Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc

Nhóm PV Tây Bắc Thứ hai, ngày 02/11/2020 13:40 PM (GMT+7)
LTS: Ở nhiều địa bàn vùng cao Tây Bắc, nơi người dân tộc thiểu số sinh sống là chủ yếu, tình trạng thôn bản trắng Đảng viên, tổ chức Đảng trở thành một nỗi lo thường trực. Để xóa bản trắng Đảng viên, nhiều cấp ủy ở vùng Tây Bắc đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bằng những cách làm sáng tạo đã từng bước phát huy được
Bình luận 0

Bài 1: Ký ức những ngày gian nan xóa bản trắng Đảng viên

"Khó lắm! Tôi là Đảng viên, làm cán bộ ở xã vùng cao này mấy chục năm rồi mới nghỉ hưu nên tôi hiểu cái khó khi bản trắng Đảng viên và tổ chức Đảng. Muốn vận động bà con làm theo cái mới, bỏ tục tảo hôn, hoà giải tranh chấp đất đai… đều phải đưa cán bộ từ trên xã, huyện xuống; bám bản ròng rã nhiều ngày để xem xét, vận động, tuyên truyền, giải thích mới thành công" – già bản Lụng Cuông - ông Lù A Dạng, bảo vậy.

"Đốt đuốc đi tìm quần chúng ưu tú"

Trong cái se lạnh của những ngày đầu Đông, chúng tôi đến với xã Nà Ớt, một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là nơi có nhiều dân tộc anh em chúng sống: Thái, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun. Đã vào buổi trưa nhưng sương mù vẫn bám chặt những bản vùng cao như Pá Trả, Lụng Cuông, Hin Đón, Huổi Kẹt, Trạm Cọ, Xà Kìa…

Ông Hoàng Mạnh Phúc, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Nà Ớt, đưa bàn tay với những ngón tay to như quả chuối mắn, nắm chặt tay tôi, lôi tuột vào bên bếp lửa: "Lâu lâu nhà báo mới lại đến thăm nhau, cứ vào bếp lửa cho ấm đã. Người Thái vùng cao Tây Bắc coi ngọn lửa trong nhà như cái linh hồn của mình, nó sẽ làm mình ấm lên đấy".

Loạt bài Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Ảnh 1.

Đảng viên Lù A Dạng ở bản Lụng Cuông (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) tuy tuổi cao nhưng vẫn phát huy vai trò đầu tầu – gương mẫu để quần chúng noi theo. (Ảnh: P.V)

Sau một hồi hàn huyên, biết chúng tôi muốn đi tìm hiểu về quá trình xoá bản trắng đảng viên và tổ chức đảng ở xã, bản trên địa bàn Sơn La, ông Phúc bảo: Nhà báo tìm đến Mai Sơn, lại đến Nà Ớt thì quá chuẩn rồi. Tôi làm cán bộ xã này mấy chục năm, lại đúng thời điểm Sơn La triển khai quyết liệt chương trình xoá bản trắng đảng viên và tổ chức Đảng. Đó là cái thời đầu những năm 2000, khi ấy ông Thào Xuân Sùng còn làm Bí thư Tỉnh uỷ (hiện ông Thào Xuân Sùng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam-NV).

Ngày ấy Mai Sơn có nhiều bản trắng đảng viên và tổ chức Đảng lắm. Ngay ở Nà Ớt này, có 17 bản thì có tới hơn chục bản "trắng" chi bộ, nhiều bản không có Đảng viên. Không phải xã, huyện không chăm lo phát triển đảng nhưng cái đói, cái nghèo bao đời qua nó làm cho công tác phát triển Đảng trở nên khó khăn. Người tốt, người yêu nước thì nhiều nhưng hầu hết lớp trẻ ngày ấy đều ít học, mải kiếm miếng ăn để chống lại cái đói hàng ngày nên chưa muốn tham gia công tác xã hội.

"Phát triển Đảng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người như chúng tôi, gian nan lắm, không như dưới xuôi đâu nhà báo ạ!", ông Lù A Dạng cười vui.

Cũng có không ít thanh niên hăng hái với công việc chung nhưng lại vướng vào tiêu chí khác như: Tảo hôn, sinh nhiều con, bị lôi kéo bởi các tổ chức truyền đạo trái phép…

"Ngày ấy, phải "đốt đuốc" để đi tìm thì mới thấy được những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng trở thành đối tượng Đảng. Không phát triển được Đảng viên và tổ chức Đảng ở bản, tiểu khu người dân không chỉ bị đói nghèo, lạc hậu mà còn dễ bị những thế lực xấu lôi kéo như ở Sốp Cộp (Sơn La), Mường Nhé (Điện Biên) những năm trước đây", ông Phúc bồi hồi nhớ lại.

Theo hướng dẫn của ông Phúc, chúng tôi tìm đến già bản Lụng Cuông - ông Lù A Dạng, "một trong những cán bộ xã người dân tộc Mông gắn bó với mảnh đất Nà Ớt, Phiêng Pằn, Chiềng Nơi này hơn 50 năm qua" – như lời ông Phúc.

Ông Dạng đã gần 70 tuổi nhưng nhìn vẫn khoẻ mạnh, cường tráng lắm. Quanh nhà ông là những vườn cà phê, cây trái, rau xanh và chuồng trại chăn nuôi gà, lợn như một cái trang trại nhỏ.

Ông Dạng bảo: Tôi đi vận động người ta nhiều rồi, nay tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn phải làm thật tốt để người ta còn học theo, nhìn theo. Ở vùng cao này, muốn vận động được bà con các dân tộc học và làm theo cái mới, cái hay thì cứ phải cho họ nhìn thấy kết quả trước đã.

"Tìm được nguồn là phải bám từng ngày"

Kể cho chúng tôi nghe về quá trình phát triển Đảng ở vùng cao Nà ớt, ông Dạng bảo: Khi bản trắng Đảng viên và tổ chức Đảng, xã muốn triển khai nhiệm vụ gì cũng rất khó khăn. Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của cấp trên về đến xã thì thông suốt rồi. Nhưng khi đưa về đến bản thì hiệu quả rất thấp bởi thiếu người đầu tầu làm gương ở đó. Bà con vùng cao tuy rất yêu nước, rất muốn xoá đói nghèo, muốn sống hoà thuận… nhưng hầu hết bà con dân trí còn hạn chế; có người cả đời chưa đi ra khỏi xã, bản nên không hiểu biết nhiều.

Cũng theo ông Dạng, cái đói, cái nghèo ngày ấy là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc phát triển Đảng ở vùng cao rất khó khăn. Nông dân quần quật làm lụng, đất dốc bạc màu, kĩ thuật canh tác lại lạc hậu; giống, vốn đều thiếu nên cuộc sống ở mức rất thấp.

Loạt bài Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Ảnh 2.

Những quần chúng ưu tú của bản Lụng Cuông hôm nay luôn hăng hái lao động sản xuất, xoá đói nghèo và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, là nguồn phát triển đảng viên mới. (Ảnh: P.V)

"Điện, đường giao thông lại chưa phát triển nên TV, báo, đài cũng chưa phủ sóng với người dân như bây giờ, càng làm nhận thức người dân hạn chế. Tôi đi vận động người ta không theo học đạo trái phép, không tranh chấp đất đai, không phá rừng, tự nguyện tham gia tổ chức Đảng, Đoàn, Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh… và đặc biệt là tìm nguồn để phát triển Đảng rất khó khăn. Tìm được nguồn là chúng tôi mừng lắm nhưng ngay sau đó phải bám từng ngày", nguyên Bí thư Dạng chia sẻ.

Tiếp đó, cấp uỷ, Ban Chấp hành Đảng uỷ xã phải phân công nhau theo dõi, bồi dưỡng từng đối tượng để họ thực sự trở thành quần chúng ưu tú. Rồi phải đưa đi học lại bổ túc văn hoá, vừa học văn hoá vừa giác ngộ chính trị, tư tưởng… Có những quần chúng phải theo dõi, bồi dưỡng trong nhiều năm liền thì mới thành công. "Phát triển Đảng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người như chúng tôi, gian nan lắm, không như dưới xuôi đâu nhà báo ạ!", ông Dạng cười vui.

Nói về quá trình xoá bản trắng Đảng viên và tổ chức Đảng ở cấp thôn, bản, ông Lê Đình Châu, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Mai Sơn, Sơn La (người vừa nghỉ hưu 3 tháng), cũng bồi hồi kể lại: Mai Sơn là một trong những huyện mũi nhọn, năng động về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La. Đầu những năm 2000, huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình kinh tế hộ, bản rất thiết thực để giúp bà con các dân tộc xoá đói nghèo, lạc hậu. Nhưng khi đưa vào thực tiễn cơ sở còn chậm và có sự chênh lệch rất lớn giữa vùng thấp và vùng cao; vùng đồng bào dân tộc Kinh và vùng dân tộc khác.

Xóa bản trắng Đảng viên ở vùng cao Tây Bắc - Ảnh 4.

Đảng viên trạm y tế xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn tuyên truyền về công tác dân số cho phụ nữ đồng bào Mông. (Ảnh: P.V)

"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả thấp khi triển khai các chương trình kinh tế, xã hội ấy là do tổ chức Đảng ở cơ sở chưa phát triển đúng tầm. Ở cơ sở đang thiếu những hạt nhân đầu tầu, gương mẫu, mạnh dạn tiên phong, dám nghĩ, dám làm và biết vận động người khác cùng làm theo. Nhất là những xã, bản vùng sâu, vùng cao, đồng bào dân tộc lại càng thiếu nguồn phát triển Đảng; trong khi đó, lớp Đảng viên cao tuổi trong huyện thì ngày càng nhiều người nghỉ hưu, người chuyển công tác ra khỏi địa bàn", ông Lê Đình Châu phân tích.

Thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ Sơn La về công tác xoá bản trắng đảng viên và tổ chức Đảng, Đảng bộ Mai Sơn vào cuộc rất quyết liệt. "Chúng tôi phải tiến hành rà soát chi tiết từng bản, thậm chí từng hộ, đánh giá, cân nhắc chi li, giao việc cụ thể cho từng cá nhân là cấp uỷ, là đảng viên ở xã, bản, Ban Thường vụ Huyện uỷ, Ban Chấp hành Huyện uỷ cũng phân công nhau phụ trách từng địa bàn để phát hiện nguồn quần chúng tích cực, bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, đưa vào danh sách đối tượng Đảng để bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng", ông Châu dẫn chứng.

"Với những bản trắng Đảng viên, bản trắng chi bộ, chúng tôi phải áp dụng nhiều giải pháp: Đưa đảng viên từ lực lượng vũ trang, giáo viên, y tế vào xã, sinh hoạt với bản, ghép nhiều bản có 1-2 Đảng viên thành Chi bộ ghép… từng bước, từng bước như thế, nhanh nhưng không vội, gấp gáp nhưng chu toàn, nhờ thế nguồn phát triển đảng viên mới của chúng tôi tăng lên rất nhanh. Tổ chức Đảng ở cơ sở cũng phủ sóng, lan toả vai trò lãnh đạo, nâng cao uy tín của Đảng nhanh và mạnh chưa từng có. Chỉ trong vài ba năm, chúng tôi đã có hàng ngàn đảng viên mới; trong đó, đặc biệt quan trọng là các đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, sống và làm việc tại địa phương" – ông Châu tâm sự.

(Còn nữa)

Ông Lù A Dạng bảo: "Tôi đi vận động người ta nhiều rồi, nay tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn phải làm thật tốt để người ta còn học theo, nhìn theo. Ở vùng cao này, muốn vận động được bà con các dân tộc học và làm theo cái mới, cái hay thì cứ phải cho họ nhìn thấy kết quả trước đã"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem