám tỏ. Người biết chữ đâu phải ai cũng viết được một mạch văn. Tôi là người ăn may.

Tôi có người anh cùng họ. Tính anh hơi nổ, nhất là khoản tán gái. Tôi không rõ anh tán gái như thế nào. Nhưng tôi biết anh hay tư vấn tình yêu cho bọn trai dưới tuổi.

Cứ mỗi lần như vậy, khoảng tám giờ tối, lúc tôi đi học về, cơm nước xong, anh băng đồng, thuyết phục tôi viết giúp thư tình, quà là mấy điếu Đalat, khi thì gói Mai hoặc Camen… Hôm nào trúng mối xịn thì được cả gói. Nhìn tôi đốt thuốc, thả khói, muỗi cắn anh không dám đập, sợ mạch văn không thông. Thấy tôi trầm tư lâu, bút không lay động,  anh hết đứng lại ngồi, trở mình liên tục. Cái thời trẻ, khốn khó nhưng lại giàu năng lượng để tư duy… tình.

Thư tình bốn trang giấy học trò thì một tiếng, đặt thơ mươi câu lâu hơn chút. Bảo đảm kịp cho anh tôi giao khách hàng trước khi chương trình cải lương kết thúc. Phong thư trao tay, hoặc cũng có khi nhét vào cửa sổ.

Tôi biết có cặp nên duyên, đến giờ con cháu đề huề. Có cặp thắm thiết buổi đầu rồi đường ai nấy đi. Tình đầu mà.

Hết bậc phổ thông, tôi lên thành phố. Anh tôi ở quê trở thành người viết thư tình có uy tín trong đám trai làng. Anh tôi đến lúc lấy vợ cũng được mấy trận đánh ghen.

Tôi có người bạn tên Phước, trạc tuổi, nhà ở xóm dưới một đỗi. Lúc tôi học lớp mười một thì Phước lấy vợ. Lấy vợ xong, cha mẹ cho ra riêng với mấy công ruộng. Thời tập đoàn còn mấy ai quan tâm đến sản xuất, đất rẻ bèo bán một công một chỉ vàng chẳng ai mua, làm chi cũng không có tích lũy. Phước theo nhóm bạn tứ đổ tường mong vớt vát  đồng vô đồng ra. Từ đánh đề, đá gà, bài và… gái.

Còn nhớ, năm 1980, có chiều tan học, ngang qua Restaurant Cửu Long, nay là Nhà hàng khách sạn Thiên Long, chúng tôi đói bụng kéo nhau vào mua vé hủ tiếu thịt heo với giá 50 xu một tô. Ăn xong ra công viên đợi đò ngang An Bình. Thời ấy sao gan, đò khẳm lừ mà không sợ. Đò một chiếc nên ai cũng lo lỡ chuyến.  Trời khô ráo thì đi một tiếng. Mùa nước nổi dò dẫm về đến nhà phải tám giờ tối. Cơm xong, ngồi bên chiếc đèn tây mà mắt nhướng không lên.

Một hôm, ngồi đợi đò mà ai cũng xôn xao: "Thiệt không? Thiệt không?".

Cái tin lan truyền: "Phước trúng số. Mời ai là bạn quen vào nhà hàng Restaurant ăn tiệc!"

Nửa tin, nửa ngờ, chúng tôi ngó nghiêng về phía nhà hàng, phân vân không biết có nên đi hay không. Một người từ chợ ra nói: Bữa nay có người trúng số đãi tiệc, mấy ông bốc vác, xe đẩy đi ăn hết làm mấy bà ngoài chợ la quá trời!

Việc nặng ngoài chợ không có đàn ông, chẳng khác nào bãi thị. Vậy là có thật.

Chuyện Phước trúng số rồi tôi cũng quên đi. Khoảng hai mươi năm sau, dịp giỗ ba tôi, nghe Phước kể.

Thời chưa trúng số, Phước có quen cô thợ may làng bên. Con gái làm nông nắng táp, tay phèn, chứ con gái làm nghề may má đào, da trắng, ngồi mát trong nhà mà còn đi guốc nữa. Cái dáng yểu điệu quá đà khi biết có người để ý khiến cô trở nên nhức mắt đối với nhiều người. Riêng Phước, cô đẩy đưa, đãi bôi vậy chứ chạm vào tay thì giẫy như bị phỏng. Mỗi lần như vậy, Phước tự nhẩm: "Con nhỏ này làm cao!". Cái cảm giác vừa ghen ghét vừa khao khát khiến Phước nghĩ mình phải chiếm hữu mới được.

