Báo cáo tại cuộc họp của Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai sáng 29/10, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, vụ sạt lở đất tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xảy ra tại hai thôn của xã Trà Vân và Trà Leng làm 53 người bị vùi lấp, 4 người may mắn thoát ra được.
Hiện các lực lượng đã thiết lập Sở chỉ huy tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My để sẵn sàng cơ động giữa hai xã Trà Vân và Trà Leng.
Bộ Quốc phòng đang huy động Quân khu 4, Quân khu 5 và các binh chủng, đặc biệt là binh chủng công binh phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nhanh nhất. Tuy nhiên, điều kiện ở hai xã này rất khó khăn, mất điện, đường đi vào có nhiều đoạn bị sạt lở.
"Đề nghị Ban chỉ đạo TƯ về phóng chống thiên tai chỉ đạo tất cả các tỉnh vùng miền núi rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt sạt lở có rất nhiều nhưng chỗ nào có dân ở thì chúng ta phải có biện pháp trước khi có bão, lũ đến.
Khu vực lũ chúng ta có thể tích trữ lương thực thực phẩm vào, nhưng đối với sạt lở hết sức phức tạp không biết chỗ nào mà lần. Nên những khu vực nào ven núi chúng ta phải tổ chức sơ tán trước khi mưa lũ vì xảy ra rất nhanh, mà hậu quả lại khó lường" - ông Dũng nói.
Liên quan đến thời tiết khu vực bị sạt lở, vùi lấp 53 người ở Nam Trà My, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trong ngày 29/10 và ngày mai ít mưa.
"Khu vực tỉnh Quảng Nam mưa chủ yếu ở các khu vực ở phía Tây và Tây Bắc, tuy nhiên, từ ngày 31/10 và đêm 1/11, khu vực Nam Trà My sẽ mưa to" - ông Lâm nhận định.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, vừa nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các tỉnh miền núi rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có phương án ứng phó.
Theo nhận định chung, mưa lũ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.
Chủ động rà soát các nguy cơ mới để kịp thời di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn, chỉ cho người dân quay về khi đã an toàn. Đảm bảo lương thực, an ninh, trật tự nơi sơ tán.
Liên quan đến 2 tàu của Bình Định với 26 ngư dân gặp nạn trên biển, 2 tàu của kiểm ngư và 1 tàu của hải quân đã tiếp cận được hiện trường và đang tìm kiếm người mất tích. Lực lượng hải quân vùng 4 đã lập Sở chỉ huy tiền phương để tập trung phương tiện và nhân lực để tìm kiếm các ngư dân.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, tính đến 10h ngày 28/10, bão số 9 đã làm chết 2 người, 55 người bị mất tích và 28 người bị thương.