Dân Việt

Giải mã quốc bảo bình gốm hình người lưỡng tính

S.S 23/11/2020 09:42 GMT+7
Một chiếc bình gốm phù điêu hình người lõa thể, di vật hiếm có được trưng bày tại khu riêng biệt trong Bảo tàng quốc gia, mà cho dù xuất phát từ khía cạnh giá trị lịch sử hay nghệ thuật đều là một tác phẩm "kiệt xuất" tại thời đại của nó.
Giải mã "quốc bảo" bình gốm "lưỡng tính"  - Ảnh 1.

Đây là một di vật hiếm có được trưng bày riêng biệt tại khu "Trung Quốc cổ đại" thuộc Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.

Ai đã từng tham quan Bảo tàng quốc gia Trung Quốc hẳn sẽ vô cùng ấn tượng với những di vật văn hóa được trưng bày trong đó. Trong số vô vàn hiện vật được đặt ngay ngắn dưới ánh đèn này, hẳn sẽ không một du khách nào có thể quên hình ảnh về một chiếc bình gốm phù điêu hình người lõa thể trên đây.

Có thể nói, đây là một di vật hiếm có được trưng bày riêng biệt tại khu "Trung Quốc cổ đại" thuộc Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá rằng, cho dù xuất phát từ khía cạnh giá trị lịch sử hay giá trị nghệ thuật, chiếc bình này vốn đã là một tác phẩm "kiệt xuất" tại thời đại của nó. Hình ảnh phù điêu người lưỡng tính trên thân bình đã mang lại cho thế hệ tương lai những nhận thức và hiểu biết trực quan về tôn giáo, phong tục dân gian và nghệ thuật của thời kỳ đó, có giá trị nghiên cứu rất cao.

Giải mã "quốc bảo" bình gốm "lưỡng tính"  - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia khảo cổ học, chiếc bình gốm màu đất này được tạo ra vào khoảng 3200-2000 năm trước Công nguyên, thời kỳ đồ đá mới. Chiếc bình có chiều cao 33,4 cm, đường kính miệng 9,2 cm. Miệng bình rộng, cổ ngắn, thân bình dạng trống, đáy bằng, làm từ đất nung, phủ một lớp gốm đỏ bên ngoài, mặt bình điêu khắc một hình người lõa thể, hoàn thiện với các lớp sơn đen. Chiếc bình này được khai quật tại Liễu Loan, Lạc Đô, Thanh Hải vào năm 1974 và được xếp vào hàng di tích văn hóa cấp quốc gia (quốc bảo).

Giải mã "quốc bảo" bình gốm "lưỡng tính"  - Ảnh 3.

Điểm nhấn lớn nhất của chiếc bình này, cũng là điểm thu hút nhất của nó, chính là hình tượng điêu khắc trên thân bình – người lưỡng tĩnh nam và nữ. Nhìn từ phía trực diện cũng chó thể thấy phần điêu khắc hình người được nặn nổi trên thân bình. Đầu người nằm ở phía cổ bình, có đầy đủ ngũ quan: mắt nhỏ, mũi cao, tai rộng, miệng to, hai tay ôm trước bụng, ngực có hai chấm nhỏ như bầu vú, phần giữa có rốn, nhìn như đàn ông, nhưng cũng mơ hồ như đàn bà, dưới cơ quan sinh dục là hai chân thẳng đứng. Nghiên cứu cho thấy đây là tác phẩm gốm thể hiện đặc điểm của cả hai giới, tức là tác phẩm gốm điêu khắc của người lưỡng tính. Bộ ngực có vẻ lớn nhưng không đủ lớn như phụ nữ và các đặc điểm giới tính giống cả nam và nữ cho thấy đây là hình tượng lưỡng tính. Đây cũng chính là điểm cuốn hút và gây sự tò mò của tác phẩm nghệ thuật này.

Giải mã "quốc bảo" bình gốm "lưỡng tính"  - Ảnh 4.

Mặt sau của bình gốm có một số nét vẽ sọc phần cổ bình tượng trưng cho tóc người, suy ra mặt sau của bình tượng trưng cho hình lưng người. Mặt sau được trang trí các nét vẽ giống con ếch, điều này cho thấy người tạo ra chiếc bình muốn ngụ ý nói tới trạng thái hợp nhất giữa người và ếch. Dưới đáy thân bình có những nét biểu tượng sóng nước, điều đó cho thấy tác phẩm này có liên quan đến nước.

Khi chiếc bình được đưa vào công cuộc nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ đã lờ mờ đoán ra được nó có liên quan tới đạo Shaman giáo.Theo tìm hiểu, Shaman bắt nguồn từ chữ Smàn (tế tư) tiếng Tungus. Tại Trung Quốc, Shaman (hay còn gọi đạo phù thủy Saman), có nghĩa là chỉ những "trí giả", tức là chỉ những thầy tế, thầy mo, phù thủy hoặc pháp sư – những người có khả năng thần thông, có thể giao tiếp với thần linh. Shaman giáo xuất hiện và hình thành từ thời tiền sử, là tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc nguyên thủy ở một số nơi trên thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng đến các dân tộc phía Bắc Trung Quốc.

Giải mã "quốc bảo" bình gốm "lưỡng tính"  - Ảnh 5.

Những người nguyên thủy tin vào Shaman giáo, luôn tin rằng những người lưỡng tính – vừa có đặc điểm giới tính nam và nữ là những người đặc biệt có "thần tính". Hay nói cách khác, những người này có thể truyền đạt ý chí của thần linh, được coi là trung gian của trời đất - pháp sư. Vì người lưỡng tính rất hiếm trong đời thực nên khi một người lưỡng tính cũ (thầy cúng) qua đời, bộ tộc của anh ta có thể không có người lưỡng tính mới thay thế. Bởi vậy, một số người có giới tính bình thường sẽ thay thế người lưỡng tính trước đó để trở thành Shaman. Để có được thần tính của những Shaman đích thực (người lưỡng tính), các thế hệ pháp sư tiếp theo sẽ tự cải trang mình thành người lưỡng tính, ví dụ như: làm cho ngực mình phình to ra, mặc quần áo nữ giới hoặc làm những công việc may vá thêu thùa …

Ngoài ra, Shaman giáo tin rằng mọi thứ đều có linh hồn. Họ tin rằng linh hồn động vật và linh hồn con người có thể hoán đổi cho nhau. Trong quan niệm của các thầy cúng, ếch là loài vật có sức mạnh thần thánh rất lớn, không chỉ có khả năng biến hóa, tái sinh rất mạnh (nòng nọc - ếch xanh) mà còn có thần lực đi khắp hạ giới (thế giới dưới nước) và thiên giới. Vì vậy, các thầy cúng thường thỉnh ếch thần nhập thân để hành nghề, đây cũng là lý do quan trọng giải thích tại sao họa tiết ếch được vẽ trên mặt sau của chiếc bình này. Trong số các dân tộc tin vào Shaman giáo, có rất nhiều truyền thuyết lưu truyền về việc các pháp sư biến thành ếch.

Giải mã "quốc bảo" bình gốm "lưỡng tính"  - Ảnh 6.

Trong lịch sử Trung Quốc, các tộc người như Hung nô, Ô Hoàn, Tiên Ti, Khiết Đan, Nữ Trân, Mông Cổ, Mãn tộc … đều từng có tín ngưỡng Shaman giáo. Hiện nay, Shaman giáo vẫn còn tồn tại trong các dân tộc thiểu số ở phía Bắc Trung Quốc như Oroqen, Ewenki, Hezhe, Mông Cổ, Xibe và Mãn tộc …

Bình gốm đắp nổi màu nude, là loại gốm được làm bằng kỹ thuật nhào trong thời kỳ đầu, phản ánh hình thức khởi sáng của nghề phù điêu. Và do sự kết hợp giữa hình ảnh chạm nổi của người lưỡng tính và hoa văn ếch nên nó phản ánh tín ngưỡng tôn giáo và quan niệm xã hội thời bấy giờ. Tôn giáo nguyên thủy và nghệ thuật điêu khắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên chiếc bình này đã được xếp hạng là di tích văn hóa cấp quốc gia.