Dân Việt

An Giang: Tổ nghề nghiệp nuôi cá lóc giống đầu tiên đạt chuẩn GlobalGAP có gì đặc biệt?

Hồng Cẩm 27/10/2020 09:39 GMT+7
Chiều 26/10, trong khuôn khổ Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp "Nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường" tại An Giang do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT An Giang đã đến thăm Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lóc giống đạt chuẩn GlobalGAP ở ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú.
An Giang: Tổ nghề nghiệp nuôi cá lóc giống đầu tiên đạt chuẩn GlobalGap - Ảnh 1.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao đổi với các thành viên Tổ Hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm trưởng đoàn, cùng gần 50 cán bộ Trung tâm Khuyến nông và nông dân các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang đã đến thăm và làm việc với Tổ Hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý. 

Kỹ sư Phan Hoàng Minh, Tổ Thủy sản huyện Châu Phú, cho biết: Những năm gần đây, do nhu cầu cung ứng về con cá lóc giống cho người nuôi tăng cao nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển một phần đất lúa sang đào hộc nuôi cá lóc giống. Tính đến nay, toàn huyện đã có 175ha diện tích nuôi cá lóc giống, với 516 hộ nuôi, sản lượng mỗi năm đạt 6.299 tấn.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện, đã có Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống ấp Mỹ Quý vừa được cấp chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.

An Giang: Tổ nghề nghiệp nuôi cá lóc giống đầu tiên đạt chuẩn GlobalGap - Ảnh 2.

Kỹ sư Phan Hoàng Minh trao đổi về tình hình sản xuất cá lóc giống tại huyện Châu Phú và kỹ thuật sản xuất cá lóc giống đạt chuẩn GlobalGAP.

Tổ hội nghề nghiệp sản xuất các lóc giống ấp Mỹ Quý được thành lập năm 2018, với có 19 hộ, diện tích 7,9 ha, ước sản lượng cá giống hơn 90 tấn/năm.

Trong thời gian qua, Tổ hội nghề nghiệp sản xuất các lóc giống ấp Mỹ Quý hoạt động khá tốt, các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để làm ăn phát triển, góp phần thúc đẩy nghề sản xuất cá lóc giống của xã nhà . Hiện nay tổ đã gắn kết tiêu thụ với Tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh và một số hộ nuôi cá lóc ở Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) và Tổ hội nuôi cá lóc ở phường Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên).

Anh Nguyễn Trung An, Tổ phó Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý cho biết: Với 1.000m2 đất (1 công) sẽ đào được 30 - 35 cái hộc, có diện tích từ 3m x 3m đến 3m x 4m, sâu 1m, chi phí khoảng 20 triệu đồng. Mỗi hộc thả một cặp cá lóc bố mẹ cho sinh sản. Sau hơn một tháng nuôi, từ 1 cặp cá bố mẹ có thể thu hoạch từ 6-9 kg cá lóc giống. Mỗi năm cá bố mẹ sẽ sinh sản từ 6-7 lần.

Hiện nay giá cá lóc giống thương lái mua tại chỗ khoảng từ 50.000 đồng/kg - 60.000 đồng/kg (thời điểm khan hiếm giá bán ra hơn 300.000 đồng/kg). Với giá hiện tại, người nuôi cá lóc giống có thu nhập khá, cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

An Giang: Tổ nghề nghiệp nuôi cá lóc giống đầu tiên đạt chuẩn GlobalGap - Ảnh 3.

Các thành viên đoàn tham quan ao nuôi cá lóc giống theo quy trình GlobalGAP.

Tại buổi tham quan, các thành viên đoàn đã tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật sản xuất, đầu ra... cá lóc giống và được các thành viên Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống cũng như Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu nâng cao chuỗi giá trị cá lóc nuôi thương phẩm tỉnh An Giang"- người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm quy trình nuôi cá lóc giống đạt chuẩn GlobalGAP cho tổ đã trả lời rất chi tiết nhiệt tình.

Các thắc mắc cũng như kỹ thuật của thành viên sẽ được tiếp tục trao đổi tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề "Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường", diễn ra hôm nay ngày 27/10.