Dân Việt

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 3: Ánh sáng của Đảng nơi bản làng xa ngái

Nhóm PV Tây Bắc 04/11/2020 10:00 GMT+7
Từ khi có Chi bộ, bản vùng cao Pan Khèo (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã có những đổi thay tích cực. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đến được với đồng bào Mông nơi rẻo cao này.

Đồng bào nơi đây cũng vì thế tin tưởng và nghe theo sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ và các đảng viên trong bản.

Nhiều năm liền không có người nghiện

Trước khi đưa chúng tôi lên bản Pan Khèo, Bí thư Đảng ủy xã Thèn Sin Nguyễn Văn Chung thông tin: "Xã Thèn Sin có 8 bản, mỗi bản có đặc thù riêng. Có bản mạnh về phát triển kinh tế (bản Đông Phong – NV) lại có nhiều tệ nạn xã hội. Có bản nhiều năm nay không có người nghiện, không có trộm cắp, thì lại khó khăn trong phát triển kinh tế. Đó là bản Pan Khèo với 100% dân số là người dân tộc Mông. Pan Khèo là bản đặc biệt khó khăn của xã, với tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 100%".

Bản Pan Khèo nằm tít trên đồi cao, cách trung tâm xã Thèn Sin chừng 8km. Nhà Bí thư chi bộ Giàng A Sử nằm ở giữa bản. Thấy chúng tôi từ xa, ông Sử niềm nở chào đón như người quen lâu ngày mới gặp. Tay bắt mặt mừng, ông Sử nói tiếng phổ thông lơ lớ mời chúng tôi vào nhà.

Trước khi kể về chuyện phát triển Đảng viên, thành lập chi bộ và đời sống sinh hoạt của người dân trong bản, ông Sử đưa tay với chiếc điếu dựng ở góc nhà. Tay vân vê điếu thuốc lào như để có thêm thời gian hồi tưởng về kí ức, ông Sử thủng thẳng kể về những ngày đầu thành lập bản Pan Khèo.

Loạt bài Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc Bài 3: Ánh sáng của Đảng nơi bản làng xa ngái - Ảnh 1.

Bản Pan Khèo thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, Lai Châu), nhưng dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự gương mẫu của các Đảng viên, người dân bản Pan Khèo tích cực góp công sức làm đường giao thông nông thôn xoá đói nghèo. (Ảnh: P.V)

Vấn chất giọng lơ lớ, chân chất của người Mông, ông Sử chậm rãi kể: "Năm 1999, bản Pan Khèo được thành lập với 13 hộ dân. Hầu hết các hộ dân đều di cư tự do từ bản Sin Câu (xã Thèn Sin) cách đó chừng 4km lên tít trên đồi cao dựng nhà ở. Gia đình mình và một số hộ dân khác ở Sin Câu chuyển lên trước khi thành lập bản chừng 2 năm. Khi đó, trong bản hầu như nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện. Ông già mình cũng bị khói thuốc phiện làm khổ và bị nghiện cái thứ khói chết người đó. Bản mình ít chữ lắm. Trước đây, trẻ em chỉ học đến lớp 1 là dừng không học nữa. Như mình, được xã, bản và bà con tin tưởng nên đã bầu làm công an viên của bản".

Sau 6 năm kiên trì vận động, gần 20 người nghiện trong bản từ người già cho đến người trẻ, có cả phụ nữ đều đã bỏ được thuốc phiện và tu chí làm ăn. Từ năm 2006 đến nay, bản của ông Sử đã không còn ai nghiện ma túy nữa. Đây là điều mà bao thế hệ người Mông trước đó chưa làm được…

Trong mạch kể của mình, đến đoạn vận động người dân cai nghiện thuốc phiện, giọng ông Sử sôi nổi hẳn lên: Lúc đó mình nghĩ, nghiện thuốc phiện mang lại nhiều hệ lụy. Người nghiện thuốc phiện không làm được gì cả, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bàn đèn. Hút thuốc phiện ảnh hưởng đến sức khỏe và làm kinh tế gia đình sa sút. 

Đàn ông trong bản mỗi lần nhớ thuốc phiện mà không có thuốc hút lại đánh vợ, chửi con và đi lang thang không giúp gì được cho gia đình. Nghĩ vậy nên mình quyết tâm vận động người dân cai nghiện.

"Nhờ có cán bộ xã là các Đảng viên cùng lên phối hợp với bản để tuyên truyền, vận động. Ban đầu, mình vận động, thuyết phục, động viên bố mình cai nghiện trước để làm gương. Cũng khó khăn lắm, cuối cùng ông già đã cai nghiện thành công. Sau đó, mình tiếp tục cùng các bộ xã đến từng nhà có người nghiện để vận động họ cai nghiện. Mình bảo, bố tôi vừa già vừa nghiện nặng như vậy còn cai được, thì các bác, các cô cố gắng cai nghiện thì sẽ được thôi", ông Sử kể.

Có chi bộ, bản Pan Khèo đổi mới

Theo Bí thư Chung, khi mới thành lập, bản Pan Khèo chưa có Đảng viên và cũng chưa có chi bộ nên các chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước khó đến được với người dân. Đảng ủy xã Thèn Sin cũng rất quan tâm đến vấn đề phát triển Đảng viên ở bản Pan Khèo.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như: Tảo hôn, sinh con thứ 3 và trình độ văn hóa hạn chế nên việc tìm ra những "hạt giống đỏ" cho Đảng ở Pan Khèo gặp nhiều trở ngại.

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 3: Ánh sáng của Đảng nơi bản làng xa ngái - Ảnh 3.

Cán bộ, đảng viên bản Pan Khèo luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào của bản, nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: P.V)

Qua câu chuyện với ông Sử, chúng tôi được biết: Mãi đến năm 2008, chi bộ bản Pan Khèo mới được thành lập. Khi đó Bí thư Chung là cán bộ tư pháp xã được phân công về sinh hoạt và làm Bí thư chi bộ bản Pan Khèo. Hai năm sau, ông Chung rút về sinh hoạt tại Chi bộ cơ quan, ông Giàng A Tráng lên làm Bí thư chi bộ Pan Khèo. Ông Sử làm Bí thư chi bộ bản Pan Khèo từ năm 2015 đến nay. Hiện chi bộ bản Pan Khèo đã có 5 Đảng viên.

"Tháng nào Chi bộ cũng tổ chức sinh hoạt. Các nội dung quan trọng của bản đều được đưa ra thảo luận, thống nhất và đưa vào nghị quyết, sau đó tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện. Kể từ khi bản có chi bộ, các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đến với người dân trong bản nhanh hơn, đầy đủ hơn so với trước đây" – ông Sử khẳng định.

Như đã nói ở trên, Pan Khèo là bản đặc biệt khó khăn của xã Thèn Sin. Cả bản có 54 hộ dân thì có tới 50 hộ nghèo. 4 hộ còn lại thuộc diện cận nghèo là các gia đình đảng viên trong bản. Sở dĩ, người dân bản Pan Khèo mãi không thoát khỏi cái "vòng luẩn quẩn" của đói nghèo, phần lớn là bởi giao thông cách trở. Con đường vào bản dài chừng 4 km cũng mới được hoàn thành từ 2 năm trước.

Trước đây, đường từ bản ra trung tâm xã chỉ là lối mòn (khoảng 4km), đi lại rất vất vả. Người dân trong bản hầu như sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, bản Pan Khèo nằm tít trên đồi cao, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên người dân chỉ có thể cấy được 1 vụ lúa và trồng ngô trên nương.

Nói như ông Sử, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, mà đi đầu là các Đảng viên, nhiều hủ tục lạc hậu ở bản đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn hay những hủ tục trong việc hiếu, việc hỷ ở bản đã giảm rõ rệt.

Người dân trong bản không còn để người chết trong nhà nhiều ngày (6 – 7 ngày) và tổ chức ăn uống linh đình hết ngày này qua ngày khác như trước nữa. Người dân trong bản tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi bật là phong trào làm đường nội bản, ngõ bản. Đoạn đường vào bản hiện đang được đổ bê tông với sự góp sức nhiệt tình của người dân trong bản.

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 3: Ánh sáng của Đảng nơi bản làng xa ngái - Ảnh 4.

Có chi bộ lãnh đạo, người dân bản Pan Khèo mạnh dạn đưa giống ngô lai vào sản xuất. (Ảnh: P.V)

"Sau khi họp bàn, ban hành nghị quyết về làm đường nội bản, ngõ bản, chúng tôi đã tổ chức họp bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Chúng tôi giải thích rằng, lâu nay, bản không phát triển được một phần cũng do chưa có đường giao thông đi lại thuận tiện. Giờ Nhà nước đã hỗ trợ vật liệu rồi, bà con mình chỉ phải góp công sức để làm đường thôi. Có đường rồi thì bản mình sẽ thay đổi. Nghe chúng tôi giải thích có lý, người dân trong bản không ai bảo ai tự nguyện hiến đất và góp công làm đường nội bản. Đến nay, con đường vào bản đã gần hoàn thành rồi. Hầu hết các ngõ bản, lối đi vào nhà dân cũng đã được đổ bê tông, đi lại dễ dàng, người dân ai cũng phấn khởi",  ông Sử phấn khởi nói.

Trên đường trở về, chợt nhớ tới câu nói bên bếp lửa hồng của già bản Sùng A Khai, một trong những người đã chứng kiến những khó khăn của ngày đầu thành lập bản và câu chuyện đổi thay của Pan Khèo: "Cuộc sống của Pan Khèo có được như ngày hôm nay là nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm Pan Khèo giờ không còn nhà lợp gianh nữa mà tất cả những ngôi nhà trong bản đều đã được lợp fipro ximang. Các hộ dân trong bản đều đã có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, có chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo vệ sinh và cách xa nhà ở theo quy định...".

Nhờ vậy, người dân trong bản ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động sản xuất và ổn định cuộc sống.

(Còn nữa)

"Năm 2006, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tôi là người thứ 2 ở bản Pan Khèo, sau ông Giàng A Tráng được kết nạp Đảng. Chính ông Tráng là người đã dìu dắt, giúp đỡ tôi rèn luyện, phấn đấu để được kết nạp Đảng. Trước đó, tôi đã đi học bổ túc tiểu học trong 2 năm, mỗi năm 2 lớp, thế là học xong lớp 5. Vì không đủ đảng viên để thành lập chi bộ nên tôi và ông Tráng phải tham gia sinh hoạt ghép tại chi bộ bản Sin Câu. Lúc đó đã có đường rộng rãi như bây giờ đâu. Đều đặn hàng tháng, chúng tôi cuốc bộ theo lối mòn xuống Sin Câu sinh hoạt chi bộ. Vất vả nhưng không ai trong chúng tôi ca thán gì cả. Bởi qua mỗi buổi sinh hoạt chi bộ như vậy chúng tôi lại được học thêm nhiều điều mới, có thêm nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên" – ông Sử nhớ lại.