Rồi Phước trúng số, mười lăm tờ vé số Cửu Long mệnh giá năm mươi xu, giải đặc biệt. Quy ra vàng thời ấy, mỗi tờ vé số tương đương mười hai cây vàng. Mười hai nhân cho mười lăm. Đúng là cảm giác khó tả.

Tin Phước trúng số lan qua làng bên. Cô thợ may bắn tin mời Phước sang chơi…

Hai hôm sau, nhà cô thợ may đóng cửa. Họ du lịch lên thành phố Hồ Chí Minh.

Thời ấy, trai gái quen nhau, nói chuyện phải để đèn. Coi hát đình, nữ đứng một bên, nam một bên, có du kích giám sát. Anh nào táy máy, quọ quậy thì công an làm việc, chứ nói chi trai gái cùng phòng khách sạn.

Phước và cô thợ may quấn quýt như cặp vợ chồng mới cưới. Những tờ giấy bạc mới cứng thay cho giấy kết hôn, qua được những cuộc kiểm tra gắt gao. Đó là ải thứ nhất.

Ải thứ hai, là hàng nút áo. Tiếng "bựt" vội vã của nút thứ nhất vang lên trong phòng kín, thì bên tai Phước: "Cho em đầu máy Sinco nghe anh!" - "Ừ!". Phước đáp không cần suy tính… Tiếng "bựt" thứ hai vang lên cùng với lời thỏ thẻ "Cho em cái thâu băng nghe anh!" "… Vậy là cô lên đời từ từ. Chẳng rõ từ bao giờ người ta thiết kế chiếc áo bà ba với năm nút bóp. Cái loại nút, khi cài cũng như khi mở có tiếng kêu khẽ gợi cảm, liên tưởng… Kết thúc năm tiếng "bựt", Phước văng một tờ vé số.

Những cuộc vui thú đầy lãng mạn với cô thợ may diễn ra, khiến người đàn ông có vợ quên tháng ngày.

Cũng may, Phước kịp mua thêm chục công ruộng, một ghe tải trọng lớn cho người thuê lại. Hiếu hỉ cha mẹ, anh em, vợ con mỗi người một ít. Rồi một "khung trời mới" mở ra: Đánh bạc.

5 giờ sáng còn say giấc, trước ngõ đã có người gọi tên. Những chiến hữu trên chiếu bạc ngày càng tình thương mến thương Phước. Vắng một chút là nhớ. Không nhớ sao được. Điểm tâm, Phước trả tiền. Thua bạc, Phước ngắt khúc tiền cho mượn, không cần đếm. Ai cũng sẵn lòng lấy nhà làm chiếu bạc di động để tránh chính quyền. Những tờ vé số mòn dần…

Cái ngày tôi gặp Phước trong ngày giỗ ba tôi, lúc ấy anh ta từ Cà Mau về thăm cha mẹ. Mối tình say của anh ta làm tiêu hao cũng không đáng kể, bởi có qua có lại. Cái làm cho Phước phải bỏ xứ đi miệt U Minh chính là chiếu bạc. Những người bạn thân thiết hằng ngày đã liên kết để tạo những ván bài gian lận có ăn có thua. Nhưng thua là chính. Phước đổ cho vận xui. Tất cả hoàn không.

Sau lần gặp ấy, Phước biền biệt xứ vì nuôi tôm thua lỗ. Người ta kể, Phước về giỗ cha, thăm những bạn cũ, hỏi xin ít tiền. Nhưng những bạn ngày trước không nhìn ra Phước, kẻ thì ngó lơ. Gặp bà chủ quán, nơi thuở trước Phước hay bao bạn, xin ăn chịu tô hủ tiểu, bà không cho, còn chửi: "Tại mày ngu!". Phước mất vì tai biến sau ngày giỗ cha. Anh em nhắn về Cà Mau, vợ Phước bảo: "Không có tiền về!"

Mộ Phước nằm lặng lẽ bên góc vườn cha mẹ, do người em quản lý. Người xưa nói:

                               Của làm ra là của trong nhà

                               Của ông bà là của ngoài sân

                               Của quỷ thần có chân nó chạy.

Quả không sai!

                                                                   

                                                                        

 

 

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem