Hàng trăm nghìn tấn nông sản được tiêu thụ
Chương trình phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP. Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19/5/2015 của Bộ NNPTNT. Mục tiêu chính của chương trình là đưa những sản phẩm rau, thịt an toàn về tiêu thụ trên địa bàn TP.Hà Nội.
Sở NNPTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thủ đô đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Tính đến nay, đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó, 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NNPTNT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị Bộ NNPTNT tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất. Triển khai các chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao.
Số lượng sản phẩm của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương nhân kinh doanh của Hà Nội tăng đáng kể trong 5 năm qua. Cụ thể, trung bình 1 năm, tỉnh Hòa Bình cấp cho Hà Nội 120 tấn quả có múi các loại, 4.000 tấn thịt lợn, thịt gà, thịt bò; 1.500 tấn cá sông Đà… Tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp rau củ quả: 80.000 tấn, trứng gà: 250 triệu quả, gà thịt: 3.200 tấn, lợn thịt: 15.000 tấn...
Tỉnh Lạng Sơn cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 20 tấn rau, củ, quả, trên 50 tấn sản phẩm đã qua chế biến như măng ớt, cao khô, thạch đen, hoa quả các loại. Tỉnh Hà Nam khoảng 15.000 tấn nông sản, thủy sản. Tỉnh Sơn La cung cấp 3.260 tấn rau các loại, 5.784 tấn quả các loại, 330 tấn thịt lợn… Tỉnh Bắc Kạn 10 tấn gạo nếp đặc sản, măng khô 3 tấn, bí thơm 250 tấn... Tỉnh Yên Bái 10.000 tấn cam, bưởi...
Bên cạnh các chuỗi liên kết nhỏ lẻ, hiện tại có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm các địa phương tiêu thụ tại kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội. Điển hình, hệ thống siêu thị Vinmart kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 19.000 tấn, giá trị đạt 240 tỷ đồng. BigC Thăng Long kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 4.600 tấn, giá trị đạt 89 tỷ đồng. Saigon Co.op Hà Nội kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 1.800 tấn, giá trị đạt 37 tỷ đồng…
Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong 5 năm qua của chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành. Thứ trưởng Tiến cho rằng, trong thời gian tới cần nhìn vào các bài học vừa qua để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hơn nữa theo 3 cấp sản phẩm quốc gia, khu vực và OCOP. "Không thể sức nào xét nghiệm được tất cả các mẫu nông sản mà phải giám sát theo nguy cơ, ngăn chặn "thực phẩm bẩn" ngay từ đầu nguồn" - Thứ trưởng nói.
Để làm được điều đó Hà Nội và các tỉnh, thành cần tập trung kiểm soát vật tư đầu vào; phân phối và tổ chức sản xuất có hệ thống chặt chẽ; rà soát các trung tâm, phòng xét nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản để bảo đảm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của người dân Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thì cho rằng, Chương trình phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho Thủ đô. Sau 5 năm, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội nói chung cũng như công tác kết nối, tiêu thụ nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, thực hiện chủ trương "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội" nói riêng, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành tập trung các nguồn lực cho tổ chức sản xuất theo hướng xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản.
Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, xúc tiến, kết nối đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực chế biến sâu nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để đẩy mạnh sản xuất theo tín hiệu thị trường, xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, cần phối hợp với các bộ ngành ở T.Ư quan tâm, hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu quả, đặc biệt là các chương trình liên kết vùng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hoàn thành Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia…
Đối với Sở NNPTNT 21 tỉnh, thành phố trong ban điều phối chương trình, lãnh đạo Hà Nội đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm; cũng như những nghiệm xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị đặc biệt sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao...