Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 2: Lời Đảng xua tan tiếng khèn lạc điệu

Nhóm PV Tây Bắc Thứ ba, ngày 03/11/2020 09:00 AM (GMT+7)
Mường Nhé (Điện Biên) là huyện cực tây Tổ quốc, có ngã ba biên giới A Pa Chải - nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe thấy. Sau sự kiện Huổi Khon năm 2011, đến nay Mường Nhé đã có diện mạo mới. Nhân dân các dân tộc trong huyện một lòng theo Đảng, cùng xây dựng quê hương phát triển vững mạnh và đoàn kết.
Bình luận 0

Huổi Khon - Ngày trở lại

Trong ký ức không xa của mình, những người dân ở Mường Nhé còn nhớ vào tháng 4/2011, người dân bản Huổi Khon, xã Nậm Kè vì nhẹ dạ cả tin những kẻ xấu, đã không lên nương lao động sản xuất, tích góp lương thực, thực phẩm, đóng gói đồ đạc để đến "vùng đất hứa".

Những ngày ấy cả xã Nậm Kè có 9 bản thì 7 bản xuất hiện luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, gây mất đoàn kết dân tộc. Khá nhiều người dân vì nhẹ dạ cả tin đã nghe theo lời kẻ xấu, bỏ nương rẫy, tụ tập đông người, gây bất ổn về an ninh chính trị...

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi đại úy Nguyễn Thế Anh, sỹ quan đồn Biên phòng Nậm Kè được tăng cường về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Kè chia sẻ: "Huổi Khon hôm nay khác rồi. Điện, đường, trường, trạm được nhà nước đầu tư. Người dân trong bản cũng thay đổi nhận thức, tu chí làm ăn, xây dựng quê hương. Bản hiện nay đã thành lập được chi bộ với 7 đảng viên".

Loạt bài Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 2: Lời Đảng xua tan những tiếng khèn lạc điệu - Ảnh 1.

Nhờ có những quần chúng ưu tú, đảng viên tiên phong nên cuộc sống của người dân bản Huổi Khon, xã Nậm Kè ngày càng bình yên và no ấm hơn.

Cũng trong câu chuyện với Phó Bí thư - Nguyễn Thế Anh thì để người dân Huổi Khon thay đổi được nhận thức và có cuộc sống ổn định được như ngày hôm nay là nhờ các cán bộ, Đảng viên ngày đêm bám dân, bám bản tuyên truyền. Vì thế người dân ở địa bàn heo hút này đã nhận thức được sai lầm, quay về với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, không nghe theo lời kẻ xấu làm những điều trái với chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…

Từ trên đỉnh dốc Khe Hồn nhìn về phía Huổi Khon thấy rực lên một màu đỏ của mái tôn và những căn nhà gỗ mới. Thả khói thuốc lào lên trần nhà, trầm ngâm hồi lâu, ông Sùng A Kỷ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Huổi Khon kể lại: Nếu không được Đảng chỉ lối, dẫn đường, tôi và bà con dân bản không có được cuộc sống như ngày hôm nay. Chỉ vì nghe theo kẻ xấu xúi giục mà tôi và dân bản đã làm những việc khiến lãnh đạo Đảng, nhà nước đau lòng.

"Sau vụ Huổi Khon năm 2011, tôi và bà con trong bản đã nhận thức được những việc làm sai trái của mình. Chúng tôi đã đồng lòng quyết tâm một lòng theo Đảng, bắt tay vào sản xuất, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bản thân tôi cũng đã được Đảng quan tâm, giáo dục và trở thành nguồn kết nạp Đảng trong thời gian tới đấy", ông Sùng A Kỷ chia sẻ.

Trong câu chuyện kể của ông Lò Văn Choi, Bí thư chi bộ bản Huổi Khon, 9 năm trước vì nhẹ dạ cả tin, ông Sùng A Kỷ đã nghe và tin theo luận điệu của kẻ xấu cùng với hàng ngàn người tụ tập gây mất an ninh trật tự. Nhưng nhờ cán bộ, đảng viên tuyên truyền, vận động, ông Kỷ đã trở thành một con người khác.

