Ông Rơ Mah Lin (làng Tao Lăh, xã Ia Rong, Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho hay: Trước đây, gia đình ông chỉ trồng bắp lấy hạt. Tuy nhiên, cứ đến vụ thu hoạch bắp thì bị thương lái ép giá. Vì vậy, khi được xã vận động tham gia mô hình trồng bắp sinh khối của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS thì ông đăng ký trồng 1,5 ha.
Vừa rồi, gia đình ông Lin thu hoạch được 70 tấn bắp sinh khối, HTX thu mua với giá 650.000 đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 40 triệu đồng, cao hơn so với trồng bắp lấy hạt 10-15 triệu đồng/ha (khoảng 30%).
“Tôi thấy trồng bắp sinh khối cho năng suất cao mà còn được HTX thu mua tại ruộng nên không lo bị ép giá hay thiếu nhân công mỗi khi bước vào vụ thu hoạch như các năm trước”-ông Lin vui vẻ nói.
Tương tự, ông Rơ Mah Rmul (thị trấn Nhơn Hòa) cho biết: Trồng bắp lấy hạt thời gian cho thu hoạch khoảng 110-125 ngày, trong khi trồng bắp sinh khối chỉ mất 80-90 ngày. Vì vậy, trong 1 năm sẽ trồng được 2 vụ bắp sinh khối. Thời gian còn lại thì trồng các loại rau màu.
“Sau khi tham gia mô hình trồng bắp sinh khối, tôi đã nắm bắt được kỹ thuật trồng và sản phẩm bắp sinh khối có đầu ra ổn định hơn. Với 0,5 ha bắp sinh khối, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 40 triệu đồng/năm nếu trồng 2 vụ”-ông Rmul cho hay.
Ông Trần Văn Công-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết: Mục tiêu của HTX là hoạt động theo quy trình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sau chế biến. Trước khi bước vào vụ sản xuất bắp sinh khối, HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm bắp sinh khối cho người dân. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình trồng bắp sinh khối được hỗ trợ với định mức 20 kg bắp giống và 800 kg phân bón/ha.
“Thời gian tới, HTX sẽ áp dụng một số chính sách như: hỗ trợ giống bắp, tập huấn kỹ thuật trồng bắp sinh khối, hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất, thu mua bắp sinh khối với giá có lợi cho người dân... Đồng thời, HTX triển khai thêm một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định”-ông Công cho hay.
Theo đánh giá của Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), sau khi HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS triển khai mô hình trồng bắp sinh khối, toàn huyện có 60 hộ dân tham gia với diện tích 80 ha, trồng bắp sinh khối tập trung ở các xã: Ia Rong, Ia Hrú, Ia Dreng và thị trấn Nhơn Hòa. Ưu điểm của giống bắp sinh khối là thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng kháng bệnh cao, hạt đầy sữa phù hợp để làm thức ăn trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, bắp sinh khối lại ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết so với bắp lấy hạt. Việc rút ngắn được 30-45 ngày trên vụ trồng bắp sinh khối không những giảm rủi ro do thiên tai mà còn có thể tăng vụ. Ngoài ra, vụ mùa năm nay, HTX còn liên kết với các hộ dân triển khai mô hình trồng bí đỏ. Mô hình này bước đầu cũng cho kết quả khả quan, nhận được sự đồng thuận của người dân.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cho hay: Thành công bước đầu từ mô hình liên kết trồng bắp sinh khối và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch đã khẳng định hướng đi của huyện là đúng đắn.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, HTX triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có mô hình trồng bắp sinh khối để hướng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích”-ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) thông tin.