Trước đây ông Kỷ từng đi tuyên truyền cái xấu thì nay ông Kỷ lại đi vận động bà con làm theo cán bộ, làm theo lẽ phải. Ông Kỷ được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu giữ cương vị trưởng bản Huổi Khon, rồi làm Trưởng Ban công tác mặt trận. Nghe lời ông Kỷ, nhiều người trước đây từng hiểu sai, làm theo điều xấu, thì nay lại tích cực làm điều tiến bộ, cùng gia đình lao động sản xuất làm giàu chính đáng.

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 2: Lời Đảng xua tan tiếng khèn lạc điệu - Ảnh 2.

Một góc bản Huổi Khon hôm nay, bình yên và phát triển. (Ảnh: P.V)

Nhớ lại những ngày cùng cực ấy, anh Thào A Gia, Trưởng bản Huổi Khon chia sẻ: "Cuối tháng 4/2011, những người Mông lạ mặt đến bản họ mang theo lương thực, thực phẩm. Họ cử người canh gác, không cho gia đình tôi đi làm nương. Cuộc sống của người dân trong bản đảo lộn hết mọi thứ. Những kẻ lạ mặt lập các trạm chốt chặn, không cho người dân trong bản đi làm. Nhiều hộ dân bị ép phải tham gia, nếu không những người lạ mặt sẽ đánh…".

Để phản đối lại kẻ xấu, anh Gia đã bí mật đến nhiều gia đình nói cho họ hiểu những người tụ tập trái phép ở Huổi Khon là vi phạm pháp luật, bà con không nên nghe. Anh Gia cũng đem những câu chuyện về người Mông một lòng tin Đảng, theo Đảng kể lại với bà con. Có ánh sáng của Đảng soi đường, người Mông mới thoát được ách đô hộ của thực dân Pháp, thoát cảnh áp bức của các thống lý, vua Mèo và thoát được các hủ tục lạc hâu từng một thời làm mê muội bao thế hệ người Mông vùng cao...

Những "hạt giống đỏ" ở Huổi Khon

Xác định để bà con yên tâm sản xuất, không nghe theo luận điệu của các thế lực thù địch, một lòng theo Đảng thì phải có tổ chức cơ sở Đảng tại cơ sở. Những quần chúng ưu tú đã được Đảng bộ xã bồi dưỡng, cho đi học các lớp nhận thức về Đảng. Những "hạt giống đỏ" của Huổi Khon sau thời gian được bồi dưỡng đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 2: Lời Đảng xua tan tiếng khèn lạc điệu - Ảnh 3.

Niềm vui đến trường của con em bản Huổi Khon. (Ảnh: P.V)

"Tôi vẫn nhớ 4 lời tuyên thệ khi được kết nạp Đảng, tôi tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng. Là đảng viên mình phải gương mẫu, để quần chúng học hỏi, có lý tưởng phấn đấu. Những việc làm sai trái của quần chúng, mình ở bản phải trực tiếp làm công tác tư tưởng, để bà con không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục", anh Sùng A Páo chia sẻ.

Từ chỗ bản không có đảng viên, năm 2017 bản Huổi Khon đã thành lập được chi bộ với 7 đảng viên. Xác định phải có tổ chức Đảng tại bản để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Vì thế những quần chúng ưu tú đã được Đảng bộ xã đào tạo, bồi dưỡng để kết nạp.

Niềm vui như được nhân lên, năm 2017, Đảng bộ xã đón nhận tin vui, một sinh viên của bản Huổi Khon được kết nạp Đảng ngay trong trường đại học.

"Tôi không thể tin được, khi tiếp cán bộ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên về xác minh lý lịch, kết nạp Đảng cho sinh viên Sùng A Páo. Đây là sinh viên đầu tiên của xã được kết nạp trong trường Đại học", anh Thế Anh nói.

Tâm sự với chúng tôi, Sùng A Páo chia sẻ: "Nhà nghèo, lại đông anh em, vì thế ngay khi học phổ thông, em đã đặt ra 2 mục tiêu cho riêng mình, thứ nhất phải đỗ đại học, thứ 2 phải được đứng trong hàng ngũ của Đảng".

Trong nhiều năm liền Páo là sinh viên xuất sắc của trường. Khi biết mình được kết nạp Đảng, Páo đã khóc cả đêm, vì mục tiêu thứ 2 của mình đã thành hiện thực. Những ngày tháng lam lũ trên nương nhưng cái bụng vẫn không đủ no đã hun đúc ý trí của chàng trai trẻ người Mông phấn đấu.

Một tin vui nữa đến với A Páo, khi biết câu chuyện về tân cử nhân A Páo, ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn báo cáo. Đồng thời ông Hưng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện, bố trí việc làm phù hợp với chuyên ngành Páo được học để em phát huy năng lực chuyên môn đã được đào tạo.

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Bài 2: Lời Đảng xua tan tiếng khèn lạc điệu - Ảnh 4.

Nhờ sự đầu tư của nhà nước, trường lớp học của xã Nậm Kè đã được xây dựng kiên cố, không còn cảnh thầy cô học trong các lớp học tạm. (Ảnh: P.V)

Một lòng theo Đảng, người dân Huổi Khon hôm nay đã yên tâm sản xuất. Những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu không thể "bước" được vào cửa của đồng bào nơi đây, vì người dân không còn nghe, tin theo những luận điệu mà chút nữa đã làm họ lầm đường lạc lối.

Giờ đây, cùng với nhiều đổi thay trên nhiều lĩnh vực, con đường nhựa phẳng lỳ từ trung tâm huyện đến bản đã được đầu tư, trường lớp được xây dựng khang trang, điện lưới quốc gia được kéo đến từng nhà. Ngay tại đầu bản Huổi Khon, một lớp học mới được xây dựng khang trang, các cháu học sinh được học trong lớp học mới.

Để có được lớp học này, công lớn là của trưởng bản Thào A Gia. Anh đã góp toàn bộ diện tích đất để huyện đầu tư xây dựng. Chia sẻ với phóng viên anh Gia cho biết: "Mình là trưởng bản, là đảng viên mà không gương mẫu thì người dân trong bản không học tập làm theo. Mình góp đất để xây trường là đầu tư cho thế hệ tương lai. Ngày trước chưa có trường, các cháu phải đi 3km để đi học. Trời nắng đã vất vả, trời mưa thì càng khổ các cháu hơn".

Dưới ánh sáng của Đảng soi đường, người dân Huổi Khon đã không còn bữa đói, bữa no. Không còn cảnh cụ già, em nhỏ rét run, tím tái chân tay mỗi khi đông về. "Cái bụng đã no, cái đầu đã thông rồi. Người Mông không đi theo kẻ xấu nữa đâu, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ thôi. Chỉ có Đảng mới cho con cháu chúng tôi được học cái chữ, cơm ăn áo mặc", ông Vàng A Vảng, một trong những người có uy tín ở Huổi Khon tâm sự.

(Còn nữa)

Nói về những khó khăn tạo nguồn kết nạp Đảng, anh Nguyễn Thế Anh, Phó Bí thư Đảng bộ xã chia sẻ: "Thời gian đầu cũng rất khó khăn vì nguồn không có, những quần chúng ưu tú có thể bồi dưỡng, kết nạp được thì lại vi phạm sinh con thứ 3. Đây là cái khó cho chúng tôi khi bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Nhưng không phải khó là không làm, chúng tôi cử đảng viên về bản, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng quần chúng để bồi dưỡng, cho họ hướng phấn đấu. Chúng tôi đã xác định: Dù bản nào, khó khăn đến đâu thì cũng phải có Đảng viên và tổ chức chi bộ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem